Nồng độ cồn trong xăng không được vượt quá 10%

Nồng độ cồn dưới 10% pha trong xăng hoàn toàn có thể sử dụng làm nhiên liệu cho ôtô, xe máy thông thường. Tuy nhiên, cồn có chất lượng không đúng tiêu chuẩn hoặc nồng độ lớn sẽ nhanh chóng làm hỏng các chi tiết cao su, nhựa có trong động cơ đốt trong.

Nếu sử dụng xăng pha cồn cao hơn 10%, động cơ phải thiết kế lại.

 

Nồng độ cồn trong xăng không được vượt quá 10% - 1

Sử dụng xăng pha cồn E85 ở Mỹ-Ảnh: Oakridge

 

Xăng pha cồn là sản phẩm hỗn hợp, pha trộn từ xăng-dầu có nguồn gốc dầu mỏ (hiện đang sử dụng trên thị trường) với cồn (ethanol) có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp như mía đường, ngô, khoai, sắn. Chính vì vậy, nó thường được gọi dưới tên “xăng sinh học”, “dầu sinh học”.

 

Trao đổi với phóng viên, Ông Thái Minh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Tân Thuận Thái, chuyên sản xuất thiết bị và sửa chữa xe máy tại TPHCM cho biết, nếu các xe bị hỏng pôngtu do xăng pha cồn thì các bộ phận nhựa khác của hệ thống bơm xăng, động cơ cũng phải hỏng theo.

 

Nguyên nhân là các chi tiết này làm bằng nhựa chịu dầu (chất vô cực), khi gặp các chất hữu cực sẽ tác dụng và nở ra. Theo ông, rất ít khi pôngtu bị hỏng ngay sau khi mới thay như báo chí đã nêu, ngoại trừ trường hợp xăng có chứa chất hữu cực nào đó.

Cồn là hợp chất hữu cơ như dầu mỏ nên có khả năng cháy nổ tốt. Vì vậy, về nguyên tắc, cồn khan (100% ethanol) hoàn toàn có thể sử dụng làm nhiên liệu cho ôtô, xe máy. Tuy nhiên, do đặc tính hữu cực của cồn nên nó có thể gây ra ăn mòn kim loại, làm hư hại các chi tiết cao su, nhựa có trong động cơ đốt trong. Do vậy, không thể dùng cồn để thay trực tiếp cho xăng dầu.

 

Ở các nước trên thế giới, để sử dụng loại nhiên liệu có hàm lượng cồn cao như nhiên liệu E85 của Mỹ (85% thể tích là cồn) thì động cơ phải được sản xuất riêng như mẫu xe Saab 9-5 hoặc Ford Focus ở châu Âu.

 

Đối với các loại động cơ ôtô, xe máy thông dụng, chỉ được phép sử dụng xăng pha cồn với hàm lượng cồn tối đa là 10% (xăng E10). Xăng E10 hoàn toàn đáp ứng mọi hoạt động bình thường cho ôtô xe máy (không gây ăn mòn hay hỏng hóc cho động cơ hoặc bình chứa nhiên liệu…). Chính vì vậy, ngày nay, nói đến xăng pha cồn là nói đến xăng E10.

 

Tuy nhiên, cồn để pha vào xăng ngày nay phải tuân thủ các tiêu chuẩn đã được chuẩn hóa như ASTM của Mỹ hoặc tiêu chuẩn quốc gia các nước. Về cơ bản, cồn sử dụng để pha vào xăng phải tuân theo các chỉ tiêu cụ thể như nồng độ ethanol (về thể tích) không thấp hơn 92,1%, nồng độ methanol không quá 0,5%, hàm lượng nước tối đa là 1%, nhìn bề ngoài trong và sáng (không có các chất lơ lửng). Những vi phạm những tiêu chuẩn này, nó sẽ gây nên nhiều tác hại cho động cơ.

 

Trên thực tế, nước ta chưa sản xuất được cồn khan trên qui mô công nghiệp và việc áp dụng pha cồn vào xăng cũng mới chỉ dừng ở qui mô phòng thí nghiệm. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng xăng pha cồn như hỗn hợp này rất háo nước, trong khi đó, Việt Nam lại là nước có độ ẩm cao, các bể chứa thường chôn sâu dưới đất nên dễ hấp hơi.

 

Trước đây, một vài kết quả đã đạt được như sử dụng xăng-cồn ở tỷ lệ 50/50 cho ôtô xe máy. Nhưng chắc chắn, nếu chỉ dùng loại nhiên liệu này thì sau 1 đến 2 năm động cơ xe máy sẽ gặp phải nhiều vấn đề rắc rối. Nếu không nói là sẽ bị hư hỏng nặng.

 

Ý tưởng sử dụng cồn để thay thế cho nhiên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ đã có từ khá lâu. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, cồn đã được nghiên cứu để làm nhiên liệu. Tuy nhiên, khi công nghệ hóa dầu ra đời, những sản phẩm có chất lượng cao như xăng, diesel đã nhanh chóng đẩy lùi ý tưởng đó.

 

Phải đến những năm 1970, khi thế giới bắt đầu gặp khủng hoảng dầu mỏ thì ý tưởng dùng cồn và nhiên liệu sinh học mới thực sự khởi động trở lại. Những năm đầu thế kỷ 21, xăng sinh học trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu khi xây dựng chiến lược nghiên cứu về năng lượng của các quốc gia phát triển, điển hình là Mỹ, Tây Âu, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc…Hiện tại, ở Brazil khoảng ba phần tư số xe bắt buộc phải dùng gasohol nếu người sử dụng xe không muốn dùng 100% ethanol..

  

 

 

Theo Thạc sĩ Kiều Đình Kiểm

T.Cty xăng dầu Việt Nam/Vnexpress