Ngược dòng thời gian với Mobylette

Giới trẻ Hà Thành đang bị cuốn theo một thú chơi mới: Mobylette cổ. Thay vì chạy theo những chiếc xe máy thời trang, khá nhiều bạn trẻ lại đâm ra mê mẩn chiếc bình bịch gấp mấy lần tuổi mình.

Những người trẻ thích... già

 

Ngược dòng thời gian với Mobylette - 1
Vẻ đẹp phi thời gian của Mobylette

 

Trong dòng người ngược xuôi, giữa những con phố chật chội đủ mọi phương tiện qua lại, chiếc Mobylette nổi danh một thời đến từ nước Pháp với dáng vẻ mềm mại và tiếng máy “bành bạch” là không thể trộn lẫn. Người không biết thì dễ tưởng nhầm chiếc xe máy có bàn đạp kia là một loại... xe đạp điện dù có thể còn băn khoăn: sao xe đạp điện sao lại có bu-gi và nhả khói thế kia nhỉ?

 

Khoảng một năm trở lại đây, khá nhiều bạn trẻ tại Hà Nội bắt đầu có thêm một sở thích mới: xe Mobylette. Đa phần những người chơi Mobylette trước đó đều mê xe cổ, đặc biệt là Vespa. Chưa có một câu lạc bộ “tử tế” như cộng đồng chơi Mobylette trong Sài Gòn, nhưng tại Hà Nội cũng đã xuất hiện những nhóm nhỏ chung đam mê dành cho Mobylette. Hằng, Trung và Được, những bạn trẻ mới ngoài 20 từng mê Vespa như điếu đổ, nay đã trở thành một nhóm bạn thân thiết sau khi bị chinh phục bởi cái dáng vẻ mỹ miều của Mobylette.

 

Ngược dòng thời gian với Mobylette - 2
Chiếc Mobylette chứa nhiều kỷ niệm của Trung

 

Đã thành thông lệ, cứ mỗi chiều Chủ nhật hàng tuần, cả nhóm lại gặp nhau ở vườn hoa gần Nhà hát Lớn để nói chuyện về xe. Sau hàng giờ thao thao bất tuyệt, họ làm một vòng quanh Hồ Gươm trên những chiếc Mobylette xinh xắn trong ánh nhìn ngưỡng mộ xen lạ lẫm của nhiều người đi đường.

 

Minh Hằng, cô gái mới vừa bước qua tuổi 20 nheo mắt nói về cảm giác mỗi lần cầm lái chiếc Mobylette cá xám của mình: "Ngồi lên xe em có cảm giác như thoát khỏi guồng quay hối hả của cuộc sống, cứ thấy vui vui trong lòng. Hằng ngày, do công việc, chuyện học hành bận rộn nên không phải lúc nào em cũng động đến chiếc xe. Nhưng một tuần không động đến nó là... nhớ”.

 

Còn Trung, người tỏ ra hiểu biết về Mobylette nhất trong nhóm, cho biết, mỗi lần ngồi lên xe là thấy thư thái vô cùng, cảm giác như mọi thứ quanh mình chậm lại. Hiện cậu đang sở hữu bộ đôi Mobylette “cá xanh” AV-85 (1959) và “hai đũa” AV-34 (1954).

 

Tình yêu vô điều kiện dành cho Mobylette

 

Ngược dòng thời gian với Mobylette - 3
Chiếc Mobylette “cá xám vuông” AV-44 ra lò năm 1964 của Được.

 

Với Được, chàng trai có vẻ ít nói nhất trong bộ tam này, “chỉ riêng việc ngồi ngắm xe cũng đã đủ thấy vui”.

 

Còn Hằng, cô gái có một tình yêu đặc biệt dành cho Mobylette cũng đã khá vất vả để theo đuổi đam mê đặc biệt của mình. Thích Vespa cổ đã 3 năm, cũng đã sở hữu 2 chiếc trong tay nhưng sau khi gặp “tình yêu sét đánh” với Mobylette, “máu” quá, Hằng đã nhờ người mua hộ chiếc cá xám trong Sài Gòn, rồi chuyển ra HN với giá 17 triệu đồng.

 

Vác xe về nhà, việc tiếp theo là sẽ nói thế nào để thuyết phục mẹ. “Lúc đầu em nói dối là xe của bạn gửi. Khi ấy mẹ em kêu ầm lên vì hai chiếc Vespa dựng chình ình trong nhà đã chiếm hết chỗ. Sau Tết, vẫn thấy chiếc Mobylette chưa được khiêng đi, mẹ em cứ càu nhàu suốt. Mẹ bảo: Lại mua thêm à? Nhà đã chật thế này còn rước thêm mấy cái của nợ này về làm gì?” Hằng nhớ lại.

 

Ngược dòng thời gian với Mobylette - 4
Hằng hiện sở hữu chiếc “cá xám tròn” AV-44 sản xuất năm 1962

 

Còn Trung, sau khi biết về sự tồn tại của Mobylette, cậu đã lục tìm trên mạng mọi thông tin về chiếc xe, từ lịch sử đến quá trình du nhập vào Việt Nam. Ngoài Vespa cổ, hiện Trung sở hữu tới hai chiếc Mobylette. Riêng với con xe “hai đũa” hiện tại, sau 6 tháng ròng rã tìm phụ tùng thay thế và nâng cấp, Trung đã phải đổ vào nó tới 60 triệu đồng mà đến giờ vẫn... chưa xong.

 

Hằng yêu xe đến mức gần như không để cho nó dính bụi, thấy hơi bẩn một chút là cô bé lại kỳ cạch lau chùi. Hằng cũng không dám rửa xe bằng nước mà chỉ dùng khăn mềm lau khô. Những ngày trời mưa thì đố ai thấy cô bé lượn Mobylette trên đường vì sợ xe... gỉ.
 

Còn Trung, mỗi khi lái Mobylette mà gặp vũng nước trên đường thì bằng mọi giá phải tránh xa. Nếu trời có nguy cơ mưa là ngay lập tức cậu phải tìm chỗ gửi xe an toàn, rồi gọi xe ôm đi tiếp đến nơi cần đến. 

 

Trung bảo, điều cậu khó chịu nhất là khi bước vào quán cà phê hay nơi nào đó mà thấy có người nhảy ngay lên chiếc xe của mình ngồi. “Đã thế họ lại còn vặn tay ga, rồi đạp mạnh trong khi bình thường mình nâng niu chiếc bàn đạp đến độ... đặt chân lên cũng phải nhẹ nhàng”.

 

Do vậy, Trung hay chọn quán quen, những nơi chiếc xe của cậu được dành riêng một chỗ đặc biệt, hoặc thậm chí được “đặc cách” đặt ngay cạnh chỗ mình ngồi để tiện quan sát.

 

Được thì quan niệm... thực tế hơn: xe cổ nhưng phải sử dụng được. Do vậy hàng ngày cậu vẫn lái chiếc Mobylette tới cơ quan cách nhà không xa là mấy rồi tối về lại kỳ cạch lau chùi cho nó bóng lộn.

 

Chuyện nửa đêm cả ba từng vùng dậy bật đèn sáng trưng để ngắm nghía chiếc Mobylette xảy ra như cơm bữa. Họ cũng tối kỵ chuyện cho mượn xe chỉ vì lo xe xước. “Ai chơi xe cổ cũng bị mang tiếng là ky bo vì không muốn cho ai mượn, những lúc không thể từ chối được thì đành phải dặn dò họ thật kỹ là hãy đi cẩn thận,” Hằng nói.

 

Theo Bích Hạnh

Vietnamnet