Mờ nhạt tính tự giác

Những ngày qua, không khí trên đường phố trở nên oi bức vào buổi trưa. Thật ra, trời không quá nóng, chỉ khoảng 35 độ C, nhưng cũng đủ để nhận thấy phản ứng của một bộ phận người đi đường, trong đó có hình ảnh trái ngược với điều mà xã hội từng ngày mong đợi.

Tại các ngã tư đường, khi tín hiệu đèn đỏ sáng lên, dễ dàng nhìn thấy nhiều người đi xe máy cùng tấp vào một chỗ râm mát nào đó. Điều không hay ở đây là, không ít nơi có bóng mát lại nằm ngay trên phần vạch trắng dành cho người đi bộ qua đường. Cũng có vài người dừng đúng chỗ, chịu đựng cái nóng chỉ trong vòng vài ba mươi giây. Nhưng số người này thường rất ít, trông thật lẻ loi!

Dừng xe
không đúng quy định thường xảy ra tại các giao lộ ở TP HCM (Ảnh: Hoàng Triều)

Dừng xe không đúng quy định thường xảy ra tại các giao lộ ở TP HCM (Ảnh: Hoàng Triều)

Tự hỏi vì sao ai đó không thể thắng nổi cảm giác khó chịu chỉ kéo dài khoảng nửa phút để thể hiện đúng mình nơi công cộng. Câu trả lời có thể là: Người ta không dày công chăm sóc tính tự giác của mình, đánh giá thấp nó, đồng thời ngoại lực tác động vào đó như tính gương mẫu, hoạt động kiểm tra, xử phạt không đủ mạnh và liên tục.

Tất nhiên, hiện tượng tránh nóng “nhầm chỗ” hay phóng nhanh vượt ẩu không dễ xuất hiện nếu có lực lượng công an giao thông thường trực (mà lực lượng này thì không thể đủ để có thể hiện diện mọi nơi, mọi lúc). Điều này cho thấy việc thiết lập trật tự dựa trên ý thức tự giác đang còn rất gian nan ở nước ta.

Tính tự giác không phải tự nhiên mà có. Nó được hình thành từ giáo dục, trước hết là giáo dục lòng tự trọng, dũng khí, kèm theo đó là các chế tài xử phạt đủ mạnh, có nơi còn dùng cả roi vọt. Có thể tìm dẫn chứng muôn màu về sự phát triển tự giác ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Đức, Nhật Bản, Singapore…

Nếu không tôn trọng luật đi đường, thậm chí không có những thói quen đơn giản khác như họp hành đúng giờ, vứt rác đúng chỗ…thì sẽ khó thực hiện những công việc đòi hỏi tính tự giác cao hơn như kê khai tài sản, tự phê bình, nhất là tự lượng sức mình để từ chối một vị trí công tác quá tầm. Có thể nói, trong khi những tấm gương về sự tự giác còn mờ nhạt thì những tổn hại do sự thiếu tự giác gây ra gần như ngày nào cũng thấy trên mặt báo. Qua một số vụ việc khiến dư luận phản ứng giận dữ như chặt cây xanh ở Hà Nội và lấn sông làm dự án ở Đồng Nai…, người dân đang chờ đợi sự kiểm điểm trên tinh thần tự giác của những người có trách nhiệm.

Tính tự giác được xem như một kỹ năng mềm, có vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng văn minh. Đến lượt mình, xã hội văn minh tác động tích cực vào từng cá nhân, hướng họ vào con đường tự giác. Nhưng tự giác không phải là yếu tố bẩm sinh mà “cú hích” đầu tiên đối với nó chính là giáo dục.

Theo Cao Tuấn

Người lao động

Dừng xe
không đúng quy định thường xảy ra tại các giao lộ ở TP HCM (Ảnh: Hoàng Triều)
 
Dừng xe
không đúng quy định thường xảy ra tại các giao lộ ở TP HCM (Ảnh: Hoàng Triều)