Rolls-Royce Phantom và gốc sấu già

Hà Nội chẳng có ô liu, nhưng vững bền cội rễ thì đã có sấu già. Còn Rolls-Royce Phantom thì hình như, vừa khiến phố sấu xao động đấy...

Trộm nghe một vị giáo sư khả kính nói, hội nhập thì đừng sợ đánh mất bản sắc dân tộc, bởi muôn đời ta vẫn là ta. Nếu có lo, chỉ là lo đuổi kịp, lo sánh vai với nhân loại. Bởi thế, chợt cảm thấy nhẹ lòng hơn khi băn khoăn về những điều còn - mất của Hà Nội 1.000 năm văn hiến...
 
Buổi chiều ngày đầu tiên của năm mới 2010, cả Hà Nội xôn xao vì một đám cưới toàn siêu xe. Rolls-Royce Phantom Drophead Coupe trắng toát, Ferrari F430, Aston Martin DB9 Volante và một loạt Bentley Continental... Giá trị của những chiếc xe khiến người Hà Nội ngỡ ngàng. Người khó tính thì khẽ cau mày bởi sự khoe mẽ một cách quá đáng của giới nhà giàu, khác hẳn với sự kín đáo của người Hà Nội xưa. Người khoáng đạt thì trầm trồ, thán phục và thừa nhận cái sự nghèo của mình.

 

Hóa ra, dân mình giàu thật! Thế mà người ta bảo, vẫn đang thời khủng hoảng kinh tế...

 

Hình như, cách nghĩ của người Hà Nội ngày nay đã khác, khác rất nhiều so với thời bao cấp - có thịt gà mà ăn nhưng cũng chỉ dấm dúi, cắt bằng kéo, chứ nào dám tay dao tay thớt mà băm chặt. Chắc chắn không phải do sự ý nhị vốn có, mà hẳn vì cái thời ấy, giàu có có khi cũng bị coi là có tội. Còn bây giờ, chả ai mua xe hàng tỷ bạc rồi lại đắp chiếu để trong nhà, thèm thì mở ra xem. Phải ngạo nghễ bát phố, phải khoe khoang xóm giềng. Tôi giàu đấy, thấy chưa?

 

Chỉ có điều, ngay cả ông Thomas Friedman (tác giả của “Thế giới phẳng” và “Chiếc xe Lexus và cây ô liu”) chắc cũng chẳng ngờ rằng, cái tên Lexus mà một thời ông và cả thế giới coi là biểu tượng của sự xa hoa và hoàn mỹ, thì nay ở Hà Nội, nó lại chỉ được gắn với một vụ án tình đình đám. Còn so với Rolls-Royce ư? Chẳng là gì cả, cho dù chiếc siêu Lexus LFA vừa được giới thiệu, tại Anh có giá tới gần nửa triệu USD.

 

Đấy là giọng điệu của một cậu trai trẻ, thậm chí còn chưa bao giờ có ước mơ sở hữu một chiếc xe 4 bánh. Phải Rolls-Royce Phantom mới là sành, là sang. Người Hà Nội lạ chưa?

 

Rolls-Royce Phantom và gốc sấu già - 1
Hà Nội chẳng có ô liu, nhưng vững bền cội rễ thì đã có sấu già 
 

Lại vẫn chuyện ô tô. VAMA công bố, năm 2009, gần 120.000 chiếc xe được bán ra. Cộng với khoảng 80.000 chiếc xe nhập khẩu. Vậy là thêm gần 200.000 chiếc xe ô tô được “tống” ra đường chỉ trong vòng một năm, mà chắc chắn phần lớn tập trung ở các thành phố lớn. Cứ đà này, chỉ 2-3 năm nữa, sẽ lại một cuộc “đổi ngôi” ngoạn mục, xe máy được thay bằng ô tô. Đến cả giới công chức ăn lương nhà nước giờ cũng nắc nỏm, cố dành dụm vài năm kiếm xế hộp đi cho đỡ nhọc.

 

Chỉ nghĩ thế thôi đã phát hoảng. Vì lo tắc đường. Phố xá thì mãi chật chội. Ngã tư, ngã năm tất thảy đã bị bít cả rồi. Vậy mà, đường càng ngày càng tắc. Càng gần Tết càng hay tắc. Xe máy, ô tô, xe đạp... cứ nghìn nghịt ngoài đường. Thành thử, VOV giao thông không khéo phải được bình chọn là chương trình được nhiều người Hà Nội nghe nhất. Giờ này, bất kể ngồi trên taxi hay xe riêng, xe hạng sang hay hạng xoàng, lúc nào cũng thấy thánh thót giọng đọc của cô phát thanh viên. Toàn là chỗ này tắc, chỗ kia ứ, nếu có lưu thông được thì cũng chỉ với tốc độ chậm...

 

Lạ thế. Ngày Hà Nội mới đổi mới, chỉ nhà nghèo mới phải nghe đài. Cái đài bé xíu, lúc nào cũng khọt khẹt, khọt khẹt. Giờ thì ngược lại, nhà giàu chịu khó nghe đài nhất thiên hạ. Thế mới thấy buồn cười bởi cái chuỗi liên kết giàu có - xe hơi - tắc đường - nghe đài. À không, còn phải kể tới hội nhập - nút kết nối đầu tiên, quan trọng nhất. Không hội nhập, người Hà Nội đâu thể giàu đến thế!

 

Lâu lắm mới có một buổi chiều thảnh thơi, phóng xe sang Bát Tràng mua lặt vặt vài thứ. Hành động lãng mạn cuối cùng trong năm cũ. Mọi người đùa thế, vì thời buổi này, hàng hóa ê hề, mua đâu mà chả được. Cứ gì phải nhong nhong sang tận cái làng gốm cũ rích?

 

Đấy là mọi người chẳng biết, Bát Tràng nay đã khác xa mươi, mười năm về trước. Khi đó, chả mấy lò gốm còn đỏ lửa. Mà chẳng riêng Bát Tràng gặp khó, cơn lốc thời mở cửa khiến hàng loạt làng nghề điêu đứng. Nhưng lạ thế, cũng lại nhờ rộng cửa, nhờ hội nhập và toàn cầu hóa mà Bát Tràng xưa khá lên. Gốm Bát Tràng đi Tây, đi Tàu, khắp trong Nam, ngoài Bắc. Người Bát Tràng thu tiền đô, tiền tỷ. Lò gốm lại đỏ lửa. Bát Tràng lại sáng đèn.

 

Chỉ khác là, lò gốm nay to hơn, rộng hơn, hiện đại hơn. Người Bát Tràng cũng chẳng bán buôn kiểu thúng, mẹt, rong ruổi các phiên chợ quê như trước, có cửa hàng, cửa hiệu to đoành đoành. Card-visit vung vít. Sản phẩm phong phú hơn. Nào chén bát, lọ hoa. Nào lộc bình, chuông gió... Người Bát Tràng không chỉ bán cái mình có, mà là làm cái người ta cần. Tư duy đã vượt ra hẳn lũy tre làng. Vì thế mà giàu lên trông thấy.

 

Chỉ là, ít nhiều chất truyền thống mai một. Tiếc vì giữa bạt ngàn gốm Bát Tràng, vẫn đây đó có bát, có thìa nhập khẩu. Hàng Trung Quốc, Hàn Quốc và gì gì đó nữa. Đó tất nhiên là vì người đi chợ. Mộc mạc, đơn sơ như Bát Tràng, hay bóng bẩy, điệu đà như hàng nhập? Bạn cần gì, Bát Tràng có thứ ấy.

 

Đổi mới đấy, và như thế, liệu có phải là xấu? Người hoài cổ đương nhiên sẽ thở dài. Người thực dụng thì nhún vai, hề gì chứ, hội nhập mà!

 

Hà Nội có một con đường rất lạ. Quá nửa con phố dài chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ có hàng quán. Nó dường như nằm ngoài thứ văn hóa... mặt đường của đất kinh kỳ. Và rất quan trọng, ít khi có chuyện tắc đường. Giả sử nếu có nghẽn, cũng chẳng thấy ai xịu mặt, hay cau có, bởi màu xanh cây lá dường như cũng khiến lòng người thêm dịu. Ấy là phố Phan Đình Phùng. Phố sấu. Suốt con phố dài, chỉ có duy nhất loại cây ấy.

 

Không rực rỡ sắc màu như lộc vừng, chẳng nức tiếng thơm hương như hoa sữa, sấu mộc mạc và bình dị, từ cây, lá đến hoa, quả, giống cái tên chẳng hề đẹp của nó. Nhưng trong máu người Hà Nội có vị sấu chua. Nhà văn Băng Sơn nói thế. Chẳng vậy mà cứ đến mùa sấu, dân Hà thành mua túi to, túi nhỏ, cạo vỏ thật sạch, cho tủ lạnh để có sấu ăn dần cả năm. Nếu có vì sinh kế mà xa xứ, thì sẽ nắc nỏm suốt: “Hà Nội mùa này sấu chín chưa em?”.

 

Cây sấu cũng rất lạ. Lớp lá cũ còn chưa trút hết, thì mầm non đã kịp nhú. Cứ như thể, nhựa sống luôn căng tràn. Và dẫu có bão gió, mưa giông, gốc sấu già vẫn bám sâu vào lòng đất, vững vàng và lặng lẽ vươn lên...

 

Người Hà Nội càng lạ hơn. Vì dù khắp đất Bắc nơi nào cũng có sấu, nhưng lại cứ vơ vít nhận rằng, sấu là loại cây rất riêng của đất kinh kỳ. Sấu Hà Nội vững bền như cội rễ.

 

Hỏi vì sao đang nói chuyện Rolls-Royce Phantom lại quay qua chuyện cây lá. Lẩn thẩn chăng? Khẽ à một tiếng, rồi thưa rằng, tại “bác” Thomas Friedman nói đến Lexus và cây ô liu. Bác ấy bảo, sự sống còn của toàn cầu hóa phụ thuộc một phần vào nỗ lực xây dựng sự cân bằng giữa phát triển và cội nguồn. Không có những rặng ô liu khỏe khoắn, người ta chả bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì hay an tâm để có thể đón nhận và hội nhập với thế giới. Nhưng chỉ  rặng ô liu không thôi, thì chưa đủ. Nếu chỉ lo giữ cội rễ, mà không có xe Lexus, sẽ không bao giờ tiến xa được. Cuộc vật lộn Lexus và ô liu vì thế vẫn đang diễn triền miên...

 

Hà Nội chẳng có ô liu, nhưng vững bền cội rễ thì đã có sấu già. Còn Rolls-Royce Phantom thì hình như, vừa khiến phố sấu xao động đấy. Có một cô gái trẻ, bước xuống từ chiếc ô tô sang trọng, ghé góc phố Hà Nội mua vội vài cân sấu. Nhấm thử quả sấu non, nhăn mặt vì vị chua nơi đầu lưỡi, nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi...

 

Hà Nội nghìn tuổi, người ta càng lo mất “mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Sợ mai một chút bản sắc. Sợ truyền thống chẳng còn. Luồng gió hội nhập vẫn đang sầm sập tới. Chỉ hé cửa, hay mở toang?

 

Trộm nghe một vị giáo sư khả kính nói, hội nhập thì đừng sợ đánh mất bản sắc dân tộc, bởi muôn đời ta vẫn là ta. Nếu có lo, chỉ là lo đuổi kịp, lo sánh vai với nhân loại. Bởi thế, chợt cảm thấy nhẹ lòng hơn khi âu lo về những điều còn - mất của Hà Nosäi nghìn năm văn hiến... Và chẳng chút băn khoăn, sẽ sàng rộng cửa đón xuân về. Đón Hà Nội nghìn năm tuổi. Đón đất nước bước sang thập kỷ Đổi mới thứ ba...

 

Theo Tố Vương

Báo Đầu tư