Khách Việt chuộng mẫu ô tô nào trong từng phân khúc sau 9 tháng đầu năm?
(Dân trí) - Fadil là lựa chọn hàng đầu của khách Việt khi mua hatchback cỡ A, trong khi nhắc đến bán tải là nhắc tới Ford Ranger, còn mua sedan cỡ D thì Toyota Camry là ưu tiên của hầu hết mọi người.
Thị trường xe xảy ra nhiều biến động sau 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu biểu trong từng phân khúc ít có sự xáo trộn. Thông tin cụ thể được tổng hợp như bảng dưới.
Phân khúc | Mẫu xe dẫn đầu | Doanh số (xe) | Tỷ lệ trong phân khúc |
Hatchback cỡ A | VinFast Fadil | 10.661 | 43% |
Sedan cỡ B | Toyota Vios | 16.583 | 30% |
Sedan cỡ C | Kia K3 | 9.042 | 41% |
Sedan cỡ D | Toyota Camry | 3.329 | 57% |
MPV cỡ trung | Mitsubishi Xpander | 16.113 | 47% |
Crossover cỡ A | Kia Sonet | 7.284 | 58% |
Crossover cỡ B | Kia Seltos | 9.879 | 49% |
Crossover cỡ B+ | Toyota Corolla Cross | 14.487 | 92% |
Crossover cỡ C | Mazda CX-5 | 9.970 | 35% |
Crossover cỡ D | Hyundai Santa Fe | 7.705 | 54% |
SUV | Toyota Fortuner | 5.697 | 54% |
Bán tải | Ford Ranger | 9.634 | 65% |
Cụ thể ở phân khúc A, VinFast Fadil dẫn đầu với 10.661 xe bán ra. Đối thủ đứng sau là Hyundai Grand i10 cũng bám khá sát với doanh số 7.864 xe. Khoảng thời gian 3 tháng tới có thể đủ để mẫu xe Hàn Quốc lật ngược tình thế, nhất là khi Fadil đã ngừng bán trong chiến lược loại bỏ xe xăng của VinFast.
Với việc VinFast Fadil rời cuộc chơi, phân khúc A tại Việt Nam hiện nay cũng chỉ còn hai cái tên từ Hàn Quốc là Hyundai Grand i10 và Kia Morning. Trước đó Toyota Wigo, Honda Brio hay Suzuki Celerio cũng đều dừng bước.
Phân khúc B chưa có nhiều thay đổi, trong đó 3 mẫu xe Toyota Vios, Hyundai Accent và Honda City vẫn giữ được sự ổn định. Nổi bật hơn cả vẫn là Vios và đây cũng là mẫu xe đứng đầu toàn thị trường sau 9 tháng.
Ở nhóm sedan cỡ C, hai cái tên vẫn chiếm ưu thế trong phân khúc là Kia K3 và Mazda3. Trong đó K3 đang hơn đối thủ đứng sau gần 2.000 xe.
Ở phân khúc gầm cao cỡ A và cỡ B hai cái tên nhà Kia cũng đang dẫn đầu, dù đang bị cạnh tranh gay gắt từ đối thủ. Toyota Raize bám đuổi Sonet, trong khi ở phân khúc B thì Seltos gặp phải sự bám đuổi của "tân binh" Hyundai Creta.
Với gầm cao cỡ B+, Toyota Corolla Cross chiếm tới 92% doanh số phân khúc. Thực tế, nhóm này cũng chỉ có thêm một đại diện nữa là Mazda CX-30 và mẫu xe này cũng không dành được nhiều ưu ái của người dùng.
Nhóm gầm cao cỡ C chứng kiến sự bám đuổi của hai cái tên Mazda CX-5 và Hyundai Tucson. Ở phân khúc crossover cỡ D, Santa Fe lấn át hai đối thủ Kia Sorento và Mazda CX-8 khi mẫu xe của Hyundai chiếm 54% doanh số của nhóm xe này.
Toyota Fortuner cũng đạt tỷ lệ 54% với nhóm SUV khung gầm rời. Trong khi đó Camry chiếm lĩnh nhóm sedan cỡ D với tỷ trọng 57% doanh số phân khúc.
Phân khúc bán tải, Ford Ranger thể hiện ưu thế độc tôn khi chiếm 65% doanh số. Sự xuất hiện của phiên bản mới hứa hẹn càng củng cố vị trí của mẫu xe thương hiệu Mỹ, bất chấp tình trạng xe được đại lý bán kiểu "bia kèm lạc".
Cục diện các phân khúc có thể sẽ xáo trộn nếu cuối năm các hãng có chiến lược mới về giá và nguồn cung. Thực tế, việc một mẫu xe bán chạy nhất phân khúc không hẳn do đó là sản phẩm tốt nhất mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt trong thời điểm này là nguồn cung xe.
Tuy nhiên, ở một số phân khúc như gầm cao cỡ B+, MPV cỡ trung hay bán tải với các đại diện lần lượt là Corolla Cross, Xpander hay Ranger đang chiếm ưu thế lớn trong phân khúc. Doanh số áp đảo của các sản phẩm này khiến các đối thủ rất khó thu hẹp với 3 tháng cuối năm.