Dán nhãn năng lượng có làm tăng giá xe?
Từ ngày 1/1/2015, xe ô tô từ 7 chỗ trở xuống, loại lắp ráp hoặc nhập khẩu mới, phải có nhãn năng lượng dán trên kính xe trước khi bán ra thị trường. Liệu điều này có làm phát sinh chi phí hoặc giá xe sẽ bị đội lên như một số người lo ngại?
Dán nhãn bảo vệ người tiêu dùng
Từ 1/1/2015, xe ô tô mới từ 7 chỗ trở xuống phải dán nhãn năng lượng khi bán ra thị trường. (Ảnh: Hồng Anh)
Thông tư liên tịch số 43 ngày 24/9/2014 của Liên Bộ GTVT và Công thương quy định việc dán nhãn tiêu thụ năng lượng đối với xe ô tô dân dụng loại từ 7 chỗ trở xuống, được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Nhãn năng lượng nhằm minh bạch hóa thông tin về mức độ tiêu thụ nhiên liệu/100 km trên cùng một phương pháp, chu trình thử thống nhất và có sự kiểm soát của cơ quan quản lý, các thông tin này cũng được thể hiện trong tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng kèm theo xe.
Theo quy định, nhãn năng lượng do nhà sản xuất tự in, sau khi được Cục Đăng kiểm VN xác nhận và dán trên kính xe trước khi bàn giao đến tay người mua. Lộ trình thực hiện là từ ngày 1/1/2015 đối với các kiểu - loại xe lắp ráp, nhập khẩu mới.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm VN và Vụ Môi trường (Bộ GTVT), việc thử nghiệm nhằm xác định mức tiêu thụ nhiên liệu của xe cho phép được thực hiện kết hợp với thử nghiệm khí thải (hiện đang được áp dụng khí thải mức EURO 2 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ nhiều năm nay) để hạn chế phát sinh thêm chi phí thử nghiệm. Việc làm này nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Bởi khi mua xe họ sẽ biết được chính xác mức độ tiêu hao nhiên liệu theo một phương pháp, chu trình thử thống nhất và có kiểm soát. Trước đây, các công bố của nhà sản xuất dựa trên nhiều phương pháp, chu trình đo khác nhau nên không thể so sánh được.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết: “Việc dán nhãn năng lượng để tránh việc doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu công bố mức tiêu thụ nhiên liệu của ô tô không đúng với một phương pháp đo, chu trình thử thống nhất cũng như độ tin cậy của số liệu. Khi thực hiện quy định này, người mua xe có cơ sở để tham khảo, so sánh mức tiêu thụ nhiên liệu của các loại xe, các hãng sản xuất. Hãng sản xuất, nhà nhập khẩu... chỉ phải trả phí khi kiểm tra dán tem năng lượng một lần cho cùng một kiểu - loại xe (có thể sản xuất hàng nghìn chiếc), còn người sử dụng xe không phải nộp phí”.
Hãng xe đề xuất có lộ trình phù hợp
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ford Việt Nam cho biết, đơn vị đã kiến nghị Cục Đăng kiểm VN chấp thuận kết quả tự công bố của các nhà sản xuất từ tập đoàn của mình theo tiêu chuẩn toàn cầu. Nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về các số liệu công bố của mình.
Còn ông Tomohiro Maruno, Giám đốc Điều hành lĩnh vực kinh doanh ô tô của Honda VN cho biết: “Chúng tôi đồng tình với quy định dán nhãn năng lượng của Bộ GTVT. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình phù hợp. Cơ quan chức năng nên tham khảo kết quả thử nghiệm về tiêu thụ nhiên liệu mà các nhà sản xuất, nhập khẩu xe hơi đã có theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Trong khi đó, TS. Phạm Xuân Mai, Cố vấn khoa học công nghệ của Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO) cho rằng, Nhà nước không nên thử nghiệm lại mức tiêu thụ nhiên liệu vì nước ngoài đã thử nghiệm trong điều kiện tốt hơn. Nên để các nhà nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp ô tô tự đăng ký nhãn năng lượng theo thông tin của chính hãng và chịu trách nhiệm về việc này.
“Có điểm khác biệt là mức tiêu thụ nhiên liệu do Việt Nam thử nghiệm đều chỉ được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm. Thực tế vận hành sẽ có sai khác so với khi sử dụng phụ thuộc vào tình hình đường sá, lưu thông, trình độ lái xe của tài xế, thời tiết… Do vậy, người tiêu dùng sẽ xem thông số trên nhãn này chỉ có tính tương đối và để tham khảo”, TS. Mai nêu vấn đề.
Cơ quan quản lý khẳng định không phát sinh chi phí
Ông Nguyễn Đông Phong, Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết: “Trong quá trình xây dựng thông tư, ban soạn thảo đã dự thảo theo hướng kết hợp việc đo tiêu thụ nhiên liệu với thử nghiệm khí thải, đồng thời cũng thừa nhận các kết quả thử nghiệm khác nếu phù hợp với các quy định kỹ thuật của Việt Nam. Nhìn trên tổng thể, chi phí sẽ không phát sinh đáng kể cho nhà sản xuất, nhập khẩu khi thực hiện chương trình dán nhãn năng lượng. Cụ thể, từ trước đến nay, các mẫu xe trước khi sản xuất hàng loạt đều phải thử nghiệm khí thải. Tới đây sẽ kết hợp thử “hai trong một”, tức là số liệu về tiêu thụ nhiên liệu có thể kết xuất từ phép thử khí thải. Còn lệ phí cấp Giấy chứng nhận mức độ tiêu thụ nhiên liệu của xe được cấp cho mỗi kiểu - loại xe là khoảng 100 nghìn đồng/giấy”.
Ông Phong cho biết thêm, đối với người sử dụng xe cũng không phát sinh thêm chi phí. Việc quy định dán nhãn trên chỉ nhằm công khai hóa mức tiêu thụ nhiên liệu trên cùng một phương pháp, chu trình thử thống nhất trên cơ sở có sự kiểm soát của cơ quan quản lý, giúp người tiêu dùng có thông tin tin cậy để lựa chọn. Nhà quản lý có căn cứ tin cậy để hoạch định hướng tới những kiểu - loại phương tiện có mức tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả trong tương lai.
Theo Vụ Môi trường (Bộ GTVT), chứng nhận dán nhãn năng lượng của xe được tiến hành đồng thời với chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại Thông tư số 30 và Thông tư số 31 của Bộ trưởng GTVT. “Do vậy, việc chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu để dán nhãn năng lượng, thực hiện yêu cầu của Luật Năng lượng, không làm phát sinh chi phí, cũng không phát sinh thêm thủ tục cho các nhà sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô. Mong rằng với thông tin này, người tiêu dùng sẽ lựa chọn được sản phẩm tối ưu để sử dụng”, lãnh đạo Vụ Môi trường nói.
Theo Hồng Xiêm
Giao thông vận tải