Toyota bắt đầu “phản pháo”
(Dân trí) - Mệt mỏi với những thông tin tiêu cực liên tiếp phát ra từ chính phủ và các phương tiện truyền thông, lãnh đạo Toyota Mỹ bắt đầu lên tiếng bảo vệ uy tín của công ty trong vấn đề an toàn.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1428/Ac-mong-thu-hoi-xe-cua-Toyota.htm'><b> >> "Ác mộng" thu hồi xe của Toyota</b></a>
Lãnh đạo Toyota Mỹ phản bác rằng Toyota đang bị trừng phạt một cách không công bằng, trong khi vấn đề an toàn lâu dài của xe vẫn nằm trong các tiêu chuẩn ngành. Tuần trước, họ đã trích số liệu thống kê đơn thư khiếu nại của khách hàng để khẳng định điều này.
Giám đốc Toyota Mỹ, ông Bob Carter, cho biết chỉ có 13 đơn thư khiếu nại tình trạng dính chân ga dẫn tới đợt thu hồi 2,3 triệu xe tháng trước của Toyota tại Mỹ.
“Như vậy là quá nhiều, và trách nhiệm của chúng tôi là khắc phục lỗi này,” ông Carter nói trong một buổi họp báo do Hiệp hội đại lý ô tô quốc gia Mỹ tổ chức ở Orlando. Nhưng ông nói thêm rằng: “Thật bực mình khi mọi việc bị đẩy đến mức này chỉ với 13 đơn thư khiếu nại”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những con số mà Toyota đưa ra mới chỉ giới hạn ở vấn đề dính chân ga, trong số hàng trăm đơn thư khiếu nại về các vấn đề khác của xe Toyota.
Từ mùa thu năm ngoái đến nay, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đã phải thu hồi khoảng 5,4 triệu xe Toyota và Lexus để khắc phục nguy cơ thảm sàn chẹt vào chân ga khiến xe tăng tốc đột ngột ngoài ý muốn.
4 người đã tử vong sau khi một chiếc Toyota Avalon lao xuống hồ ở Texas hôm 26/12/2009. Avalon là mẫu xe nằm trong diện bị thu hồi do nguy cơ thảm sàn chẹt vào chân ga xe Toyota hồi tháng 11.
Toyota khẳng định rằng tổng số đơn thư khiếu nại gửi tới Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) về xe Toyota trong một thập kỷ qua thấp hơn tỷ lệ trung bình của hầu hết các nhà sản xuất khác.
Ông Carter trích dẫn một kết quả khảo sát của chuyên trang Edmunds.com cho thấy có 16 nhà sản xuất ô tô còn tệ hơn Toyota nếu xét về tỷ lệ đơn thư khiếu nại tính trên doanh số từ năm 2001 đến ngày 3/2/2010. Chỉ Mercedes, Porsche và Smart có ít đơn khiếu nại hơn.
Thông tin mà bộ phận quan hệ công chúng của Toyota vừa gửi cho giới truyền thông phản ánh số liệu đơn thư khiếu nại gửi NHTSA về nhiều vấn đề chứ không chỉ tập trung vào hiện tượng xe tăng tốc ngoài ý muốn.
Theo kết quả khảo sát của Edmunds.com, trong thời gian nói trên, Toyota chiếm 13,5% thị phần xe mới tại Mỹ, nhưng chỉ chiếm 9,1% số lượng đơn thư khiếu nại.
Tuy nhiên, những con số trên cũng không thể giải quyết được thực tế là các đợt thu hồi dồn dập của Toyota chủ yếu liên quan đến các xe phiên bản gần đây, tức là được sản xuất trong thời kỳ “tăng trưởng nóng” của tập đoàn.
Hồi tháng 12 năm ngoái, tạp chí Consumer Reports cho biết xe Toyota và Lexus chiếm tới 41% tổng số đơn thư khiếu nại về tình trạng xe tăng tốc đột ngột đối với các xe phiên bản 2008 tính đến ngày 28/8/2009.
Ford đứng thứ hai với 28% trong tổng số 166 trường hợp. Các tập đoàn Chrysler, General Motors, Honda và Nissan cùng nhau chiếm 21%.
Cũng theo Consumer Reports, nếu tính tỷ lệ đơn thư khiếu nại trên số xe bán ra thị trường thì Toyota là 1/50.000, Ford là 1/65.000 và GM là 1/500.000.
Một bộ chân ga CTS dùng cho xe Toyota Camry phiên bản 2007 đang chuẩn bị được chêm miếng thép để ngăn chặn nguy cơ dính chân ga ở đại lý McInerney Toyota ở Mỹ. (Ảnh: AP)
Nhà hoạt động bảo vệ an toàn người tiêu dùng Sean Kane hoan nghênh đợt thu hồi xe hồi tháng 1 vừa qua của Toyota. Tuy nhiên, ông cho rằng Carter mới chỉ đề cập đến 13 đơn thư khiếu nại về vấn đề chân ga chứ không nói tới báo cáo gần đây của NHTSA về 34 vụ tử vong có liên quan đến tình trạng tăng tốc đột ngột của xe Toyota.
Ông Kane là chủ tịch Safety Research & Strategies, một công ty tư vấn về các vấn đề an toàn sản phẩm cho khách hàng.
Trong báo cáo ngày 1/2/2010, công ty này cho biết đã có hơn 2.260 vụ va chạm liên quan đến tình trạng xe Toyota tăng tốc ngoài ý muốn kể từ năm 1999. Ông Kane cho rằng nhiều trường hợp liên quan đến phần mềm điều khiển điện bị lỗi, và ông đã đưa ra những trường hợp rõ ràng không thể giải thích bằng lỗi dính chân ga hay kẹt thảm sàn.
Vấn đề ông Kane đặt ra là tại sao Toyota không giải quyết hàng trăm đơn thư khiếu nại liên quan đến hệ thống điều khiển điện.
Từ ít nhất là năm 2002, Toyota đã phủ nhận tình trạng xe tăng tốc ngoài ý muốn có liên quan đến các cảm biến điện gắn với hệ thống mở bướm ga. Thay vào đó, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đổ lỗi này cho tình trạng thảm sàn chẹt vào chân ga, cũng như nguy cơ dính chân ga.
Toyota và NHTSA hiện đang xem xét khả năng hệ thống điều khiển điện gây ra tình trạng xe tăng tốc đột ngột.
Sự công kích của giới truyền thông
“Tôi mệt mỏi với tất cả sự công kích của các phương tiện truyền thông,” ông Bill Stringer, một đại lý ô tô ở St. Louis, nói. “Chúng tôi không vui. Chúng tôi là một thương hiệu mạnh.”
Chủ đại lý Alexandria Toyota, Virginia, ông Jack Taylor, cho biết ông mới chỉ tiếp nhận sự khiếu nại từ 3 khách hàng về tình trạng xe tăng tốc ngoài ý muốn tính từ tháng 9 năm ngoái. Mỗi tháng đại lý này xử lý từ 5.000-6.000 trường hợp hỏng xe vì các lý do khác nhau.
“Khách hàng mang những câu hỏi, thắc mắc đến đại lý, chứ không phải sự khó chịu,” ông nói.
Sam Swope, chủ một đại lý Toyota ở Louisville, Kentucky, vẫn khẳng định: “Đây là một sản phẩm tuyệt vời, một công ty tuyệt vời. Tôi chưa tiếp nhận sự khiến nại nào về tình trạng xe tăng tốc ngoài ý muốn. Tôi có hàng ngàn khách hàng nhưng chưa nhận được sự khiếu nại nào. Những gì các đại lý đang lo lắng là cách làm của chính phủ.”
Nhật Minh
Theo Automotive News