Ngụy trang máy “chống bắn tốc độ”

Thiết bị được cho là có khả năng phát hiện và chặn sóng súng bắn tốc độ của cảnh sát giao thông đang được giới tài xế tìm mua và ngụy trang đủ kiểu để tránh bị phát hiện.

Ngụy trang máy “chống bắn tốc độ”
 

Một nhân viên giới thiệu máy chống súng bắn tốc độ của cảnh sát giao thông tại một cửa hàng trên đường Trần Bình Trọng, phường 3, quận 5, TP.HCM (Ảnh: Quang Định)

 

Hầu hết các thiết bị này đều nhập lậu từ Trung Quốc. Các kiểu của thiết bị chắn sóng súng bắn tốc độ này rất đa dạng, từ kiểu bộ đàm xe taxi, kiểu xe hơi, điện thoại di động đến kiểu kết nối với điện thoại iPhone 4...

 

Chắn sóng tốc độ

 

Đầu tháng 7/2012, chúng tôi theo chiếc xe khách 53S... chạy từ TP.HCM ra Bình Thuận. Đến ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai), tài xế Minh vẫn tiếp tục tăng tốc. Chạy qua cánh rừng cao su, bỗng nhiên một thiết bị nhỏ màu đen bên tay trái của xe nhấp nháy đèn rồi liên tục kêu bíp bíp. Ngay tức tốc tài xế giảm xuống tốc độ 60km/giờ rồi quay qua nói với tài phụ: “Cảnh sát giao thông (CSGT) bắn tốc độ phía trước, giảm trước cho chắc ăn”. Chạy thêm gần 1,5km nữa, đúng như máy báo, phía sau một gốc cây bên tay phải có ba CSGT đang bắn tốc độ. Tài xế Minh chặc lưỡi: “Từ ngày sắm nó đã né được hàng chục lần bị bắn tốc độ”.

 

Ngày 6/7, Minh dẫn đồng nghiệp tên Kiên, một tài xế chạy xe khách TP.HCM - Nam Định, qua Q.5 (TP.HCM) mua thiết bị chống bắn tốc độ. Minh cho biết: “Không chỉ nhận biết được súng bắn tốc độ của CSGT ở cự ly xa mà loại thiết bị này còn có thể làm nhiễu sóng súng bắn tốc độ. Rất nhiều chủ xe khách bỏ ra hàng chục triệu đồng để lắp thiết bị này”.

 

Liên, một tài xế chuyên chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM, cho biết: “Cũng phải lắp thiết bị ở chỗ kín để tránh mắt CSGT. Thường thì sau khi máy báo có súng bắn tốc độ, các tài xế sẽ rút dây ra để tránh bị phát hiện. Sau khi qua trạm rồi mới gắn dây vào lại”.

 

Ông Phương, một đầu nậu chuyên buôn bán loại máy này (trên đường An Dương Vương, Q.5), cho hay: “Có ngày có cả chục tài xế gọi điện hỏi mua thiết bị này. Nhưng CSGT cũng liên tục thay đổi loại máy và tần số bắn tốc độ nên nhiều khi máy hoạt động không hiệu quả”.

 
Loại thiết bị phát hiện súng bắn tốc độ được lắp đặt trên ôtô để đối phó với CSGT (Ảnh: A.Thoa)

Loại thiết bị phát hiện súng bắn tốc độ được lắp đặt trên ôtô để đối phó với CSGT (Ảnh: A.Thoa)

 

Đủ kiểu ngụy trang

 

Chiều 25/7, chúng tôi đến cửa hàng phụ tùng ôtô KT trên đường Trần Bình Trọng (P.3, Q.5). Bà Thảo, người bán hàng ở đây, cho biết: “Cửa hàng đang bán loại máy nhập về từ Mỹ, giá 1 triệu đồng/cái. Loại này bắt sóng rất mạnh, có thể nhận diện từ cự ly 2-3km”. Loại thiết bị này được nhập lậu qua đường hàng không, tuy không bán rầm rộ nhưng phát tán rất nhanh trong giới tài xế.

 

Trên đường An Dương Vương (Q.5), nơi được xem là phố “đồ chơi xe hơi”, cũng xuất hiện rất nhiều mặt hàng “phát hiện sóng súng bắn tốc độ” bày bán công khai với giá 100-300 USD/cái. Ngày 26/7, chúng tôi đến cửa hàng đồ trang trí, phụ tùng xe hơi KD để hỏi mua máy chống súng bắn tốc độ. Ông Khương (quản lý cửa hàng) cho biết: “Loại này nhận sóng rất tốt, muốn bền hơn thì đặt hàng loại 120 USD/cái, năm ngày sau đến lấy”. Thiết bị này chỉ có kích cỡ lớn hơn gói thuốc lá, hình chữ nhật, màu đen, có hai nút bấm dùng cho chế độ “city” và “quiet” kèm với một dây nguồn. Ông Khương giới thiệu: “Khi tài xế cho xe lưu thông vượt quá tốc độ cho phép mà phía trước có CSGT đang bắn tốc độ trong bán kính 1,5km, thiết bị này sẽ báo hiệu bằng tiếng kêu bíp, bíp”.

 

Cách đó không xa, cửa hàng QM cũng bán loại máy được nhập từ Philippines, có giá 2,8 triệu đồng, phát hiện được máy bắn tốc độ trong bán kính 1km. Để chứng minh, ông Minh (quản lý cửa hàng) lôi ra một máy màu đen, nhãn hiệu Whistler Laser Detector lắp vào nguồn điện cho khách thử và giải thích: nếu chạy xe trong thành phố thì chuyển chế độ sang chữ “city”, nếu chạy ngoài xa lộ thì chuyển sang trạng thái “quiet”. Dù CSGT có đứng khuất sau bụi cây hay đứng ngoài đường thì máy này cũng phát hiện được. “Hàng này nhập chính hãng, bảo hành máy ba tháng. Nếu lấy ba cái thì chỉ bớt được 100.000 đồng, chắc giá 2,7 triệu đồng/máy” - ông Minh ra giá.

 

Qua đi thực tế, chúng tôi thấy tại một số cửa hàng còn nhập về nhiều thiết bị hiện đại hơn được kết nối qua điện thoại iPhone để ngụy trang, tránh quan sát của CSGT. Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), loại thiết bị này có giá hơn 5,4 triệu đồng/cái. Và cũng phải đặt trước mới có hàng.

 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phó chủ tịch Hội Ôtô và thiết bị động lực TP.HCM, cho biết thiết bị phát hiện sóng bắn tốc độ hoạt động dựa trên nguyên tắc nhận dạng luồng sóng của súng bắn tốc độ. Loại máy này được sử dụng nhiều ở nước ngoài, gần như bày bán công khai ở Mỹ, Nga... Tài xế sử dụng thiết bị này để đối phó với CSGT bắn tốc độ thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Rất tiếc là chưa thấy quy định chế tài khi sử dụng thiết bị này.

 

“Rất khó phát hiện họ sử dụng vì khi bị kiểm tra, tài xế sẽ nhanh tay tháo dây nguồn ra khỏi ổ cắm và giấu dưới xe. Để giám sát việc lưu thông đúng tốc độ, tôi thấy cần đột xuất kiểm tra nhiều hơn” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng kiến nghị.

 

Luật còn chưa chặt

 

“Các loại thiết bị gây nhiễu máy đo tốc độ phương tiện giao thông là hàng cấm nhập khẩu theo nghị định số 12/2006/NĐ-CP. Hiện nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa quy định chế tài về hành vi này, dẫn đến việc các tài xế và chủ phương tiện sử dụng công khai thiết bị này để đối phó với CSGT. Vì vậy, cần cụ thể hóa việc sử dụng thiết bị này là vi phạm pháp luật”. Đó là ý kiến của luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM).

 

Thượng tá Trần Sơn - phó trưởng phòng hướng dẫn luật và điều tra tai nạn giao thông, Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an - cho biết thiết bị phát hiện máy bắn tốc độ của CSGT đã có từ lâu. Đây không phải là máy chặn sóng của súng bắn tốc độ mà là thiết bị phát hiện sóng của máy đo tốc độ. Theo đó, ở khoảng cách 1-2km hoặc gần hơn, tùy theo loại thiết bị do lái xe sử dụng, các máy này phát hiện có sóng của máy bắn tốc độ sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo bằng chuông cho tài xế biết và giảm tốc độ theo đúng quy định. Theo thượng tá Sơn, việc xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đã được quy định tại nghị định số 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Do đó, lực lượng CSGT khi phát hiện sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật.

 

A.T. - M.Q.

 

Theo Anh Khoa - Lê Khôi

Tuổi trẻ