Khi mua ôtô mặc cả như... mua rau
Cùng một mẫu xe, cùng một thành phố, cùng một ngày, hai khách hàng mua ôtô tại hai đại lý khác nhau hoặc mua cùng một đại lý nhưng với 2 nhân viên bán hàng khác nhau có thể mua chênh giá nhau vài triệu tới vài chục triệu đồng là chuyện thường ngày, tuỳ vào khả năng mặc cả của khách hàng.
Trong vài ngày qua, thị trường xe được phen nháo nhào với sự nhảy múa của giá xe Honda CR-V. Hàng loạt trang tin, diễn đàn về xe chia sẻ thông tin dòng xe này đại hạ giá tới 2 nấc, ban đầu từ nhà sản xuất với mức 110 triệu đồng từ 898 triệu đồng xuống còn 788 triệu đồng cho bản CR-V 2.0L, sau đó hạ thêm lần nữa tại đại lý và xuống đáy là 730 triệu đồng.
Tương tự với bản CR-V 2.4L, giá hạ lần 1 giảm 160 triệu đồng xuống 828 triệu đồng, rồi hạ lần 2 xuống khoảng 800 triệu đồng. Nhiều khách hàng vội vàng đi mua và mỗi người một giá. Người nhanh chân mặc cả khéo có thể mua với mức 740 triệu đồng cho bản 2.0, người chậm chân phải chấp nhận mức 770 hoặc 780 triệu đồng và sau hơn 3 ngày, số xe đại hạ giá được đẩy đi hết.
Nhà sản xuất và đại lý lý giải rằng mẫu xe này hạ giá để đẩy hàng tồn trước khi tung ra phiên bản mới và với các khách hàng chậm chân, mức giá siêu rẻ 730 triệu đồng cho bản 2.0 được cho là mức ưu đãi dành riêng cho các đại lý bán xe máy của Honda để giúp họ bù lỗ xe máy?! Với khách hàng thông thường, giá 730 triệu có thể được một số đại lý đưa ra khi muốn đẩy nhanh hàng tồn.
Trao đổi với báo Lao động, anh T. Tuấn một người từng 10 năm làm trong nghề buôn ôtô chia sẻ từ lâu giá xe tại Việt Nam luôn ở dạng biến thiên bởi mức lãi trên một đầu xe rất lớn. Vì thế, ngay cả khi nhà sản xuất giảm giá vài trăm triệu đồng cho một đầu xe, họ cũng chỉ bớt lãi chứ chưa chắc đã lỗ.
Lý giải về hiện tượng các hãng xe đua nhau giảm giá, người này cho rằng nhiều khách hàng đã tạm dừng ý định mua xe để chờ thuế giảm giá hạ sau ngày 1/1/2018 nên nhiều hãng xe cũng như đại lý bị tồn hàng. Việc xe bị tồn khiến vốn đọng, chi phí bến bãi, bảo dưỡng tăng cao trong khi việc nuôi hệ thống phân phối vẫn phải duy trì. Do đó, các hãng "nghiến răng" cắt lãi để hạ giá.
Trên mỗi đầu xe, đại lý sẽ có chiết khấu ít nhất vài chục triệu đồng, số tiền chiết khấu này sẽ được sử dụng để giảm giá cho khách hàng khi cần bán và ngược lại khi xe đắt hàng, nhiều khách muốn mua, đại lý sẽ thổi giá thông qua chi phí mềm lót tay cho nhân viên bán hàng hoặc thông qua các phụ kiện buộc khách phải mua thêm.
Do đó, tuỳ vào thời điểm và khả năng mặc cả, khách có thể được lợi hoặc chịu thiệt khi mua xe. Thông thường, khi thị trường đóng băng hoặc một mẫu xe chuẩn bị ra phiên bản mới, khách hàng có thể sẽ thoả thuận được mức giá tốt hơn hẳn thông thường.
Theo Lâm Anh
Lao động