Lái xe khi buồn ngủ - Hiểm họa khôn lường nhưng tài xế Việt vẫn chủ quan?

Gia An

(Dân trí) - Việc điều khiển phương tiện trong trạng thái không tỉnh táo vì buồn ngủ có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn, nguy hiểm không kém việc lái xe khi uống rượu bia, song không ít tài xế còn lơ là.

Ngày 18/9, một chiếc xe Xpander lưu thông trên cầu Thanh Trì (Hà Nội) đã đâm vào dải phân cách, tiếp tục va chạm với một ô tô khác ở làn bên cạnh và khiến phương tiện này bị lật ngang.

Trước đó, chiếc xe 7 chỗ hiệu Mitsubishi trên đã có những biểu hiện không bình thường khi thay đổi tốc độ bất ngờ và không giữ được làn. Theo một tài xế lưu thông cùng thời điểm đã ghi lại được video vụ tai nạn trên, có thể người lái chiếc Xpander trong tình trạng buồn ngủ.

Lái xe đâm vào dải phân cách trên cầu Thanh Trì (Hà Nội), nghi do buồn ngủ.

Dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân của vụ tai nạn này nhưng nó cũng được xem là lời cảnh báo cho các bài tài khi tham gia giao thông. 

Các "tài già" cho rằng lái xe khi buồn ngủ nguy hiểm chẳng kém việc điều khiển phương tiện lúc say. "Khi uống rượu bia rồi lái xe, tài xế có thể bị phấn khích hoặc trở nên kém tập trung, xử lý tình huống chậm. Khi buồn ngủ, thậm chí lái xe còn mất cả ý thức về việc mình đang lái xe", Lê Đức Anh, tài xế với gần 20 năm kinh nghiệm, nhận xét.

Tài xế có xu hướng buồn ngủ khi lái xe đường dài, ở những đoạn đường thẳng và vắng như trên quốc lộ, đường cao tốc. Việc điều khiển xe vào thời điểm nhịp sinh học của cơ thể vào lúc nghỉ ngơi như từ 10h tối đến 5h sáng hoặc từ 13h đến 15h chiều, đặc biệt là sau bữa cơm trưa cũng dễ gây ra việc buồn ngủ.

Lái xe khi buồn ngủ - Hiểm họa khôn lường nhưng tài xế Việt vẫn chủ quan? - 1

Thay vì tìm cách chống lại cơn buồn ngủ khi lái xe, tài xế nên chủ động cho cơ thể nghỉ ngơi.

Thậm chí một số người còn không biết mình rơi vào trạng thái ngủ gật trên vô-lăng. Theo các lái xe giàu kinh nghiệm, trạng thái ấy còn được gọi là "giấc ngủ trắng". Đó là lúc bộ não chỉ đạo cơ thể phải tiếp tục lái xe nhưng các bộ phận lúc này không còn nghe lời tuyệt đối. 

Không ít tài xế biết bản thân buồn ngủ nhưng lại chủ quan cho rằng có thể xua nguy cơ ngủ gật bằng cách mở cửa sổ xe hoặc bật to nhạc trong xe. Tuy nhiên, thực tế là cả hai trường hợp đều có thể khiến lái xe ngủ gật bất cứ lúc nào, đặt bản thân và những người đi cùng trên xe vào vòng nguy hiểm. 

Thay vì cố lái xe, các bác tài được khuyên nên dừng lại ngay lập tức tại vị trí an toàn và tuân thủ luật giao thông. Sau đó hãy thả lỏng cơ thể và ngả ghế nhắm mắt thư giãn hoặc hẹn giờ đồng hồ ngủ 1 giấc ngắn 10-15 phút, để cho cơn buồn ngủ trôi qua. Chỉ với quãng thời gian rất ngắn sau đó, lái xe có thể tiếp tục hành trình theo cách tỉnh táo và an toàn. 

Ngoài ra, lái xe cũng có thể chủ động để tránh rơi vào trạng thái buồn ngủ bằng cách ngủ đủ trước khi điều khiển phương tiện, tránh cho cơ thể bị mệt mỏi. Sử dụng các loại nước tăng lực, cafe có thể góp phần tăng sự tỉnh táo. Tuy nhiên như đã nói ở trên, khi cơ thể có dấu hiệu buồn ngủ, nên lập tức dừng lại và nghỉ ngơi.