Honda và Nissan đều không muốn bị "ép duyên" về chung một mái nhà

Gia Bảo

(Dân trí) - Chính phủ Nhật Bản không ngừng nỗ lực đưa Nissan và Honda vào bàn đàm phán để sáp nhập trong năm nay; nhưng ý tưởng này đã bị cả hai nhà sản xuất từ chối.

Honda và Nissan đều không muốn bị ép duyên về chung một mái nhà - 1

Theo ba nguồn tin được trang Financial Times trích dẫn, đề xuất tạo ra nhà sản xuất ôtô lớn nhất Nhật Bản này đã xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm ngoái, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt trong lĩnh vực ô tô để chuyển hướng sang xe điện tự lái.

Ý tưởng sáp nhập Nissan và Honda được cho là xuất phát từ các cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe. Họ lo ngại tình trạng của liên minh giữa Nissan và Renault SA (Pháp) đã trở nên tồi tệ kể từ sau vụ bắt giữ cựu CEO Carlos Ghosn hồi năm 2018 do những cáo buộc gian lận tài chính và có khả năng bị sụp đổ hoàn toàn. Liên minh 3 bên còn có Mitsubishi Motors.

Ý tưởng này nhằm cứu nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba của Nhật Bản khỏi những thiệt hại nghiêm trọng hơn và củng cố tương lai của ngành ô tô của xứ sở Mặt trời mọc.

Tuy nhiên, đại diện Nissan và Honda đều đã ngay lập tức từ chối dự án táo bạo này của chính phủ. 

Honda và Nissan đều không muốn bị ép duyên về chung một mái nhà - 2

Honda là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Nhật Bản. Ảnh: AP

Honda đã chỉ ra rằng cấu trúc vốn phức tạp của Nissan liên quan đến Renault và Mitsubishi là rào cản lớn. Trong khi đó, Nissan cũng phản đối ý tưởng sáp nhập, đồng thời khẳng định mục tiêu chính của công ty là tập trung đưa liên minh của mình trở lại đúng lộ trình đã vạch ra. Financial Times cho biết, ý tưởng sáp nhập nhanh chóng tan biến trước khi nó đến được với hội đồng quản trị của cả hai nhà sản xuất ô tô.

Trong số 8 thương hiệu ô tô lớn của Nhật Bản, Mazda, Subaru, Suzuki và Daihatsu có mối quan hệ sở hữu chéo với Toyota - nhà sản xuất ô tô hàng đầu của nước này. Chỉ có duy nhất Honda còn "tự do", không bị ràng buộc về vốn.

Bên cạnh yếu tố tài chính và cơ cấu, giữa Nissan và Honda đang có khác biệt lớn về nền tảng công nghệ và triết lý xây dựng sản phẩm, cộng thêm những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến 2 “ông lớn” khó có thể song hành.

Nhu cầu về ô tô điện và chi tiêu công nghệ khác ngày càng tăng đã giúp đẩy nhanh việc sáp nhập hoặc hình thành liên minh của nhiều nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới. Cuối năm 2019, tập đoàn Fiat Chrysler (FCA) và Peugeot (PSA) đã công bố sáp nhập trong thương vụ trị giá 50 tỷ USD, trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 4 thế giới. Ford và Volkswagen cũng đã nhất trí thành lập liên minh hợp tác kể từ năm 2019 nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất.