Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:

Ô tô leo dải phân cách, chạy theo hình tròn, nghi tài xế nhầm chân ga

Nhật Minh

(Dân trí) - Sự việc xảy ra hôm 16/10 trên Quốc lộ 1A, đoạn qua khu vực khối 2, thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Ô tô leo dải phân cách, cua hình vòng tròn trên phố, nghi do tài xế nhầm chân ga (Video: OFFB-Sub).

May mắn là dù chạy mất kiểm soát, mất phương hướng ở tốc độ cao, nhưng chiếc ô tô con đã không đâm vào ai, nên không để lại hậu quả đáng tiếc nào về người. Tuy nhiên, thiệt hại vật chất có lẽ không nhỏ.

Với tiếng rú của động cơ, sự việc được cho là do tài xế đạp nhầm chân ga, thay vì chân phanh, khi nhìn thấy người đi xe máy sang đường mà có lẽ lúc trước bị khuất cột A, khi tài xế mải quan sát luồng giao thông bên phải.

Nhầm chân ga - chân phanh là tình huống có thể xảy ra ngay cả với những người cầm lái lâu năm. Có hai điểm mấu chốt cần chú ý để hạn chế tình trạng này.

Một là tài xế cần ngồi đúng tư thế, không để chân bị với, và giữ gót chân chạm sàn. Với xe số tự động, chỉ lái xe bằng một chân; tuyệt đối không dùng cả hai chân (một đạp ga và một đạp phanh).

Chân phải sẽ đảm nhiệm đạp ga hoặc phanh, theo quy tắc "rời chân ga, rà chân phanh". Như vậy có nghĩa là tại một thời điểm, chân phải cần đặt lên bàn đạp ga hoặc bàn đạp phanh, không rời chân khỏi cả hai vị trí cùng lúc.

Cụ thể, tài xế cần tì gót chân lên sàn xe làm điểm tựa để xoay mũi chân kiểu như chữ V giữa bàn đạp ga và phanh. Mỗi khi không ga thì lập tức mũi chân phải chuyển sang bàn đạp phanh và luôn sẵn sàng ở vị trí đó để đạp phanh khi cần thiết.

Ô tô leo dải phân cách, chạy theo hình tròn, nghi tài xế nhầm chân ga - 1

Cách di chuyển chân phải giữa bàn đạp ga và bàn đạp phanh để tránh hiện tượng nhầm chân ga - chân phanh (Video: VH).

Điểm lưu ý thứ hai là khi lái xe, với cả đàn ông và phụ nữ, nên đi giày đế mỏng và ôm vừa khít chân. Đi dép lê điều khiển chân ga, chân phanh có thể xảy ra tình huống chân bị trượt ra khỏi dép, trượt khỏi bàn đạp.

Trong khi đó, phụ nữ đi giày cao gót lái xe có thể gặp tình huống gót giày mắc vào thảm sàn hoặc khiến cho việc điều khiển chân ga/chân phanh gượng gạo, đạp trượt.

Dùng chân trần để điều khiển ga và phanh cũng rất nguy hiểm, dễ dẫn đến trường hợp trơn trượt, đau chân, hoặc tê chân, ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát xe.

Và trên hết, người cầm lái cần luôn giữ sự tập trung, tránh phân tâm, xao nhãng, dễ dẫn tới tình trạng giật mình, luống cuống xử lý chân phanh - chân ga, dễ dẫn tới tai nạn.