“Phù thủy” Vespa cổ trên đất Cố đô
(Dân trí) - Với bàn tay khéo léo cùng sự bền bỉ, trong gần 40 năm qua, ông “Quang Vespa” tại cố đô Huế đã "biến" không biết bao nhiêu chiếc Vespa cũ nát trở về nguyên vẹn và thậm chí là tươi mới hơn.
Những ai đam mê xe Vespa cổ ở Huế đều biết đến cái tên Trần Hoàng Quang, hay còn được goi là “Quang Vespa’’ - một thợ sửa xe có tiếng ở đất Cố đô. Tiệm nhỏ của ông ở đoạn giao nhau ở đường Đoàn Thị Điểm - Mai Thúc Loan trong Thành nội Huế.
Cơ duyên
Tiệm chỉ rộng hơn 10m2, nên phụ tùng và xác những chiếc Vespa cổ đang sửa dang dở choán hết cả tiệm. Năm nay đã 57 tuổi, dù mái tóc đã chấm bạc, khuôn mặt khắc khổ, chai sạm, cơ thể ốm yếu nhiều nhưng ông vẫn cố gắng làm việc không ngừng nghỉ với kinh nghiệm và niềm đam mê của mình.
Cái nghề đến với ông Quang hết sức tình cờ, và ông xem đó là một cơ duyên. Nhâm nhi tách trà nóng, ông kể: “Lúc 18 tuổi, tôi dự tính theo học nghề sửa chữa xe máy từ một người chú ruột của mình với mong muốn mở một tiệm sửa xe bình thường. Thời đó, tôi được làm quen với rất nhiều loại xe máy, trong đó có những chiếc vespa cổ.
Từ những lần tiếp xúc, tận tay sửa chữa dòng xe đặc biệt này, tôi thấy mình có niềm đam mê chưa từng có với nó. Và tôi đã quyết định chọn một lối đi riêng, đó là chuyên học về cách sửa chữa và phục hồi dòng xe vespa . Từ năm 1986, tôi thuê mặt bằng và mở tiệm sửa dòng xe này trên đất Huế cho đến hôm nay”.
Để sữa chữa dòng xe vespa cổ, trước hết phải có phụ tùng thay thế. Đối với ông, đó là điều không hề dễ. Phụ tùng ông thường phải đặt trong thành phố Hồ Chí Minh - có khi vài tuần hay vài tháng mới nhận được hàng. Thậm chí, có những dòng xe “độc” ông phải vào tận nơi mới mua được.
Giá của một chiếc Vespa cổ đã qua sữa chữa phục hồi khoảng từ 7-8 triệu đồng. Thời gian để ông “đại tu” một chiếc xe mất từ 1-2 tháng, có khi lâu hơn. Khách hàng tìm đến ông phần lớn là phái nam, đặc biệt là những người đam mê dòng xe vespa cổ.
Yêu nghề
Thông thường, mỗi chiếc xe khi được đưa đến tiệm đều được ông Quang thực hiện tuần tự theo các bước: tháo tung, gò, đánh sạch, "vá", mài bóng, sơn, sửa chữa những chi tiết hỏng, lắp ráp và tân trang.
Đối với ông, công đoạn sơn xe là tốn thời gian nhất. Bởi trước khi sơn phải làm thế nào để thay lớp sơn cũ đi hết. Rồi khi phun sơn phải phun đi phun lại nhiều lần để bề mặt xe được đều màu. Cũng theo ông, do sơn độc hại và ông tiếp xúc thường xuyên nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Mỗi chiếc xe như vậy, khi tân trang xong đều được ông kiểm tra kỹ lưỡng, chạy thử mới giao trả cho khách. Ông cũng thường xuyên hỏi thăm tình hình chiếc xe sau khi sửa, bởi theo ông, nghề nào cũng vậy, việc giữ uy tín với khách hàng là điều quan trọng nhất, có như vậy thì khách mới tin tưởng và tự tìm đến mình.
Tiệm sửa xe rộng chỉ 10 mét vuông của ông "Quang Vespa"
Nhìn đôi mắt theo dõi các chi tiết chiếc Vespa cổ một cách chăm chú, đôi bàn tay cẩn thận, tỉ mỉ lắp đặt các chi tiết máy, làm thử rồi kiểm tra lại, cứ như thế phải thực hiện nhiều lần, chúng tôi thấy khâm phục tài năng của ông. Chỉ cần nghe tiếng máy nổ là ông có thể biết xe bị hư gì và đưa ra hướng khắc phục rất nhanh, nhờ đó khách hàng không phải chờ lâu.
Anh Nguyễn Văn Phúc (50 tuổi) - một khách hàng thân thuộc thường đến sửa xe ở tiệm ông Quang chia sẻ: “Khi xe tôi có gì trục trặc, tôi luôn tìm đến chú Quang đầu tiên, bởi chú là một thợ sửa Vespa cổ giỏi. Không những vậy, chú còn rất thân thiện và nhiệt tình với mọi người”.
Cho đến nay, đã gần tròn 40 năm theo nghề, đối với ông Quang đó là một chặng đường dài. Ông cũng không nhớ rõ bao nhiêu chiếc Vespa cổ đã qua bàn tay của ông, chỉ biết rằng: “Khách hàng cũng như tôi đều có chung một niềm đam mê với dòng xe đặc biệt này và mọi người đã trở thành những người bạn thân thiết với nhau”.
Nhiều đồ phụ tùng treo dày khắp tiệm nhỏ của ông Quang
Có một lần, ông “bắt bệnh” cho một chiếc Vespa đã hư hỏng nặng từ những thập niên 60, 70. Phụ tùng thiếu thốn để thay thế, không chỉ gửi hàng từ xa, ông còn lang thang khắp thành phố Huế để tìm kiếm thông qua các mối quan hệ. Sau hơn 3 tháng, ông đã “độ” chiếc xe xong và y như mới. Không chỉ khách hàng mà chính ông khi xem lại chiếc Vespa cổ hoàn chỉnh đã không khỏ bất ngờ và sung sướng với thành quả của mình. Đó là kỉ niệm đáng nhớ và đáng quý nhất của ông.
Niềm hạnh phúc nhất của ông cũng giống như khách hàng, đó chính là khi một chiếc Vespa được tân trang xong, nhiều người lầm tưởng đó là xe mới. Rất nhiều người ghé vào quán ông để xin được chụp ảnh, đơn giản vì những chiếc xe được làm lại rất công phu và “rực rỡ”.
Vừa lắp ráp mang xe 1 chiếc vespa cổ, ông vừa tâm sự: “Đam mê lắm tôi mới theo cái nghề này. So với nhiều nơi, thú chơi Vespa cổ ở Huế còn ít. Tôi phải kết hợp làm thêm nhiều việc khác nữa để kiếm thêm thu nhập hằng ngày”.
Cả ngày bên những chiếc xe vespa cổ - đối với ông Quang là một thú vui
Ông Quang cho biết thêm, ở Huế hiện nay có từ 2 đến 3 tiệm sửa xe Vespa cổ và cả Huế có khoảng gần 50 chiếc Vespa cổ đang được những người đam mê sở hữu. Góc quán nhỏ của ông cũng là nơi mọi người gặp nhau để cùng bàn luận về thú chơi yêu thích này.
Thời gian này tại cố đô có “Nhóm những người yêu và đam mê Vespa cổ ở Huế” là nơi ông và các anh em đam mê, thích thú dòng xe cổ tham gia tích cực. Thành viên không chỉ ở trong Huế mà còn có ngoại tỉnh. Ông Quang cũng nhiều lần được mời đi tham dự các sự kiện triển lãm về những dòng xe cổ trên cả nước.
Anh Võ Đại Hoài Thanh, một người chơi Vespa cổ lâu năm ở Huế và cũng tham gia nhóm cùng ông Quang tâm sự: “Anh Quang là thợ sửa xe vespa có tiếng nhất ở đất cố đô. Anh là người nhiệt tình, luôn tận tình chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về dòng xe này, cũng như luôn có mặt cùng mọi người trong các buổi sinh hoạt để góp vui”.
Thời gian có thể làm phai đi tất cả, nhưng có một điều, không thể làm phai mờ đi niềm đam mê nghề sửa vespa cổ ở người thợ mang tên “Quang Vespa” tại đất Huế. Chia tay ông Quang, chúng tôi thầm chúc ông có thêm nhiều sức khỏe và lòng tâm huyết với nghề, gặp được nhiều niềm vui, điều may mắn trong cuộc sống.
Nụ cười đôn hậu của người thợ đã gắn bó gần 40 năm với nghề sửa Vespa cổ tại Huế
Văn Dinh- Đ.Dương