Thực hiện Nghị định 116: Khó đến mức nào?

Có hiệu lực thi hành từ tháng 10/2017, đến nay, sau 10 tháng thực hiện, Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn còn những ý kiến trái chiều. Đã là điều kiện, đương nhiên phải cần có các quy định chặt chẽ. Vấn đề đặt ra là một số điều kiện quy định tại Nghị định này có thực sự “làm khó” các DN đến mức không thể thực hiện được?


Nhiều hãng xe ô tô đang nỗ lực đáp ứng các quy định tại NĐ 116. Ảnh: Nguyễn Hà

Nhiều hãng xe ô tô đang nỗ lực đáp ứng các quy định tại NĐ 116. Ảnh: Nguyễn Hà

VAMA vẫn tiếp tục xin “gỡ khó’

Mới đây (ngày 10/8), Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại tiếp tục có văn bản gửi tới Bộ Công thương (CT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Văn Phòng Chính phủ đề xuất về một số vấn đề được quy định trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP (NĐ 116) đối với xe ô tô sản xuất trong nước (CKD). VAMA cho rằng vẫn còn một số khó khăn vướng mắc và chưa có hướng tháo gỡ đối với xe CKD.

Liên quan đến thủ tục để cấp phép giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, theo VAMA, nhiều doanh nghiệp chưa thể bắt đầu xây dựng đường thử mới, nên còn không biết có được tiến hành thủ tục đánh giá và xin phép đồng thời hay không?

Do vậy, VAMA kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn chi tiết nhằm: 1, đảm bảo tiến độ xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp cho các doanh nghiệp trước ngày 17/4/2019, tránh tình trạng bị gián đoạn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. 2, nhằm hướng dẫn thực hiện việc nâng cấp, xây mới hay được giãn tiến độ thực hiện việc xây dựng đường thử theo Nghị định 116.

Về quy định đường thử xe CKD (đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800 mm trước ngày 17/4/2019), VAMA cho rằng: Hiện có nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu này do không có đủ đất cho việc xây dựng mới hoặc mở rộng đường thử. Ngoài ra, việc thuê đường cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí rất lớn cho việc thuê đường thử và chi phí vận chuyển xe từ nhà máy sang khu vực đường thử và ngược lại.

Theo đó, VAMA đề xuất Chính phủ và Bộ Công Thương không áp dụng hồi tố yêu cầu này đối với các nhà sản xuất đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay.

Còn liên quan quy định phụ tùng và linh kiện lắp ráp phải được kiểm tra tại Việt Nam, VAMA cho rằng nếu đạt tiêu chuẩn ECE thì không cần thiết phải thực hiện thử nghiệm lại ở Việt Nam để tránh việc gây lãng phí và cắt giảm các thủ tục không cần thiết ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

VAMA đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan sửa đổi quy định này theo hướng chấp nhận báo cáo kiểm tra của nước ngoài, chứng nhận kiểu loại cho linh kiện, cụm linh kiện và chứng chỉ COP đã được áp dụng theo các quy định tại Thông tư 30 và Thông tư 54 ban hành bởi Bộ GTVT.

VAMA cũng đề xuất Bộ GTVT khi xây dựng Thông tư hướng dẫn NĐ 116 về điều kiện sản xuất lắp ráp ô tô chấp thuận 1 trong 2 loại chứng chỉ đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của nhà sản xuất (đánh giá COP) hoặc chứng chỉ ECECOP do cơ quan tổ chức nước ngoài có thẩm quyền cấp hoặc chứng chỉ COP do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.


Có doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhà máy sản xuất ô tô hiện đại nhất trong khu vực

Có doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhà máy sản xuất ô tô hiện đại nhất trong khu vực

Không hoàn toàn “bó tay”

Trước đó, VAMA cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị liên quan đến nội dung này. Tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai thực hiện; địa phương cũng như Chính phủ cũng đã đang “xúm tay” vào để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đơn cử như như đối với Toyota Việt Nam (TMV), liên doanh này đã quyết định xin mở rộng thêm diện tích đất để đáp ứng yêu cầu về đường thử theo NĐ 116, đồng thời nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất để tăng công suất nhà máy lên 90.000 xe/năm (dự kiến năm 2023). TMV xin được thuê đất để mở rộng dự án với diện tích khoảng 9,1 héc ta (Phúc Thắng và Hùng Vương TP. Phúc Yên -Vĩnh Phúc.

Ngày 12/6 tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra cuộc họp bàn về việc mở rộng Nhà máy Toyota ở Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Trước đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc giải quyết vướng mắc trong việc thuê đất mở rộng dự án của TMV.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện tỉnh này đang gặp khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai đối với diện tích xin mở rộng nhà máy theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo và xin ý kiến của Thủ tướng cho phép địa phương tổ chức thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt để phát triển công nghiệp và giao đất cho nhà đầu tư thuê đất mở rộng dự án không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Trao đổi với Phóng viên Báo Hải quan, đại diện Mercedes- Benz Việt Nam (MBV) cho biết: liên doanh này cũng gặp khó trong việc đáp ứng quy định về đường thử bởi nhà máy hiện tại của MBV nằm ở thành phố (Gò Vấp-TP.HCM), diện tích đất mở rộng khó. Tuy nhiên, liên doanh này cũng đã tìm được phương án giải quyết khó khăn, để đáp ứng được yêu cầu về đường thử tại NĐ 116.

Hay như trường hợp đối với Công ty TNHH Ô tô Isuzu Việt Nam. Trong văn bản mới đây gửi Bộ Công Thương, doanh nghiệp cho biết, với diện tích nhà máy hiện nay doanh nghiệp này không thể đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, Isuzu Việt Nam phải tiến hành khảo sát, tìm kiếm để thuê đất tại khu công nghiệp Tân Phú Trung.

Do cấu trúc địa tầng đất khu vực này là đất ruộng, cần phải cải tạo lại chất lượng lô đất và thời gian dự kiến kéo dài chừng 6 tháng. Cùng với các thủ tục phê duyệt thiết kế, xin giấy phép xây dựng, lắp đặt thiết bị, hoàn công… nên thời gian hoàn thành công trình được Isuzu dự kiến mất khoảng một năm.

Như vậy có thể thấy các doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của các địa phương đang triển khai mở rộng nhà máy để đáp ứng quy định. Tuy nhiên, do thủ tục phức tạp nên nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ không đáp ứng kịp tiến độ đã quy định (hoàn thành trước ngày 17/4/2019).


Hoạt động nhập khẩu ô tô của nhiều doanh nghiệp cũng đã được thông suốt

Hoạt động nhập khẩu ô tô của nhiều doanh nghiệp cũng đã được thông suốt

Nhập khẩu không còn khó

Một quy định nữa cũng được các DN cho rằng khó, đó là Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô cấp cho xe nhập khẩu (VTA).

Tuy nhiên, trong một văn bản gửi Chính phủ vào tháng 6, Bộ GTVT khẳng định hiện nay những hãng xe lớn như Honda, General Motor, Toyota, Mitsubishi, BMW, Mercedes… đã đáp ứng đầy đủ các quy định về Giấy VTA, phù hợp với quy định hiện hành và đã nhập khẩu xe về thị trường Việt Nam.

Tính đến trung tuần tháng 5, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 120 bộ hồ sơ đăng ký nhập khẩu xe từ các doanh nghiệp với số lượng gần 60 kiểu loại ô tô khác nhau và đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Đã có gần 4.400 xe được cấp giấy chứng nhận để các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đưa xe về thị trường.

Theo Bộ GTVT, các số liệu kể trên cho thấy, xe nhập khẩu về Việt Nam không gặp phải rào cản, khó khăn vướng mắc liên quan đến giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô VTA như một số doanh nghiệp, tổ chức kiến nghị.

Tại một cuộc họp mới đây của Chính phủ với các bộ ngành bàn về vấn đề này, Chính phủ đã thống nhất: Trong tháng 10 phải ban hành thông tư hướng dẫn quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp theo hướng phù hợp với thực tiễn… Các bộ Tài chính, Công thương, GTVT có trách nhiệm giải thích hướng dẫn cụ thể hóa các nội dung của NĐ 116; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hiểu và thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Đáng chú ý là Bộ GTVT cần phải tiếp tục duy trì đoàn công tác liên ngành đến làm việc với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để nắm bắt, hướng dẫn doanh nghiệp xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền; Đồng thời khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 của NĐ 116 quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ô tô theo quy định mới.

Có thể nói hơn 10 tháng qua, NĐ11 6 luôn nóng với những tranh cãi, phàn nàn của các nhà nhập khẩu, liên doanh, nhà sản xuất xe về những điều kiện quy định được cho là quá khắt khe và không sát với thực tiễn. Những khó khăn trong quá trình thực hiện NĐ này đang gây những biến động không nhỏ trên thị trường ô tô.

Thực tế này cho thấy rất cần sớm có một thông tư hướng dẫn quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp. Đồng thời các bộ, ngành chức năng cần phải nhanh chóng hướng dẫn, giải quyết những khó khăn cụ thể của từng doanh nghiệp.

Mặt khác các doanh nghiệp cũng cần phải xác định việc thực hiện các quy định là cần thiết để tích cực, nhanh chóng triển khai thực hiện thay vì cứ kêu ca, phàn nàn, kiến nghị thay đổi hoặc chưa thực hiện.

Theo Nguyễn Hà
Hải quan Online