Detroit: 13 sự kiện tệ hại nhất 2006
(Dân trí) - 2005 đã từng bị than phiền là năm đen đủi nhất của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, nhưng năm 2006 thậm chí còn nhiều sự kiện “nhớ đời” hơn. Đã thế, năm vẫn chưa hết, tết vẫn chưa đến...
Dù vậy, tạp chí BusinessWeek vẫn nhanh tay tổng kết được 13 sự kiện được coi là đen tối nhất trong 10 tháng đầu năm, mà “nạn nhân chính” chẳng phải là ai khác ngoài “Big Three” của Detroit - 3 ông lớn dẫn đầu ngành xe hơi Mỹ.
1. Xăng dầu tăng giá liên tục
Thời điểm: tháng 1
Giá dầu thế giới càng tăng, “Big Three” càng bị các đối thủ Nhật Bản bỏ xa. Đây cũng là nguyên nhân khiến GM, Ford, Chrysler buộc phải cắt giảm sản lượng dòng xe gia đình và SUV - một thời là niềm tự hào của xe Mỹ.
2. Chrysler đổi thương hiệu Dodge Durango
Thời điểm: tháng 1
... và thay bằng cái tên lạ hoắc Chrysler Aspen. Nguyên nhân vì sao phải đổ tiền cho vụ thay tên đổi họ tốn kém này? Không ai biết.
3. Dòng tải nhẹ thất thu
Thời điểm: tháng 1- nay
Lượng xe bán ra trong 2 quý đầu năm 2006 của dòng tải nhẹ đã tụt xuống 1,4 triệu chiếc trong khi năm ngoái con số này là 1,6 triệu. Một cơ hội lớn bị bỏ lỡ - theo các nhà phân tích, bởi ngay sau đó, giá xăng dầu leo thang và các loại chi phí hạch toán tài chính đã khiến người tiêu dùng đắn đo thận trọng hơn nhiều trước khi bỏ tiền ra thay xe mới.
4. Jeep Compass
Thời điểm: tháng 1
Có người nói Jeep Compass chẳng khác gì “con cừu đen lạc loài” - một vụ đầu tư thất bại không thể chối cãi. Sự thật phũ phàng: ngay cả Commander thô kệch cũng bán chạy hơn hẳn Compass.
5. Lincoln Zephyr đổi tên thành MKZ
Thời điểm: tháng 2
Zephyr chưa hẳn đã là cái tên hay nhất, dù vậy nó vẫn còn có nghĩa hơn nhiều so với 3 chữ cái viết tắt MKZ.
6. GM và Ford cắt giảm nhân công hàng loạt
Thời điểm: tháng 3 - tháng 9
Theo đúng bài bản của chiến dịch tái cơ cấu và cải tổ, GM và Ford lần lượt cho “về hưu non” hàng chục nghìn công nhân tại các nhà máy. Chẳng hiểu việc này sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ, và sẽ giữ cho vết thương tài chính “cầm máu” được trong bao lâu.
7. Chrysler: lại chiến dịch “Bán xe cho nhân viên với giá rẻ”
Thời điểm: tháng 6
Đề xuất ý tưởng năm 2005, Chrysler hy vọng nếu chiến dịch này không đem lại lợi nhuận thì chí ít cũng tăng doanh số. Tuy nhiên thực tế đã nhấn chìm đại gia này trong thất vọng. Bất chấp mức giảm giá đặc biệt, nhân viên vẫn không hứng khởi mua thêm xe là bao.
8. Chiến dịch Dr. Z
Thời điểm: tháng 6
Cho dù tâm phục khẩu phục Tổng giám đốc tập đoàn DaimlerChrysler AG và CEO Dieter Zetsche đến mấy, vẫn không thể chối bỏ “Dr. Z” là một chiến dịch... kém thành công. Chưa dám khẳng định đây là một trong những nguyên nhân khiến Chrysler thất thu, nhưng rõ ràng nó chẳng giúp cải thiện tình hình được mấy.
9. Kirk Kerkorian - kẻ “xúi giục” liên minh GM-Renault-Nissan
Thời điểm: tháng 6
Cổ đông “bự” nhất tập đoàn GM - đại tỷ phú Kirk Kerkorian - chính là người đầu tiên nảy ra ý tưởng liên minh và đứng sau hậu trường dàn xếp bằng mọi “thủ đoạn”. Rốt cuộc, chưa biết là may hay rủi, nhưng General Motors - Renault - Nissan vĩnh viễn không bao giờ liên kết thành một khối.
10. Ford cắt giảm sản lượng Hybrid
Thời điểm: tháng 6
Tổng giám đốc khi đó là Bill Ford đã quyết định rút lại lời hứa cho xuất xưởng 250.000 xe hybrid cho đến cuối năm 2010 và chẳng ngại ngần thừa nhận: Ford không đủ khả năng bán hết số xe đó.
11. Giá cổ phiếu Ford dưới mức 6,50 USD
Thời điểm: tháng 7
Ford Motor, một thời từng là một trong những công ty hùng mạnh nhất Wall Street đã phải ngậm ngùi nhìn giá trị của mình trên thị trường “teo” lại còn vẻn vẹn 13 tỷ USD, chỉ bằng 7% Totyota.
12. Toyota bứt phá
Thời điểm: tháng 8
Năm ngoái, Toyota đã qua mặt Ford về tổng sản lượng và co vẻ như cứ theo đà này, năm nay GM sẽ phải nếm mùi “hít khói”. Tháng 8 vừa qua, đại gia quyền lực nhất xứ Phù Tang tiết lộ con số doanh thu đáng kinh ngạc: tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2005, trong khi sản lượng thì tăng 11%. Các tên tuổi châu Á khác như Honda, Suzuki, Hyundai... cũng ngày càng tỏ mặt “anh tài”.
13. Chrysler lỗ 1,5 tỷ USD
Thời điểm: tháng 9
Doanh số giảm 10% trong nửa năm đầu 2006, sản lượng giảm 16% so với kế hoạch đầu năm... đã dẫn đến con số thất thu như một hậu quả tất yếu. Người ta nghi ngại trong tương lai không xa, Chrysler lại bước vào“vết xe đổ” của Ford và GM với những chiến lược đóng cửa nhà máy, cắt giảm nhân công trong vô vọng.
Khôi Vinh
Theo BusinessWeek