Ssangyong lại đối mặt với nguy cơ phá sản

(Dân trí) - Hiện nhà máy của Ssangyong ở Pyongtaek, Hàn Quốc, đang trong tình trạng đình trệ sản xuất do công nhân biểu tình. Nếu sự việc không được giải quyết, nhà sản xuất ô tô nhỏ nhất Hàn Quốc này có nguy cơ phá sản.


Ssangyong lại đối mặt với nguy cơ phá sản - 1
Công nhân thuộc công đoàn tổ chức biểu tình tại nhà máy của Ssangyong ở Pyongtaek hôm 31/5 (Ảnh: Reuters)
 

Sáng 23/6, có 2.000 cán bộ quản lý và nhân viên không tham gia công đoàn tập trung ở một công viên, trên các bãi cỏ và lối vào quanh nhà máy của Ssangyong ở Pyongtaek, Hàn Quốc.

Trong khi đó, khoảng 900 lao động là thành viên công đoàn tập trung bên trong nhà máy, ngăn không cho ai vào.

 

Một người phát ngôn của Ssangyong cho biết các cán bộ ở bên ngoài sẽ không cố tìm cách vào nhà máy vì bị các công nhân biểu tình bên trong đe dọa. Họ đã lập thành các đội và một số vẫn tiếp tục triển khai các công việc không cần làm trong nhà máy. Một số thực hiện các khóa đào tạo, trong khi số khác bàn chiến lược duy trì hoạt động cho nhà máy.

 

Nhóm công nhân biểu tình ở bên trong nhà máy từ chối nói chuyện với ban lãnh đạo và đòi thương lượng trực tiếp với chính phủ Hàn Quốc.

 

Ssangyong cho biết 2.000 cán bộ công nhân viên bị ngăn cản vào nhà máy làm việc sẽ vẫn được nhận lương như bình thường.

 

Hôm qua, 29/6, đã là ngày thứ 40 công nhân biểu tình chiếm giữ không cho nhà máy hoạt động. Ban lãnh đạo Ssangyong muốn cắt giảm 36% nhân công hồi tháng 4 để duy trì sự tồn tại, nhưng vấp phải sự phản đối của người lao động. Tháng 2, Ssangyong đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản và phải nộp bản kế hoạch tái cơ cấu vào giữa tháng 7 tới để tòa án và các cổ đông xem xét.

 

Tòa án sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc cứu hay để Ssangyong phá sản vào ngày 15/9 tới, sau một cuộc họp cổ đông. Tuy nhiên, sự sống còn của công ty cũng sẽ không được đảm bảo nếu tình hình căng thẳng như hiện nay vẫn tiếp diễn.

 

Ban lãnh đạo Ssangyong đã đưa ra đề xuất cuối cùng vào ngày 26/6, tạo việc làm cho 320 trong số 976 người lẽ ra sẽ bị sa thải, bằng cách điều động họ sang làm tại các chi nhánh hoặc bán hàng. Ssangyong cũng cho biết sẽ giới thiệu việc làm mới cho 450 người ở các công ty đối tác. Tuy nhiên, công đoàn đã phản đối bản kế hoạch này.
 
Khoảng 3.000 cán bộ công nhân viên đã cố phá rào vào nhà máy để khôi phục hoạt động sản xuất hôm 26/6, dẫn đến một vụ va chạm có đổ máu kéo dài 32 giờ. Cuối cùng, đến đêm 27/6, họ đã phải rút lui. Giới quan sát cho rằng nếu công đoàn không sớm chấm dứt biểu tình bạo lực, Ssangyong khó có khả năng tồn tại.
 
Ssangyong có công suất lắp ráp 200.000 xe/năm và sử dụng 7.100 lao động. Trong 9 tháng đầu năm 2008, công ty thông báo lỗ ròng 98,1 tỷ won, tương đương 74,1 triệu USD, do ảnh hưởng của việc thị trường giảm nhu cầu đối với dòng xe SUV, trong khi đây là sản phẩm và nguồn lợi nhuận chính của Ssangyong. Ngoài SUV, Ssangyong còn sản xuất dòng sedan hạng sang hiệu Chairman. Hồi tháng 12/2008, Ssangyong từng phải nợ lương nhân viên do hết tiền mặt, đồng thời cầu cứu sự trợ giúp tài chính của SAIC và Ngân hàng phát triển Hàn Quốc.
 
Nhà sản xuất ô tô nhỏ nhất Hàn Quốc này hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) và Ngân hàng phát triển Hàn Quốc. SAIC bắt đầu nắm quyền kiểm soát Ssangyong từ năm 2004, và hiện sở hữu 51,33% cổ phần. Trong khi đó, Ngân hàng phát triển Hàn Quốc là chủ nợ lớn nhất của nhà sản xuất ô tô này.

 

Nhật Minh

Theo Chosun, Ward’s Auto