Những vấn đề của Toyota
Theo các chuyên gia, kiểm soát chất lượng để tránh bị thu hồi, có chính sách trả lương nhân công hợp lý và xác định lại xu hướng tiêu dùng là những vấn đề mà Toyota phải đối phó trong thời gian tới. Nếu không, rất có thể nhà sản xuất đang ăn nên làm ra này sẽ phải trả giá như General Motors.
Trong nhiều thập kỷ qua, Toyota thiết lập nên một hệ thống quản lý cực kỳ cân bằng và hiệu quả. Nó tạo điều kiện cho nhà sản xuất này cho ra đời những chiếc xe có chất lượng hoàn hảo, giá cả phải chăng và luôn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Khi nhiều hãng xe cố gắng chạy theo thị phần bằng cách tung ra nhiều mẫu mới thì Toyota ung dung hưởng lợi từ những sản phẩm hiện có. Một đặc điểm nổi bật là trong thời gian gần đây, nhà sản xuất này rất dè dặt và cẩn trọng mỗi khi tung ra mẫu xe mới.
Sau nhiều năm cố gắng, năm 2003 Toyota đã vượt qua Ford, giành vị trí số 2 thế giới. Hãng xe Nhật còn được dự báo sẽ chiếm ngôi vị bá chủ thế giới từ tay General Motors trong thời gian tới.
Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng cho Toyota, bởi vươn lên đỉnh cao là một chuyện còn giữ vững vị trí đó lại là chuyện khác. Và không phải Toyota không có những vấn đề cần phải giải quyết.
Không ai nghi ngờ rằng Toyota đang tiến lên. Trong quý 3/2006, nhà sản xuất này có mức lãi kỷ lục 3,6 tỷ USD và dự kiến đến hết năm tài chính 2006 sẽ chạm 13 tỷ USD.
Tuy nhiên, những con số đó không thể hiện được những nguy cơ mà hãng này đang gặp phải. Mặc dù doanh thu tại Bắc Mỹ của Toyota tăng 17,3% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm đi 22,4%, riêng trong quý 3/2006.
Nguyên do chính của tình trạng trên liên quan tới chi phí mà Toyota bỏ ra để xây dựng nhà máy sản xuất xe bán tải mới tại Texas. Khi đưa ra đề án, chi phí được dự kiến vào khoảng 850 triệu USD nhưng tính đến thời điểm này, nó bị đội lên tới 1,3 tỷ USD và Toyota vẫn đang phải chi thêm tiền. Hiện tại, nếu muốn giảm chi phí cho kiểu xây dựng nhà máy mới như thế này, cách tốt nhất là Toyota cải tạo các nhà máy cũ của Subaru hay xây ở Canada.
Một vấn đề khác là Toyota có thể tăng cường nguồn tài nguyên để đảm bảo chất lượng. Nhưng khi sản lượng tăng cao, số xe thu hồi cũng vì thế mà tăng lên và chi phí cho những vụ như vậy không phải là nhỏ. Chỉ cần một lỗi trong dây chuyền sản xuất, hàng trăm nghìn chiếc xe phải sửa chữa. Với khoảng 100 USD/chiếc thì số tiền đã lên tới hàng chục triệu USD. Theo những số liệu thu thập được, riêng lỗi trên chiếc Tundra thế hệ trước đã buộc Toyota phải rút hầu bao 600 triệu USD để khắc phục.
Không chỉ có vậy, Toyota có thể sẽ phải bỏ ra hàng trăm triệu USD khác để giải quyết những vấn đề chất lượng của cả mình và hãng con Lexus với khoảng 3,5 triệu chiếc. Như những nhà phân tích lão luyện ví von "không có gì làm một người khổng lồ gục ngã ngoài chính anh ta", thu hồi xe là một nguy cơ mà Toyota phải cố gắng thoát khỏi nếu không phải rơi vào tình trạng như GM hiện nay.
Ngoài vấn đề chất lượng, Toyota cũng đang lo ngại về xu hướng sụt giảm doanh số của xe Prius. Theo các tính toán, trung bình thời gian có mặt của một chiếc xe ở showroom chỉ tính theo giờ thì với Prius, các đại lý phải chờ 30 ngày mới tống được nó đi.
Mặc dù còn ngắn hơn nhiều so với thời gian 80 ngày của vài mẫu xe"ế" của GM nhưng rõ ràng Prius không còn và chưa phải là lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng, ngay cả khi giá xăng tăng. Rất có thể Toyota đã sai lầm trong chiến lược sản phẩm với Prius.
Trên thực tế, doanh số của Prius chỉ tăng khi giá nhiên liệu tăng và hiện tại lần đầu tiên Toyota phải tung ra những chiêu khuyến mãi để kích thích thị trường.
Tuy nhiên, chuyện một sản phẩm bán chậm không khiến Toyota đau đầu bằng những vấn đề liên quan mối quan hệ với nhân công người Mỹ. Theo Seiicho Sudo, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất và Công nghệ xe hơi Bắc Mỹ, Toyota phải có những biện pháp kiểm soát lương nhân công một cách chặt chẽ nếu không muốn ngập ngụa trong nợ nần như General Motors. Mức lương nhân công ở Mỹ hiện cao hơn 50% so với Pháp và Nhật Bản, thậm chí gấp hơn 6 lần ở nước láng giềng Mexico. Các đề án về bảng lương cho thấy Toyota sẽ phải chi thêm khoảng 900 triệu USD trong 4 năm tới.
Như vậy, dù lợi nhuận có tăng thì chắc chắn nó không thể bằng tốc độ tăng chi phí lương nhân công. Và bên cạnh chuyện kiểm soát chất lượng, đây cũng là "tử huyệt" mà Toyota phải hết sức tránh khi tập luyện ở ngôi vị số một thế giới.
Theo Trọng Nghiệp
VnExpress/ The True About Car