Khám phá xe Kei: Đại sứ văn hóa của người Nhật
Không chỉ là phương tiện đi lại, dòng xe Kei tí hon còn thể hiện phong cách sống, văn hóa đậm chất riêng của người Nhật.
Xe Kei có tên gọi bắt nguồn từ Kei jidosha, có nghĩa là xe hạng nhẹ trong tiếng Nhật. Những chiếc xe sedan, xe tải, bản tải siêu nhỏ đều được gọi chung là xe Kei.
Tại quốc gia này những chiếc xe nhỏ gọn rất được ưa chuộng vì chúng phù hợp với điều kiện "cửa hàng nhỏ, phố nhỏ" ở Nhật.
Sau Thế chiến thứ 2 Nhật Bản bị tàn phá nặng nề, để khởi động lại nền kinh tế Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Nhật Bản (MITI) đã chủ trương thúc đẩy phát triển loại phương tiện kích thước nhỏ để tiết kiệm nhiên liệu và chi phí sản xuất.
Ban đầu dòng xe siêu nhỏ tăng trưởng khá chậm, một phần do động cơ xe bị hạn chế ở dung tích 150cc bốn thì hoặc 100cc hai thì.
Tuy nhiên, việc cho phép tăng dung tích động cơ lên 360cc vào năm 1955 cho cả động cơ bốn và hai kỳ đã tạo ra bước ngoặt thực sự. Suzuki Suzulight đi vào lịch sử ngành xe hơi Nhật Bản với tư cách là chiếc xe Kei đúng nghĩa đầu tiên.
Ra mắt vào năm 1955, Suzuki Suzulight được bán dưới 3 phiên bản Suzulight SS (sedan), Suzulight SL (xe tải van) và Suzulight SP (xe bán tải). Dòng xe Suzulight đã được bán trong hơn 10 năm cho đến khi dừng sản xuất vào năm 1969.
Cùng với Suzuki Suzulight, nhiều chiếc xe Kei khác cũng được tung ra thị trường. Trong phải kể đến chiếc Subaru 360, đây là chiếc xe đầu tiên của thương hiệu này và cũng là một trong những mẫu xe Kei bán chạy nhất trong lịch sử với doanh số hơn 300 nghìn chiếc. Doanh nhân người Mỹ Malcolm Bricklin là người đã thành lập chi nhánh Subaru tại Mỹ vào năm 1968 chỉ để phân phối Subaru 360. Với dung tích động cơ 356cc, công suất 16 mã lực và chở được 4 người, Subaru 360 là đối thủ đương đầu trực tiếp với mẫu xe con bọ Volkswagen Beetle.
Với sự phát triển của xe Kei, những sản phẩm sau này càng trở nên tinh tế hơn. Chiếc Honda N360 ra mắt vào năm 1967 cũng là một sản phẩm xuất sắc. Động cơ 354cc của chiếc xe này thực chất được lấy từ chiếc mô tô Honda CB450 nhưng được làm nhỏ lại để tuân thủ theo quy định. Honda N360 được mệnh danh là chiếc Mini Cooper của người Nhật.
Phiên bản Honda N600 với động cơ lớn hơn đã được chế tạo với mục đích xuất khẩu và là chiếc xe chính thức đầu tiên của Honda được bán sang thị trường Mỹ. Tuy bị thất bại trên thị trường quốc tế nhưng N600 đã làm tiền đề để mở đường cho sự thành công của Honda Civic vào năm 1973.
Vào đầu thập niên 70, do sự thay đổi trong chính sách sở hữu tài sản của chính phủ Nhật, đồng thời quy định kiểm soát lượng khí thải chặt chẽ hơn, ngành công nghiệp xe hơi của Nhật tạm thời trầm lắng xuống. Honda và Mazda tạm thời dừng sản xuất xe Kei chở khách, chỉ duy trì dòng xe Kei bán tải.
Đến năm 1976, chính phủ Nhật cho phép tăng kích thước của dòng xe Kei dài hơn, rộng hơn đồng thời nâng hạn mức dung tích động cơ lên 550cc, dòng xe này lại sôi động trở lại.
Theo quy định mới, kích thước của xe Kei có thể dài thêm 20cm và rộng thêm 10cm so với trước. Các nhà sản xuất có thể chế tạo những mẫu xe rộng rãi hơn, thoải mái hơn, phù hợp với thị hiếu của thị trường châu Âu.
Vào năm 1990, Nhật Bản tiếp tục nới quy định, cho phép xe Kei tăng dung tích lên 660cc và kích thước dài thêm 10 cm. Và thời đại bùng nổ của xe Kei chính thức bắt đầu. Rất nhiều mẫu xe Kei dung tích 660cc chất lượng xuất sắc đã được các hãng xe Nhật bán ra thị trường.
Vì quy định hạn chế chỉ áp dụng với kích thước thân xe và dung tích động cơ, để sản phẩm trở nên nổi bật, các nhà sản xuất đua nhau tùy biến xe Kei để tạo ra phong cách riêng. Những chiếc xe này có thể được trang bị dẫn động cầu sau, dẫn động 4 bánh, thêm bộ tăng áp, siêu nạp, hộp số tự động, hộp số vô cấp CVT...
Đến năm 2011, Subaru, một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này đã ngừng sản xuất xe Kei sau 54 năm gắn bó. Mẫu xe Kei Stella của Subaru được chuyển nhượng lại cho Daihatsu.
Tuy nhiên, thị trường xe Kei tại Nhật vẫn có bước phát triển thần kỳ. Năm 2013, xe Kei chiếm tới 30% doanh số xe được bán ra tại Nhật, và đạt kỷ lục 40% vào năm 2014.
Dù vậy, chính phủ Nhật Bản đang lo ngại rằng các hãng xe tại quốc gia này đang quá phụ thuộc vào thị trường nội địa mà bỏ quên thị trường quốc tế. Vì vậy, vào năm 2015 Nhật Bản đã quyết định áp mức thuế cao với dòng xe tí hon này.
Cho tới nay, dòng xe Kei đã trải qua một chặng đường dài trong văn hóa giao thông của người Nhật. Dù điều kiện kinh tế đã khá giả hơn so với thời hậu thế chiến rất nhiều, thế nhưng người Nhật vẫn ưa chuộng loại xe tí hon, có công suất chỉ đủ dùng như chính lối sống tối giản của họ.