Hãng xe Trung Quốc chuẩn bị thôn tính Smart của Daimler?

(Dân trí) - Truyền thông quốc tế đưa tin tập đoàn xe hơi của Đức - Daimler đang tiến hành thoả thuận bán 50% cổ phần của thương hiệu Smart cho “cá mập” Geely (Trung Quốc), và nếu mọi việc tiến hành thuận lợi, thông tin chính thức sẽ được công bố tại triển lãm Shanghai Auto Show vào tháng 4 tới.

Hãng xe Trung Quốc chuẩn bị thôn tính Smart của Daimler? - 1

Smart hiện như một gánh nặng đối với tình hình kinh doanh của Daimler

Trước đó vào tháng 2/2018, Geely đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Daimler khi mua lại 9,69% cổ phần tại tập đoàn Daimler; và gần đây hơn, vào tháng 10 năm ngoái, hai tập đoàn này đã thành lập một liên doanh sản xuất ôtô (tại Trung Quốc).

Đại diện Daimler cho biết, “một số đối tác tin cậy” sẽ tham gia phát triển các thế hệ tiếp theo của Smart, trong khi Geely hiện từ chối bình luận về thông tin này.

Việc bán lại 50% cổ phần của Smart có lẽ một phần trong kế hoạch của Daimler nhằm vực dậy tình hình kinh doanh của Smart, vốn được coi là “khá tồi tệ” khi mà mỗi năm tập đoàn này bán ra tới hơn 2,25 triệu xe Mercedes-Benz, trong khi Smart có doanh số chỉ khoảng 130.000 xe.

Ngoài ra, vấn đề này (bán cổ phần Smart cho Geely) cũng có một phần lí do từ nội tại của Daimler, khi mà “Người hùng” của dòng xe nhỏ này - chủ tịch Dieter Zetsche của Daimler sẽ về hưu trong năm nay, trong khi người kế nhiệm Ola Kallenius tỏ ra không hào hứng với Smart, nhất là khi doanh số của Daimler có dấu hiệu sụt giảm trong năm 2018 vừa qua.

Hãng xe Trung Quốc chuẩn bị thôn tính Smart của Daimler? - 2

Việc bán bớt 50% cổ phần của Smart sẽ giúp Daimler phát triển các kế hoạch mới đối với thương hiệu này.

Tuy Daimler không công bố số liệu cụ thể của Smart trong năm qua nhưng các nhà phân tích thị trường ôtô của Financial Times cho rằng, Smart - trong suốt 21 năm kể từ khi thành lập đến nay đã không đóng góp được lợi nhuận gì cho Daimler. Trong khi đó, số liệu từ tổ chức Nghiên cứu chiến lược đầu tư Quốc tế - Evercore ISI, mỗi năm, Smart đã ngốn từ 500 - 700 triệu euro cho việc hoạt động của mình.

Geely & Daimler

Cái bắt tay chiến lược giữa các quan chức cấp cao của Geely và Daimler. Từ trái qua phải: An Conghiu - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Geely Auto Group, Li Shufu - Chủ tịch Geely Holding, Dieter Zetsche - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Daimler AG và Mercedes-Benz Cars, Ola Källenius người đứng đầu bộ phận chịu trách nhiệm nhóm Nghiên cứu và Phát triển xe của Mercedes-Benz. 

Tuy nhiên, việc tập đoàn Daimler bán một nửa cổ phần cho Geely cũng gặp không ít khó khăn khi chính quyền của Đức bày tỏ sự lo ngại về “các công ty đến từ Trung Quốc”.

Trước đó, khi mà thương vụ Geely mua lại cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất tại Daimler, một dự thảo luật đã được chính phủ Đức phê duyệt khi cho phép chính quyền nước này có thể “chặn” các khoản đầu từ lớn hơn 15% (giá trị công ty) đối với các công ty có xuất thân “ngoài Châu Âu” (non-European Union) liên quan đến các ngành công nghiệp nhạy cảm như quốc phòng, năng lượng…

Trước khi mua lại cổ phần của Daimler, Tập đoàn Geely của Trung Quốc đã sở hữu khá nhiều thương hiệu ôtô, như Polestar và Volvo Car từ năm 2010 (mảng xe tải vẫn thuộc tập đoàn Volvo), hãng taxi London Electric Vehicle Company năm 2013, hãng xe thể thao của Anh - Lotus năm 2017, Proton của Malaysia năm 2017, cũng trong năm này là việc mua lại hãng xe bay Terrafugia (Mỹ)… Tập đoàn Trung Quốc này vừa cho ra mắt thương hiệu phát triển chung với Volvo là Lynk&Co (sử dụng chung khung gầm của XC40).

Như Phúc
Tổng hợp

Hãng xe Trung Quốc chuẩn bị thôn tính Smart của Daimler? - 4