Hàng trăm ngàn ôtô phải thu hồi: Tẩu tán đi đâu hết?
Tính đến 2014 có 120 ngàn ôtô hết hạn. Từ 2015, mỗi năm sẽ có khoảng 15.000 xe hết niên hạn sử dụng, cần loại bỏ nhưng việc thu hồi rất khó khăn do người dân không tự giác và thường bán lại cho khách hàng vùng sâu, xa để thu hồi vốn.
Chạy nhiều, chạy ít đều bị thu hồi: Ai chịu?
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/2018, ôtô và xe máy không đạt tiêu chuẩn sẽ bị thu hồi. Song, liệu có thể thu hồi được không và thu hồi bằng cách nào?
Quyết định nêu rõ, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định. Các nhà sản xuất có thể liên kết để cùng nhau thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ cùng loại.
Người tiêu dùng được lựa chọn các hình thức như: tự chuyển hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi và được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do họ đưa ra thị trường.
Hiện mới chỉ có xe tải, xe bán tải, xe chở người từ 10 chỗ trở lên là có quy định về niên hạn sử dụng.
Ý kiến từ Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, muốn thu hồi các phương tiện như xe máy, ôtô con thì cần phải xây dựng cơ sở pháp lý có tính khả thi để thực hiện. Cụ thể, phải quy định về niên hạn sử dụng. Căn cứ vào đó, những xe hết hạn sẽ bị thu hồi, loại bỏ. Hiện mới chỉ có xe tải, xe bán tải, xe chở người từ 10 chỗ trở lên là có quy định về niên hạn sử dụng. Riêng xe máy, ô tô con thì chưa làm được do vấp phải phản ứng từ nhiều phía.
Theo một số chuyên gia, quy định niên hạn với xe máy, ô tô con là không khoa học bởi cùng số năm nhưng có xe chạy nhiều, xe chạy ít, nếu xe chạy ít cũng bị thu hồi là thiếu công bằng.
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã từng đề xuất quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy là 8 năm hoặc 100.000 km. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến thì gặp nhiều phản đối, cho rằng như vậy sẽ tác động đến đa số người nghèo. Nước ta có tỷ lệ người nghèo cao, thường đi xe cũ và không ít gia đình sử dụng xe máy như phương tiện kiếm sống hàng ngày. Trong khi, giao thông công cộng chưa đáp ứng được, nếu quy định niên hạn như vậy, đời sống nhiều người sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, quy định niên hạn với xe máy, ô tô con còn tác động đến những người chơi xe cổ, vì vậy đến nay đề xuất này vẫn dừng ở giai đoạn nghiên cứu.
Đăng kiểm chặt, vẫn khó thực thi
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều tại CHLB Đức, chuyên gia thiết kế ô tô từng làm việc tại hãng xe Volkswagen, trên thế giới nhiều nước như Đức, Mỹ,... không quy định niên hạn với ô tô con, xe máy để loại bỏ và thu hồi, vì nhiều chiếc xe cổ còn có giá trị gấp nhiều lần xe mới. Các nước đó loại bỏ xe cũ thông qua đăng kiểm, tức là với xe cũ, quy trình đăng kiểm rất chặt chẽ, đòi hỏi phải sửa chữa, thay thế nhiều linh kiện mới được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn lưu hành. Ai thấy nuôi xe cũ tốn kém thì tự phải loại bỏ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam làm điều này rất khó thực hiện được. Ngoài việc tác động đến đời sống người nghèo, việc đăng kiểm bắt buộc hàng năm còn gây ra phiền phức. Các trung tâm đăng kiểm thì quá tải khi phải triển khai với hàng triệu xe máy mỗi năm.
Việc thu hồi xe cũ rất khó khăn do người dân không tự giác và thường bán lại cho khách hàng vùng sâu, xa
Hơn nữa, ở các nước, ô tô, xe máy có giá bán rẻ và người dân chỉ coi đây là phương tiện đi lại, nên khi xe cũ, chi phí tốn kém họ sẵn sàng bỏ để mua xe mới. Còn tại Việt Nam, xe máy, ô tô vẫn được coi như tài sản khiến tâm lý không ai muốn bỏ đi tài sản của mình, trong khi giá xe mới khá đắt, không phải ai cũng đủ điều kiện để mua.
Trên thực tế, hiện với xe tải và xe chở người từ 10 chỗ trở lên đã có quy định về niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến hết năm 2014 có 120.000 xe cũ, trong đó có 80.000 xe tải, 40.000 xe khách đã hết niên hạn sử dụng phải thu hồi, loại bỏ nhưng đến nay vẫn không thể thu hồi, dù các chế tài rất đầy đủ.
Cục Đăng kiểm cho biết, khi xe hết niên hạn sử dụng, các xe này sẽ không được cấp đăng kiểm nữa và cơ quan này sẽ thông báo sang Bộ Công an. Bộ Công an căn cứ vào đó, thu hồi giấy phép xe, thu hồi biển số. Nhưng đến nay, việc thu hồi rất khó khăn và nhiều xe vẫn hoạt động trên đường, như vùng nông thôn nghèo, miền núi.
Từ 2015 trở đi, mỗi năm sẽ có khoảng 15.000 xe hết niên hạn sử dụng, cần loại bỏ nhưng việc thu hồi rất khó khăn do người dân không tự giác và thường bán lại cho khách hàng vùng sâu, xa để thu hồi vốn.
Do vậy, ngoài các quy định pháp luật về thu hồi, loại bỏ xe cũ, một số ý kiến cho rằng Chính phủ cần có chính sách khuyến khích người dân loại bỏ xe cũ bằng cách chi tiền mua lại xe cũ nát, hết hạn sử dụng hoặc hỗ trợ tiền để người dân mua xe mới sau khi loại bỏ xe cũ, có như vậy mới đem lại hiệu quả.
Theo Trần Thủy
Vef