Mô hình giao thông công cộng của tương lai

(Dân trí) - Tình trạng tắc nghẽn giao thông, giá nhiên liệu tăng cao và ô nhiễm môi trường đang khuyến khích sự phát triển của các phương tiện giao thông công cộng. Xe buýt, tàu hỏa và taxi đều đang phát triển theo hướng hiệu quả, thân thiện với môi trường và chuyên chở được nhiều khách hơn.

Tạp chí BusinessWeek đã giới thiệu 10 mô hình giao thông công cộng hiện đại có thể trở nên phổ biến trong tương lai không xa.

 

Xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu

 

Dự án của Công ty California Fuel Cell ở Mỹ.

Lần đầu tiên ra mắt: năm 2003

 

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 1


Cùng với các nhà tài trợ như Chevron và Hydrogenics, năm 1999 công ty California Fuel Cell của Mỹ đã bắt đầu giai đoạn đánh giá kéo dài 8 năm đối với xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu. Tổng kinh phí cho dự án này là 39 triệu USD. Xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu sử dụng một động cơ hybrid-electric. Mỗi chiếc xe loại này có giá hơn 3 triệu USD nhưng bù lại là chí phí nhiên liệu và xây dựng cơ sở hạ tầng giảm đáng kể.

 

Xe không người lái

 

Dự án của BAA (Sân bay Heathrow, London)

Lần đầu tiên ra mắt: năm 2002
Mục tiêu: đưa vào sử dụng vào năm 2008
 

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 2


Năm 2002, hãng Cardiff, ở xứ Wales, Vương quốc Anh, đã tạo một tiếng vang lớn khi triển khai dự án vận hành thử hệ thống giao thông công cộng trong đô thị ULTra (urban light transport). Dự án thử nghiệm này có kinh phí 4 triệu USD. Những chiếc xe tự động, có thể chở 4 hành khách, sẽ xuất hiện tại Sân bay Heathrow ở London vào năm sau.

 

Ô tô điện (NEV)

 

Dự án của Global Electric Motorcars (thuộc sở hữu của tập đoàn DaimlerChrysler)

Lần đầu tiên ra mắt: tháng 4/2006
Mục tiêu: Thay thế những phương tiện giao thông có nồng độ khí thải cao ở Mỹ.
 

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 3


Ô tô điện NEV có tốc độ thấp nhưng ưu điểm là không có khí thải. Đây được coi là phương tiện giao thông lý tưởng cho các khu khép dân cư kín, khu nghỉ mát, khuôn viên trường học và các khu trung tâm thành phố. Hãng Global Electric Motorcars đang đi đầu trong lĩnh vực sản xuất xe NEV. Năm ngoái, hãng đã cho ra mắt mẫu xe 6 chỗ ngồi, sử dụng năng lượng từ hệ thống ắc quy 12 vôn. Xe có thể chạy hơn 60km mới phải nạp ắc quy, vận tốc tối đa 55 km/h.

 

Tàu điện ngầm không người lái

 

Chủ dự án: Cục Quản lý Giao thông và Đường bộ Thành phố Dubai

Lần đầu tiên ra mắt: năm 2003
Mục tiêu: Hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2010

 

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 4


Dân số 1,1 triệu người của Dubai dự kiến sẽ tăng 6,4%/năm lên hơn 3 triệu dân vào năm 2017. Nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, chính quyền thành phố đang triển khai dự án xây dựng hệ thống tàu điện hoàn toàn tự động, dài khoảng 320 km. Khi hoàn thành, đây sẽ là hệ thống tàu điện ngầm tự động quy mô nhất thế giới. Giai đoạn đầu của dự án, xây dựng đoạn đường dài 70km, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010. Nhóm 4 công ty lớn là Mitsubishi Heavy Industries, Obayashi, và Kajima của Nhật Bản, cùng với công ty Yapi Merkezi của Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm thi công dự án trị giá 4,2 tỷ USD này.

 

Tàu hỏa Shinkansen

 

Chủ dự án: Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (East Japan Railway)

Lần đầu tiên ra mắt: năm 2006
Mục tiêu: Đưa hệ thống tàu hòa có tốc độ nhanh nhất thế giới vào hoạt động vào năm 2011
 

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 5


Nhật Bản đang tiến hành thử nghiệm tàu hỏa FASTECH 360, model mới nhất gia nhập đội ngũ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản. Dự kiến đây sẽ là loại tàu hỏa có tốc độ nhanh nhất thế giới - 360 km/h.

 

Phương tiện vận tải hai phương thức (Dualmode)

 

Sản phẩm của công ty thiết kế Silvertip Design của Anh

Lần đầu tiên ra mắt: 2004
 

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 6


Carl Henderson, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của công ty thiết kế Silvertip ở Anh đã mơ ước có một chiếc xe có thể kết hợp sức mạnh của một chiếc xe đầu kéo với khả năng chuyên chở của xe buýt và tốc độ của tàu hỏa. Xe Bladerunner concept chính là hiện thực của ước mơ đó. Chiếc xe này có 2 bộ bánh, sức chứa 105 hành khách, chạy được cả trên đường quốc lộ và đường ray tàu hỏa. Dự kiến sẽ chỉ mất chưa đến 10 năm và đầu tư 3 tỷ USD để đưa phương tiện này vào hoạt động trên toàn nước Anh, với ưu điểm là chi phí vận hành và bảo hành thấp trong khi hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu cao.

 

Trạm thu phí tự động

 

Dự án của bang Illinois, Mỹ

Lần đầu tiên ra mắt: năm 2005

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 7


 

Năm 2005, chính quyền bang Illinois đã triển khai chương trình giải quyết nạn ách tắc giao thông, với tổng kinh phí 5,3 tỷ USD. Theo đó, bang này sẽ ứng dụng công nghệ tự động đối với các trạm thu phí giao thông. Trong vòng 2 năm qua, đã có 20 trạm thu phí tự động, trị giá  khoảng 400 triệu USD được xây dựng.

 

Xe buýt tự động

 

Dự án của Tổ chức Fraunhofer, Đức

Lần đầu ra mắt: tháng 4/2005
 

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 8


Tổ chức nghiên cứu ứng dụng lớn nhất của Đức, Fraunhofer Society, đã giới thiệu loại xe  buýt AutoTram dual-mode vào năm 2005. Đây là loại xe dài 36m, sử dụng hệ thống có khả năng sản sinh và lưu giữ năng lượng từ quá trình phanh xe, và một hệ thống kiểm soát quang học để không cần phải có người lái. Loại xe buýt này tiết kiệm nhiên liệu hơn các xe buýt thông thường khác 25%, và hầu như chỉ thải ra hơi nước.

 

Tàu đầu đạn

 

Chủ dự án: Công ty đường sắt Trung Quốc (China Railway)

Lần đầu ra mắt: tháng 4/2007
 

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 9


Với việc giới thiệu tàu hỏa D460 vào tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã chứng minh rằng họ không còn thua kém Nhật Bản về công nghệ tàu đầu đạn cao tốc. Chiếc tàu này của Trung Quốc có thể đạt tốc độ 250 km/h, giúp giảm thời gian di chuyển xuống còn một nửa so với các tàu thông thường, từ đó tăng khả năng vận chuyển thêm khoảng 340.000 khách/ngày. Loài tàu đầu đạn này hiện do Công ty đường sắt Trung Quốc sản xuất, với thỏa thuận sử dụng công nghệ của các nhà sản xuất hàng đầu của Nhật Bản, Đức, Pháp và Canađa.

 

Taxi thế hệ mới

 

Sản phẩm của công ty Standard Taxi, ở Mỹ

Lần đầu ra mắt: tháng 9/2006
Mục tiêu: thay thế 90% taxi tại thành phố
New York vào năm 2030

Mô hình giao thông công cộng của tương lai - 10


 

Thiết kế này của hãng Standard Taxi có lối lên xuống cho xe lăn, chở được 4 hành khách, và sử dụng động cơ có hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu cao. Chiếc xe có giá khoảng 25.000 USD, tương đương với giá một chiếc Ford Crown Victoria.

 

Đặng Lê

Theo Business Week