Hyundai và Kia - “Gà nhà đá nhau”

(Dân trí) - Xe của Hyundai và Kia thường xuất xưởng từ cùng nhà máy, sử dụng chung nhiều bộ phận, và trong một số trường hợp, theo đuổi cùng đối tượng khách hàng, nhưng thực ra đó là sản phẩm của hai hãng ô tô hoàn toàn độc lập, về cả suy nghĩ và hành động.

Hyundai và Kia - “Gà nhà đá nhau” - 1
 
Cả Hyundai và Kia đều nhất quán khẳng định rằng mặc dù chung tập đoàn mẹ, nhưng về cơ bản, họ là hai đơn vị độc lập.

 

Ông Michael Sprague, Phó chủ tịch phụ trách marketing và truyền thông của Kia Mỹ cho biết: “Kia Motors America hoạt động hoàn toàn độc lập, với hệ thống bán hàng, marketing và phân phối riêng tại Mỹ dù chia sẻ một số chi tiết kỹ thuật với Hyundai, giống như nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu khác.”

 

Một người phát ngôn của Hyundai Mỹ, ông Jim Trainor, cho biết, công ty ông coi Kia cũng như bất cứ đối thủ cạnh tranh nào khác trong ngành ô tô.

 

Hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ ô tô đến thép và đóng tàu, Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc mua Kia, khi đó đã công bố phá sản, vào năm 1998. Hai hãng ô tô kết hợp lại thành Tập đoàn ô tô Hyundai Kia.

 

Dù hai bên luôn khẳng định rằng họ hoạt động độc lập, nhưng xe của Hyundai và Kia có nhiều điểm chung. Ví dụ, mẫu Hyundai Santa Fe và Kia Sorento, với các thông số kỹ thuật gần như giống hệt, cùng xuất xưởng tại nhà máy lắp ráp của Kia ở West Point, tiểu bang Georgia, Mỹ. Giá bán của hai xe chỉ chênh nhau 650 USD.

 

Trước đây, Kia tự phân hạng xe của hãng trẻ trung và thể thao hơn Hyundai, giống như xe của Honda so với Toyota. Tuy nhiên, sự phân định này không nhất quán, như khi Kia tun ra mẫu sedan hạng sang Amanti kiểu dáng “già” như xe Buick vào năm 2004.

 

Vài năm trở lại đây, sự phân định này của Kia ngày càng bị xoá nhờ, khi Hyundai có sự chuyển hướng rõ rệt về phong cách và tung ra nhiều mẫu xe thể thao, như Genesis Coupe và gần đây là Veloster hatchback.
 
Hyundai và Kia - “Gà nhà đá nhau” - 2

 

Mối quan hệ giữa hai hãng xe Hàn Quốc này khá phức tạp, theo lời ông Jim Park, người đã làm công tác hoạch định sản phẩm tại Hyundai trong suốt 10 năm trước khi nghỉ việc để lập công ty tư vấn riêng ở California.

 

Hai thương hiệu có các bộ phận marketing, phân phối... riêng, nhưng việc chế tạo và thử nghiệm xe mới lại được làm chung tại trung tâm nghiên cứu Namyang của Hyundai ở Hwaseong, Hàn Quốc, nơi không hề tồn tại sự phân biệt giữa nhân viên Hyundai và Kia.

 

Ông Park cho biết mỗi công ty có các bộ phận kế hoạch sản phẩm độc lập, nơi dữ liệu thị trường được phân tích và các mẫu xe mới được phác thảo. Nhưng quyết định về sản phẩm cuối cùng cho cả hai hãng được đưa ra tại cuộc họp hàng tháng tại phòng kế hoạch Hyundai-Kia, bộ phận do lãnh đạo cấp cao của hai hãng giám sát hoạt động.

 

“Có nhiều sự dư thừa tồn tại trong hệ thống này,” ông Park nói, “nhưng theo cách nào đó, người ta vẫn đưa ra được các quyết định.”

 

Sự xem xét cân nhắc của các thành viên trong gia đình cầm quyền cũng có vai trò quan trọng. Chung Eui Sun, con trai độc nhất của chủ tịch Hyundai Chung Mong Koo, là chủ tịch điều hành Kia từ năm 2005-2008, và là phó chủ tịch Hyundai từ năm 2009. Ông Chung Mong Koo đã bị kết án 3 năm tù treo vì một bê bối tài chính vào năm 2007, nhưng vẫn nắm quyền điều hành Hyundai.

 

Mẫu thuẫn giữa Hyundai với chính phủ, cùng với các vấn đề về nhân công ở Hàn Quốc, không ít lần đã ảnh hưởng tới các kế hoạch sản phẩm của cả Hyundai và Kia.

 

Theo ông Park, việc sáp nhập hai hãng cùng các chuỗi cung cấp đã là một quá trình khó khăn và kéo dài cả thập kỷ. Trong 3-4 năm qua, liên minh này đã bắt đầu ổn định và cho trái ngọt.

 

Nhật Minh

Theo NYT