Dự thảo xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt:

Đúng luật nhưng phải khả thi

Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến của các ngành về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế các Nghị định 71, 34 trong lĩnh vực đường bộ, Nghị định 44, 156 trong lĩnh vực đường sắt).

Tước GPLX nếu đi không đúng phần đường, làn đường

 

Hiện vấn đề đã được đưa ra “mổ xẻ” nhiều nhất là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX), xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định hay hành vi đội MBH có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm (MBH) nhưng không có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo theo quy định khi tham gia giao thông trên đường...

 

Xử phạt hành chính vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên đường Liễu Giai - Ảnh: Quỳnh Anh
Xử phạt hành chính vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên đường Liễu Giai - Ảnh: Quỳnh Anh

 

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), nên quy định lại thời hạn tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ hành nghề; đồng thời bỏ hình thức tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không thời hạn cho phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1/7/2013). Nên quy định cụ thể thời hạn đình chỉ hoạt động là một tháng, 2 tháng, 3 tháng cho phù hợp với quy định của Luật. Về ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ quy định tước quyền sử dụng GPLX đối với hành vi đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình, quy định về biển hiệu, phù hiệu của xe kinh doanh vận tải, Ban soạn thảo cho rằng cần quy định áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX đối với các hành vi vi phạm nói trên vì các hành vi vi phạm này là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ.

 

Liên quan đến một vấn đề vẫn đang được dư luận đặc biệt quan tâm là chuyển quyền sở hữu phương tiện, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho biết: “Các Nghị định trước đây đều đã quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, trong thực tế việc chủ sở hữu không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện đã gây nhiều khó khăn cho quá trình xác định hành vi của người điều khiển phương tiện và điều tra giải quyết TNGT. Do vậy, đề nghị nên đưa hành vi này vào Dự thảo Nghị định trình Chính phủ".

 

Trong khi đó, bàn về việc Dự thảo Nghị định bổ sung xử phạt hành vi đội MBH có kiểu dáng giống MBH nhưng không có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo theo quy định khi tham gia giao thông trên đường, theo bà Trịnh Minh Hiền - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), điều này không khả thi. “Trong thực tế, kể cả tem còn bị làm giả thì không có lý do gì để không thể làm giả 3 bộ phận này. Do đó, chỉ cần quy định là xử phạt hành vi "không đội MBH", còn thế nào là MBH thì Bộ KH&CN đã quy định rõ” - bà Hiền nói.

 

Không đủ căn cứ pháp lý không đưa vào Nghị định

 

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước hết phải đúng luật nhưng phải có tính khả thi và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Những gì luật không quy định, tức là không có căn cứ pháp lý thì không đưa vào Nghị định và không giải thích trong Nghị định. Nhưng, có căn cứ pháp lý mà tính khả thi không cao và dễ bị lợi dụng thì cũng không đưa vào. Chẳng hạn như mức phạt tiền, Nghị định 71/NĐ-CP đã nâng lên rồi, lần này sửa đổi lại nâng tiếp là không phù hợp thực tiễn nên phải rà soát lại và không nâng lên nữa.

 

Đối với một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Vấn đề chuyển quyền sở hữu phương tiện, dù có căn cứ pháp lý nhưng nếu đưa vào cũng dễ dẫn đến lạm dụng, tranh cãi, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Bộ GTVT với tư cách là chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sẽ báo cáo với Chính phủ, nhưng sẽ chưa đưa hành vi này vào Dự thảo Nghị định. Quan điểm của Bộ là do mô tả hành vi chưa rõ, không khả thi thì không áp dụng được. Đối với vấn đề quy định xử phạt hành vi đội MBH có kiểu dáng giống MBH nhưng không có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo theo quy định khi tham gia giao thông trên đường, theo Bộ trưởng, ngay cả 3 bộ phận này cũng còn bị làm giả, trong khi để xác định thật giả lại khá phức tạp, thậm chí phiền hà, do đó tạm thời cũng không đưa quy định hành vi này vào Dự thảo Nghị định. Trong khi đó, về vấn đề tước quyền sử dụng GPLX, đề nghị vẫn để thời gian giữ đến 24 tháng đối với một số hành vi vi phạm, bởi trong thực tế có những hành vi vi phạm (chẳng hạn như lái xe nghiện ma túy) cần phải có một mức phạt nặng để răn đe, ngăn chặn.

 

Theo Dự thảo Nghị định, trong lĩnh vực giao thông đường bộ có 56 hành vi và nhóm hành vi; trong lĩnh vực giao thông đường sắt có 35 hành vi và nhóm hành vi đã được sửa đổi, bổ sung hoặc mô tả lại để làm rõ hơn bản chất các hành vi vi phạm. Dự thảo Nghị định cũng đã quy định tăng mức xử phạt tiền của 25/137 nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và tăng mức phạt tiền của 23/78 nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt. Đồng thời, quy định 39 nhóm hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện có mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt cùng hành vi vi phạm do cá nhân thực hiện đối với cả đường bộ - đường sắt.

 

Theo Thanh Hòa

Kinh tế & đô thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm