Giảm sâu 25 tỷ xuống 10 tỷ, dân Việt chờ thời tung tiền chơi ôtô sang

Tiêu thụ xe sang tăng đều hàng năm. Trong tổng số kim ngạch 3 tỷ USD nhập khẩu ô tô nguyên chiếc năm 2019, riêng xe sang đã chiếm gần 1 tỷ USD. Có thể nói, người Việt ngày càng chi nhiều tiền cho xe sang.

Vung tiền sắm xe sang

Theo số liệu của các DN, năm 2019 có tới 10.300 xe sang được bán ra, chiếm 3,7% thị phần phân khúc xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Như vậy, tiêu thụ xe sang vẫn tăng đều hàng năm. So với năm 2018, khi doanh số đạt 9.200 xe, thị trường xe sang có sự tăng trưởng hơn 10%. Trong số này, Mercedes-Benz Việt Nam chiếm số lượng lớn, với doanh số bán đạt hơn 8.000 xe các loại.

Năm 2019, số lượng xe siêu sang nhập về nước cũng nhiều hơn so với năm 2018. Cụ thể, Rolls-Royce có 10 xe được nhập về Việt Nam, trong đó có 8 xe mới và 2 xe cũ; Bentley có 19 xe mới và 1 xe cũ; Maybach có 152 xe mới; Maserati có 38 xe mới; Jaguar 69 xe mới,...

Đáng quan tâm nhất trong dòng xe siêu sang là xe Maybach có doanh số bán khá cao. Cụ thể, Maybach S650 bán được 10 xe, S560 bán được 12 xe và S450 là 130 xe. Phiên bản Maybach S450 có giá 7,2 tỷ đồng được khách hàng Việt Nam lựa chọn nhiều nhất.

Giảm sâu 25 tỷ xuống 10 tỷ, dân Việt chờ thời tung tiền chơi ôtô sang - 1

Những chiếc xe sang đậu tràn trên đường phố Hà Nội

Các dòng xe sang có giá bán từ 1,8-4 tỷ đồng chiếm tỷ lệ lớn trong doanh số bán năm 2019. Những mẫu xe như GLC, E-Class, C-Class của Mercedes; Seri 3, Seri 5, X1, X2 của BMW; A4, Q5 của Audi hay ES, RX, NX, của Lexus,... thu hút rất nhiều khách hàng. Riêng mẫu GLC có giá từ 1,8-3 tỷ đồng của Mercedes-Benz Việt Nam đạt doanh số bán hơn 3.000 chiếc.

Một số thương hiệu xe sang khác như Lexus, BMW,... cũng có sự tăng trưởng tốt. Lexus bán được 1.511 xe, còn BMW hơn 1.000 xe. 

Trong tổng số kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 3 tỷ USD năm 2019, riêng xe sang đã chiếm gần 1 tỷ USD. Có thể nói, người Việt ngày càng chi nhiều tiền cho xe sang.

Theo nghiên cứu của hãng Wealth-X, số người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên tại Việt Nam tăng gần 13% mỗi năm. Giàu nhanh khiến cho tiêu thụ phô trương bùng nổ. Người giàu Việt Nam rất chịu chơi, sẵn sàng chi tiền tỷ để tậu xe sang. Chẳng hạn như Maybach, kể từ khi ra mắt tại Việt Nam đầu năm 2015 đến nay, dòng xe này luôn dẫn đầu Đông Nam Á về doanh số bán, cho dù thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình khu vực.

Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nơi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Các thành phố tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và trở nên giàu có hơn trong những năm tới. Không những thế, việc phát triển ở các địa phương đã sản sinh một tầng lớp trung lưu, phân tán rất nhanh chóng tới những đô thị nhỏ hơn và thậm chỉ là cả nông thôn. Đây chính là cơ sở giúp doanh số bán xe sang đảm bảo sự tăng trưởng về lâu dài.

Nhận định của các DN cho thấy, thị trường xe sang 2020 sẽ còn sôi động và tăng trưởng cao hơn 2019 do thu nhập của người dân được nâng lên, số lượng người giàu tăng và nhập khẩu ô tô thông thoáng hơn.

Giá xe sang có giảm?

Nhiều ý kiến dự báo năm 2020 giá xe sang khó giảm, ngược lại có thể còn tăng với một số sản phẩm, nếu chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi. Một số nguồn tin cho hay, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dòng xe ô tô được đề xuất nâng lên “ở mức hợp lý”.

Giảm sâu 25 tỷ xuống 10 tỷ, dân Việt chờ thời tung tiền chơi ôtô sang - 2

Xe sang nhập khẩu về Việt Nam ngày càng nhiều

Hiện thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500cm3 trở xuống là 35%, từ 1.500-2.000cm3 là 40%, từ 2.000-2.500cm3 là 50%, từ 2.500-3.000cm3 là 60% và từ 3.000cm3 trở lên là 90-150%. Nếu thuế tăng thì xe thành xe nhập khẩu nguyên chiếc nói chung, trong đó có cả xe sang, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Năm 2020, Hiệp định thương mại EU - Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Theo cam kết, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho ô tô nhập khẩu từ châu Âu với thuế suất ưu đãi 0% sau 10 năm. Thuế suất cơ sở với xe con trong đàm phán EVFTA là 78% (xe có dung tích xi lanh dưới 3.0L) và 74% (xe có dung tích xi lanh trên 3.0L). Như vậy, bình quân một năm sẽ phải giảm thuế nhập khẩu 7%.

Nhưng Việt Nam đang áp dụng thuế ưu đãi tối huệ quốc MFN mức 70% với dòng xe con có dung tích xi lanh dưới 2.5L và 52% với dòng xe con có dung tích xi lanh trên 2.5L. Các DN nhập khẩu sẽ chọn thuế MFN trong thời gian đầu do thấp hơn thuế suất cơ sở EVFTA. Vì vậy, phải sau 3 năm thực hiện EVFTA trở đi, thuế nhập khẩu giảm thấp dần thì xe sang nhập từ châu Âu về mới được hưởng lợi.

Với xe sang sản xuất lắp ráp trong nước, có thể sẽ được hưởng lợi ngay nếu chính sách ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện mua trong nước được áp dụng. Cùng với đó, theo cam kết EVFTA, thuế nhập khẩu linh kiện cũng giảm dần về 0% sau 7 năm. Thuế giảm, giá xe cũng có điều kiện giảm ngay từ năm đầu tiên.

Xe sang chủ yếu nhập khẩu từ châu Âu, trong khi đời sống ngày càng được nâng cao và thuế nhập khẩu theo cam kết EVFTA lại giảm dần về 0% chắc chắn sẽ có nhiều người bỏ xe bình dân để lên đời xe sang.

Theo ước tính, một chiếc xe sang giá 30.000 USD nhập nguyên chiếc từ châu Âu về Việt Nam bán khoảng 1,65 tỷ đồng; sau 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, có thể giảm khoảng 200 triệu đồng, sau 10 năm khi thuế nhập khẩu giảm về 0% thì giảm được 400 triệu đồng so với hiện nay.

Còn một chiếc xe siêu sang có giá khai báo 300.000 USD hiện giá bán khoảng 1,25 triệu USD tương đương 25 tỷ đồng. Nhưng sau 4 năm, tính từ khi EVFTA có hiệu lực, sẽ giảm khoảng 50.000 USD. Khi thuế giảm về 0%, chiếc xe này giảm tới trên 400.000 USD tương đương 10 tỷ đồng.

Theo Trần Thuỷ

Vietnamnet