Tin VinFast thành công, ông Huyên Vinaxuki: Có tiền, tôi sẽ khôi phục lại ô tô con

(Dân trí) - Thừa nhận sự thất bại trong phát triển ô tô con mang thương hiệu Việt, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch của Công ty ô tô Vinaxuki cho rằng, thời điểm hiện nay VinFast làm ô tô Việt sẽ rất thành công.

Là người từng nuôi dưỡng ước mơ chế tạo ra chiếc xe hơi Việt nhưng do thời cuộc nên bất thành, cơn đau đầu, đứt ruột vì ô tô vẫn luôn ám ảnh người đàn ông ngoài 70 tuổi Bùi Ngọc Huyên, khi được hỏi về giấc mơ ô tô Việt, ông Huyên lại sáng lên với những ý nghĩ táo bạo và cả giấc mơ Việt dang dở.


Ông Bùi Ngọc Huyên bên chiếc xe hơi của mình

Ông Bùi Ngọc Huyên bên chiếc xe hơi của mình

Thưa ông, là người đau đáu với ngành ô tô, nhưng ông đã thất bại với sự lựa chọn đi vào chế tạo chiếc xe du lịch cỡ nhỏ của mình. Đến nay, khi VinFast tuyên bố làm xe hơi mang thương hiệu Việt, ông có nghi ngại gì? có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ?

- Đầu tiên là VinFast có tiền, vay được vốn và có đất đai rộng mở, với chiến lược của mình, họ chắc chắn sẽ thành công bởi sản xuất ô tô, tôi đã làm rồi, không quá khó như người ta tưởng, nhất là trong bối cảnh chuyển giao công nghệ thế giới đang cởi mở hơn.

VinFast sẽ thành công thôi!

Theo quan sát của tôi, họ có chiến lược rất rõ ràng là sản xuất xe động cơ diesel rồi chuyển sang mảng xe động cơ điện. Nếu ngay lúc này đi vào xe điện thì chưa phù hợp bởi tại bên Nhật, mỗi chiếc xe điện được Chính phủ tài trợ khoảng 5.000 USD, nếu ở Việt Nam, làm ngay xe điện sẽ không được hỗ trợ như vậy.

Tuy nhiên, 5 - 7 năm nữa thì có thể sẽ khác, lúc đó họ đi vào xe điện là hoàn toàn hợp lý vì công nghệ, thiết bị xe điện đã rẻ hơn.

Trở lại với vấn đề của ông, là người rất yêu xe, thậm chí khao khát làm xe ô tô Việt, tại sao ông thất bại?

- Từ năm 2011, tôi đã nội địa hóa được 6 chiếc xe, 3 xe tải nội địa hóa trên 40%, ba xe con nếu ngân hàng không cắt vốn thì tôi cho xuất xưởng tỷ lệ nội địa hóa 50% vào năm 2012 rồi. Mà giá bán chỉ bằng 60% xe động cơ trên thị trường, thậm chí tôi lắp động cơ Nhật đàng hoàng.


Cận cảnh khoang lái chưa được hoàn thiện do không có vốn

Cận cảnh khoang lái chưa được hoàn thiện do không có vốn

Tôi nợ ngân hàng 60 triệu USD, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì tôi được vay hơn 2.700 tỷ đồng, đáng lẽ tôi còn được vay thêm nữa, nhưng ngân hàng cắt vốn.

Có thể hiểu thời gian năm 2008 - 2012, các chính sách của chúng ta chưa ổn định, luật pháp và cơ chế chưa có, lại đang có khủng hoảng tài chính. Thời điểm hiện nay và tương lai ngắn năm 2020 - 2025 thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển cực thịnh, có thể tiêu thụ từ hàng trăm nghìn chiếc mỗi năm, năm 2025 có thể lên 1 triệu xe/năm.

Thời kỳ tôi làm, rất ít người ủng hộ nội địa hoá, đi họp ở Bộ Công Thương nói đến nội địa hóa người ta phản đối ngay, các DN khác chỉ kiến nghị có chính sách để lắp ráp.

Vậy thời điểm hiện nay, ông vẫn nuôi hy vọng quay trở lại với những sản phẩm ô tô con của mình?

- Vẫn chứ, tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ vay ở đâu đó 30 triệu USD để trả tiền nợ xấu của ngân hàng, để lấy nhà máy về, tiếp tục nuôi giấc mơ ô tô, phục hồi lại những chiếc xe của mình và chỉ sau 6 tháng sẽ ra mắt xe mới ngay.

Chưa chiếc xe ô tô con nào của Vinaxuki được lăn bánh

Mỗi mình tôi đi đầu tư máy móc là sản xuất ra khung xe để nội địa hoá, toàn máy móc công nghệ cao thế hệ 3 và 4 và tự động hóa hết, từ đúc, luyện, làm khuyên, hàn...

Ngay cả Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xuống nhà máy của tôi tháng 4/2017 vừa rồi còn đánh giá các máy móc, công nghệ của chúng tôi hiện đại, vay từng ấy tiền làm nhưng mà bị cắt thì tôi biết làm thế nào được?

Có người cho rằng, bản thân xe ô tô con của ông thất bại, bản thân dự án của ông thất bại do bản tính của ông muốn có thiết kế riêng, nhưng thiết kế mẫu mã đó chưa theo kịp thời đại, thiết kế xấu nên khó được thị trường chấp nhận. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Những người nói thế là những người không hiểu gì về xe, chưa chiếc xe nào của tôi được lăn bánh cả, nên không ai cảm nhận được. Những người đến với tôi đều công nhận chất lượng xe, bản thân Giám đốc Toyota Việt Nam sang công ty tôi đi xe còn khẳng định xe tôi làm chuẩn, còn tôi lắp động cơ của Mitsubishi, lốp, đánh lửa của Nhật, đèn xe của Đức... những người có quan điểm chê bai xe tôi như thế là họ nói mò, chỉ nhìn xe bề ngoài.

Bên Nhật có nhiều xe rất xấu, giá rẻ, nó vuông vắn nhìn rất buồn cười, nếu các xe này sang Việt Nam thì không ai mua, nhưng người Nhật họ rất thực tế, họ sẵn sàng đi xe để chuyển đổi chở hàng.

Năm 2008, khi các DN xe trong nước mải đi lắp ráp, tôi thấy 1 chiếc xe Kia của Hàn đắt đỏ như vậy mà chẳng có gì, tôi đã đầu tư mua công nghệ của Nhật, châu Âu, thế hệ 3, thứ 4 để chế tạo xe.

Những người lắp ráp thì phê phán tôi trước đây là đi nội địa hoá, nhưng chính họ hiện nay lại đi vào nội địa hoá. Bởi sau nhiều năm làm, họ hiểu ra, nếu không nội địa hoá, nước ngoài sẽ bóp chết ngay.

Các hãng xe hiện có muốn cho lắp ráp hay không, bán phụ tùng không, bán cho hay là quyền của họ. Nếu cứ mãi lắp ráp thì chỉ làm thương mại thôi. Thực tế, người Việt trong những năm qua mua chiếc xe đắt quá, đắt hơn giá trị thực của chiếc xe bởi vì phải trả 25% tiền thương hiệu, 5% tiền thương mại, ít nhất là 30% tiền cho hãng nên bị đội giá rất cao.

Ông hay nói là do ngân hàng cắt vốn, nhưng đã bao giờ ông nghĩ lỗi chủ quan do mình hay chưa? Bởi thấy được điều này, mới thấy được điều cần giải quyết?

- Tai họa ập đến đầu tôi quá nhanh. Lỗi chủ yếu là do tôi quá tin vào ngân hàng nên thất bại. Nhưng lỗi một phần do chính sách, do thời vận khi tôi làm xảy ra khủng khoảng tài chính, ngân hàng lạm phát.


Nhà máy chế tạo khung xe của ông Huyên

Nhà máy chế tạo khung xe của ông Huyên

Tuy nhiên, các DN như tôi không gây khủng hoảng tài chính, chính giới bất động sản gây khủng hoảng tài chính, ngân hàng được cứu, các ông lớn bất động sản được cứu còn tôi thì không.

Tôi rất buồn nhưng không bi quan

Tất nhiên tôi rất buồn, nhưng tôi còn chịu đựng được bởi qua chiến tranh bị thương mấy lần, nay cũng chai sạn. Tuy nhiên, các con cái tôi thì hoảng loạn bởi dự án bị ngân hàng khoanh nợ, kéo theo tài sản, tâm huyết gia đình.

Tuy nhiên, tôi vẫn không bi quan, ông Honda tại Nhật tuyên bố làm chiếc xe đầu tiên, thì Bộ Công Nghiệp Nhật cấm không cho sản xuất, ông đó thất bại 7 năm liên tiếp nhưng đến khi làm chiếc xe thứ 2 thì thắng lợi. Toyota suýt 2 lần phá sản; vợ của ông Honda bán cả quần áo để mua gạo cho công nhân ăn. Họ đứng dậy họ đi, do cơ chế họ tốt.

Người ta nói tôi quá lệ thuộc ngân hàng, nhưng đã làm kinh doanh không ai không vay vốn cả, tôi cũng chỉ vay 50% có đâu mà nhiều, trong khi quy định của Nhà nước là được vay 70%.

Làm nội địa hóa 6 mẫu liên tiếp, trong lúc khủng hoảng tài chính 90% doanh nghiệp thua lỗ, cho nên tôi phụ thuộc vào ngân hàng thì tôi chết. Họ toàn cho vay ngắn hạn, tôi chưa lấy xong đất, chưa dựng cột làm nhà đã hết hạn rồi.

Đặt giả sử bây giờ có lời mời ông đầu quân cho VinFast hoặc có mạnh thường quân nào giúp đỡ, ông sẽ vẫn gắn bó với những chiếc xe hơi thương hiệu Việt?

- Mỗi người khác nhau, kinh nghiệm và sự thương đau của tôi khác họ. Tuy nhiên, ước mơ của tôi vẫn còn đó, nếu có tiền tôi sẽ khôi phục lại, vẫn đi theo hướng nội địa hóa xe của tôi. Những chiếc xe ô tô đã bị chê bai chỉ vì nom xấu, nhưng đã ai thử ngồi lên nó, thử đi. Đừng chỉ biết chê bai nhau, chê bai sản phẩm do tâm huyết người Việt gây dựng, trong khi người nước ngoài họ thừa nhận sự khác biệt, thừa nhận sự đa dạng của tư duy.

Thời gian đầu, tôi đã thuê 10 chuyên gia giỏi của Nhật sang làm việc chỉ để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, có người ở 6 tháng, có người ở 1 năm có người ở 4 năm đi liền với giấc mơ xe con của tôi.

Các chuyên gia của Thụy Sỹ cũng vậy, họ cũng ở đây để chuyển giao các máy móc, công nghệ cho chúng tôi. Chúng tôi đã thừa nhận sự chuyển giao, cởi mở trong công nghệ nhưng cuối cùng may mắn đã không mỉm cười.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)