Fiat Chrysler cần Renault hay Nissan?
(Dân trí) - Cuộc đàm phán sáp nhập thu hút sự quan tâm của tất cả giới kinh doanh giữa Renault và Fiat Chrysler đã nhanh chóng thất bại, với nguyên nhân chính được cho là do thái độ hờ hững của một bên thứ 3 vô cùng quan trọng - hãng xe Nhật Bản Nissan.
Mặc dù Nissan không được đối tác liên doanh Renault tham khảo ý kiến về đề xuất sáp nhập mà Fiat Chrysler Automobiles (FCA) đưa ra, nhưng thái độ miễn cưỡng, dè chừng của hãng xe Nhật Bản được cho là đã góp phần dẫn tới thất bại đầy bất ngờ của các cuộc đàm phán.
Nissan có "bảo bối" trong lĩnh vực công nghệ xe điện và xe hybrid mà Fiat Chrysler muốn có được, bất chấp việc vị thế của hãng xe Nhật Bản đã suy giảm đáng kể sau vụ bắt giữ cựu CEO Carlos Ghosn hồi năm ngoái và năng lực tài chính tuột dốc.
Hôm thứ 5 tuần trước, Hội đồng quản trị Renault đã nhóm họp mà không thể đi tới một cuộc bỏ phiếu quyết định về đề xuất sáp nhập của Fiat Chrysler - vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Volkswagen AG của Đức và Toyota Motor Corp của Nhật Bản.
Trong khi chính phủ Pháp, cổ đông lớn nhất của Renault với 15% cổ phần, đã yêu cầu có thêm thời gian để thuyết phục Nissan, thì Chủ tịch của Fiat Chrysler, ông John Elkann đã đột ngột rút lại lời đề nghị sáp nhập.
Mặc dù các nhà phân tích cho rằng việc khôi phục các cuộc đàm phán không phải là không thể, nhưng niềm tin giữa các bên dường như đã rạn nứt.
Ông Katsuya Takuechi, nhà phân tích cấp cao của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities tại Tokyo, cho rằng: "Các công ty khác đã phạm sai lầm khi đánh giá thấp cái lắc đầu của Nissan".
Renault và Fiat Chrylser nhấn mạnh sự hợp lực đến từ việc chia sẻ các bộ phận và chi phí nghiên cứu là lợi ích của việc sáp nhập. Nhưng điều mà Fiat Chrysler thiếu và thực sự muốn lại là "công nghệ điện khí hóa". Trong bối cảnh các quy định về khí thải trên thế giới ngày càng trở nên khắt khe hơn, việc có được công nghệ như vậy là rất quan trọng.
"Mặc dù không lên tiếng, lập trường thận trọng của Nissan đối với việc sáp nhập cuối cùng lại có tác động lớn", theo ông Takeuchi.
Nissan từ lâu đã chống lại sức ép từ Renault về việc sáp nhập hoàn toàn. Truyền thông Nhật Bản cho biết, Renault hy vọng rằng sức mạnh vận động hành lang của mình đối với Nissan sẽ được tăng cường đáng kể sau thương vụ sáp nhập với Fiat Chrysler.
Tuy nhiên, sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán với Fiat Chrysler cũng đồng nghĩa với việc, Renault sẽ tập trung nhiều hơn vào việc sáp nhập với Nissan, theo tờ Asahi.
Chia sẻ với báo giới hôm thứ 5 tuần trước, CEO Hiroto Saikawa của Nissan cho biết ông muốn có thêm thời gian để tìm hiểu xem việc sáp nhập giữa Fiat Chrylser và Renault sẽ có ý nghĩa gì đối với Nissan. Ông cũng nhắc lại các điều kiện của mình về việc sáp nhập hoàn toàn với Renault và nhấn mạnh rằng Nissan cần phải chuyển hướng kinh doanh trước.
Về phía Fiat Chrysler, hãng này đã viện dẫn "các điều kiện chính trị tại Pháp" để làm lý do cho việc rút lại lời đề nghị với Renault. Chính phủ Pháp cho biết đã đặt ra 4 điều kiện cho thỏa thuận này và trong đó, điều kiện nhận được sự hưởng ứng từ Nissan đã không được đáp ứng. Các điều kiện khác bao gồm duy trì việc làm và hoạt động của nhà máy tại Pháp; tôn trọng sự cân bằng trong quản trị giữa Renault và Fiat Chrysler, và đảm bảo sự tham gia vào một sáng kiến về pin điện với Đức.
Ông Michelle Krebs, chuyên gia phân tích của Autotrader tại Detroit thừa nhận việc đề xuất hình thành một liên minh khổng lồ là rất phức tạp. "Không ai kỳ vọng rằng cuộc đàm phán này sẽ giống như một cuộc dạo chơi hay được thực hiện một cách dễ dàng. Nhưng điều gây bất ngờ duy nhất, là nó đã kết thúc quá sớm."
Lạc Diệp
Theo Autoblog