Ngủ trong ôtô - Lợi bất cập hại

(Dân trí) - Làm sao để chống lại cái nắng của mùa hè là chủ đề rất được quan tâm hiện nay. Ý tưởng ngủ trong ôtô bật điều hoà được nhiều người nói đến, tuy nhiên, việc này cần được quan tâm đúng mức để luôn giữ được sự an toàn cho mình và người thân.

Ngủ trong ôtô - Lợi bất cập hại

Vậy ngủ trong ôtô có hại hay không? Câu hỏi này sẽ còn nhiều tranh cãi; tuy nhiên, cần hiểu rõ căn nguyên để giữ được an toàn cho mình nếu gặp phải những trường hợp bất khả kháng.

Nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng

Sau những chuyến đường dài mệt mỏi, nhiều người chọn biện pháp tấp xe vào lề đường và đóng kín cửa, bật máy lạnh để chợp mắt một lúc. 

Trong tiềm thức, nhiều người vẫn nghĩ rằng, chỉ cần đóng kín cửa, bật máy lạnh thì sẽ an toàn và không có chuyện gì xảy ra. Nhưng... đằng sau đó là một nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của chính mình. 

Theo nguyên lý, khi chúng ta đóng kín cửa xe, lượng ô xi trong xe đã giảm dần và chọn chế độ lấy gió trong, không khí tự nhiên khó mà vào được bên trong. Do đó, xe chỉ có thể làm mát không khí trong xe, mà ít có sự lưu thông với bên ngoài. 

Hệ thống điều hòa trên ôtô sử dụng hai chế độ lấy gió trong quá trình làm lạnh: Chế độ lấy Gió Trong và chế độ lấy Gió Ngoài. Chế độ lấy gió trong có tác dụng làm mát nhanh hơn trên nguyên tắc chỉ lấy khí tuần hoàn trong khoang lái, trong khi đó chế độ lấy gió ngoài làm mát chậm hơn nhưng mang được luồng khí giàu oxy vào khoang lái.

Chính vì vậy, nếu trong một hành trình dài chỉ dùng chế độ lấy gió trong, bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi dù không khí vẫn mát lạnh nhờ hệ thống điều hòa.

Những lúc như vậy, bạn hãy mở cửa sổ hoặc dùng chế độ lấy gió ngoài để có thêm dưỡng khí.

Kí hiệu lựa chọn chế độ lấy gió điều hòa

Kí hiệu lựa chọn chế độ lấy gió điều hòa


Có nên ngủ trong ô tô hay không?

Có khá nhiều mẹo được cộng đồng người chơi ô tô chia sẻ và chủ yếu tập trung vào việc cân bằng lượng oxy từ môi trường.

Cụ thể, nếu tấp xe vào một nơi để ngủ, người dùng cần hạ bớt kính xe xuống để không khí có thể lưu thông. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể an toàn tuyệt đối, người dùng cần hẹn giờ để báo thức khoảng từ nửa tiếng đến 1 tiếng để tỉnh dậy, bước ra hít thở không khí. 

Cũng trong trường hợp lái xe đường dài, không khí trong xe đã giảm đi ô xi khi ít có sự lưu thông với bên ngoài. Điều này gây ra sự mệt mỏi và đau nhức các cơ bắp, thần kinh... Do đó, người dùng cần dừng lại, nghỉ ngơi và hít thở không khí từ tự nhiên.

Trở lại với câu chuyện ngủ bên trong xe và bật điều hòa, rõ ràng nếu đóng kín cửa và để chế độ lấy gió trong không hề tốt cho sức khỏe, bởi trung bình một người lớn cần 0,5m3 không khí trong một giờ đồng hồ để lấy oxy cung cấp cho cơ thể sinh tồn. Do đó, nếu bạn thực sự muốn ngủ bên trong xe, hãy nghĩ cách cung cấp không khí “tươi” cho sự an toàn của mình và người thân: hé cửa kính (khoảng 1-2cm), để chế độ lấy gió ngoài, hoặc xe có chế độ lấy gió tự động (liên tục thay đổi việc lấy gió trong/ngoài)…

Tuy nhiên, việc sử dụng việc lấy gió ngoài cũng cần lưu ý chứ không phải lúc nào bạn có thế làm được điều này. Nếu bạn đỗ xe trong khu vực kín (nhà để xe, garage…) thì việc này có thể còn nguy hiểm đến tính mạng bởi lúc này khi xe (với cả động cơ xăng và diesel) khi vận hành sẽ làm tăng nồng độ khí CO (Carbon monoxide) cực kì nguy hiểm cho tính mạng con người. Chính vì thế, nếu ngủ trên xe và để chế độ lấy gió ngoài, nên tìm nơi thoáng mát để đảm bảo xung quanh xe luôn có không khí sạch, cũng như đảm bảo có thể phòng ngừa những việc bất trắc xảy ra (hỏa hoạn).

Ngoài ra, bạn cũng cần biết, việc sử dụng nổ máy ôtô và đứng nguyên một chỗ cũng có những khả năng cháy nổ rất lớn, vì với việc hệ thống làm mát của xe hoàn toàn trông đợi vào hệ thống quạt do chính động cơ hoạt động, không có sự hỗ trợ của không khí khi lưu hành trên đường; do đó, chiếc xe cũng trở nên tỏa nhiệt mạnh hơn và trở nên vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là với những chiếc xe tuổi đời đã quá lâu.

Và vì vậy, nếu còn các lựa chọn khác thì thực sự việc ngủ trong ôtô là phương án bạn nên loại bỏ, một giấc ngủ tiềm ẩn nhiều bất trắc không phải là một lựa chọn đúng đắn.

Theo các chuyên gia y tế, khí CO làm hồng cầu trong máu không thể vận chuyển oxy tới các tế bào sống khiến cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh thậm chí dẫn đến tử vong. Đây là dạng ngạt tế bào, ngạt hệ thống, chữa rất khó. Những trường hợp này nếu không cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, cứu được cũng sẽ sống đời sống thực vật do não bị tổn thương.


Các trường hợp tử vong liên quan đến ngạt khí:

Kí hiệu lựa chọn chế độ lấy gió điều hòa

Năm 2003 một lái xe của công ty tư vấn xây dựng thuộc Bộ GTVT đã chết khi ngủ trưa trong ôtô đóng kín cửa.

Năm 2008 trong cơn mưa lũ lịch sử tại Hà Nội, hai người đàn ông được phát hiện đã chết trong chiếc ôtô nằm sát sông Lừ trên đường Lê Trọng Tấn, nguyên nhân ban đầu xác định là do chết ngạt khi dừng lại trú mưa.

Đầu năm 2013, một tài xe taxi được phát hiện chết trong ôtô tại địa phận xã Thanh Hà (Thanh Liêm - Hà Nam) cũng với lí do tương tự.

Và gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại chân đập dâng Lại Giang, thuộc địa bàn khối Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), khí CO đã cướp đi sinh mạng của hai người ngồi bên trong.

Như Phúc- Quốc Phan

Hình minh hoạ lỗi bộ phận kích nổ túi khí Takata làm văng các mảnh kim loại sắc nhọn
 
Hình minh hoạ lỗi bộ phận kích nổ túi khí Takata làm văng các mảnh kim loại sắc nhọn