Cuộc chiến giá xe 2018: Nội hay ngoại giành ưu thế sau mốc 1/1?
Trên thị trường ôtô Việt Nam những tháng cuối năm, nhiều khách hàng phản ánh họ bất ngờ bị huỷ đơn đăng ký mua xe nhập từ nước ngoài. Lý do đằng sau việc này là gì?
Xe nhập, phân vân giữa lợi ích và chính sách
Đại diện Ford Việt Nam xác nhận, đã có yêu cầu các đại lý ngưng nhận đặt hàng hai mẫu xe Ford Ranger và Explorer vì hãng chưa có đủ nguồn cung.
Do đó, trong quý 1/2018, hàng sẽ khan hiếm và chưa thể dám chắc được các mẫu xe này được nhập về thế nào trong quý 2 hay quý 3/2018.
Hãng còn cho biết, nguyên nhân khan hiếm là do Nghị định 116 với những quy định ngặt nghèo về nhập khẩu xe ôtô vào Việt Nam.
Toyota Việt Nam cũng dự báo, nhiều loại xe nhập khẩu khác cũng bị ảnh hưởng, lớn nhất là các mẫu xe Fortuner, Yaris và Wigo.
Thực tế, nhiều đại lý Toyota đã phải đàm phán lại với khách đặt các mẫu xe mới, do không thể đảm bảo trước thời gian chính xác xe sẽ được thông quan.
Đại diện Honda Việt Nam cũng cho biết chưa thể nói trước về thời điểm những lô CR-V tiếp theo về nước. Cụ thể, nếu những quy định chi tiết tại Nghị định 116 được làm rõ ngay cuối năm 2017 thì ít nhất đầu tháng 3/2018, công ty mới có hàng.
Một số hãng khác có nguồn xe nhập từ Thái Lan cũng "án binh bất động" cho rằng bị vướng mắc giấy tờ liên quan đến Nghị định 116.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đang giảm mạnh. Trong tháng 11/2017, chỉ có 590 chiếc xe các loại trên được nhập về, so với hơn 6.700 chiếc nhập cùng kỳ năm trước.
Nhưng không chỉ Nghị định 116, bài toán cân đo lợi ích doanh nghiệp có thể là một cách lý giải khác cho tình trạng "án binh bất động" nêu trên. Bởi, năm 2017, thuế nhập khẩu xe từ ASEAN về Việt Nam vẫn là 30%, trong khi từ đầu năm 2018 sẽ giảm về 0% với điều kiện tỷ lệ nội địa hoá 40%. Như vậy, nhiều khả năng các hãng xe không dại gì nhập khẩu xe trong năm 2017 và chịu thuế 30%, để năm 2018 không cạnh tranh được về giá.
Trong khi đó, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), cũng xác nhận có tình trạng doanh nghiệp tạm dừng nhập trong những tháng cuối năm 2017 do lo ngại chênh lệch thuế dẫn đến chênh lệch giá bán.
"Ngay Thaco cũng không cớ gì đi nhập khẩu xe trong năm 2017 để đóng thuế 30%, sau đó qua năm 2018 lại cạnh tranh với chính mình khi chỉ chịu thuế nhập khẩu 0%. Hiện đa số vẫn chào xe rồi nhận đặt hàng sau 1/1/2018", ông Dương nói.
Gần đây một số doanh nghiệp liên tục kiến nghị lên Chính phủ về việc khó khăn trong nhập khẩu ôtô do Nghị định 116 gây ra, chẳng hạn như phải làm đường thử, giấy chứng nhận kiểu loại, thử nghiệm với từng lô xe nhập khẩu… Ông Dương cho rằng các doanh nghiệp này đang cố tình làm khó việc ban hành chính sách.
Nhưng, có lẽ đây cũng là một phép thử, đối với sự kiên định của Chính phủ về chính sách.
Mặt khác, theo một số phân tích, bài toán cân đo lợi ích của các doanh nghiệp ôtô đối với xe nhập cũng giống như một con dao hai lưỡi, khi có nguy cơ mất thị phần về lâu dài nếu như tình trạng huỷ đơn khách hàng tiếp tục kéo dài, khiến khách hàng tìm về các loại xe lắp ráp, sản xuất trong nước.
Xe trong nước hiện không khan hiếm, và cũng có cơ hội giảm giá vì từ năm 2018, thuế nhập khẩu hàng trăm linh kiện cũng được giảm về 0%.
Xe nội, đầu tư lớn mới có thể giảm giá sâu
Là người đứng đầu doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và phân phối xe lớn nhất lại thị trường Việt Nam, ông Trần Bá Dương nhận định, năm 2018 là cột mốc với thị trường ôtô, khi thuế nhập khẩu xe từ ASEAN (đáp ứng đủ 40% nội địa hóa) về 0%.
"Công thức đánh thuế ở Việt Nam là thuế chồng thuế. Tức là xe nhập về, sẽ áp thuế nhập khẩu. Rồi đánh thuế thu đặc biệt trên giá xe nhập cộng thuế nhập khẩu. Tiếp tục, xe sau khi được cộng hai loại thuế trên sẽ được lấy làm giá tính thuế VAT... Thành ra khi thuế nhập khẩu về 0% và giá thành xe giảm rất đáng kể", ông Dương nói.
Do vậy, "nếu không bán hết, sang năm giảm thuế, sẽ có nguy cơ lỗ nên các hãng xe thi nhau giảm giá. Và thực tế, các doanh nghiệp đã giảm giá đến mức bằng với giá khi tính thuế nhập khẩu 0%. Thực tế, Toyota, Thaco cũng đưa bảng giá 2018 áp dụng cho năm nay".
"Tôi nghĩ rằng mức giá của 2018 là cái giá cuối cùng, từ đó có thể đi lên. Một số mẫu xe ở một số hãng giảm giá là để giải quyết hàng tồn của của mẫu cũ, sắp tới sẽ có model mới. Ví dụ với Mazda CX-5, chúng tôi cũng nhanh chóng bán mẫu cũ để chuyển sang model mới", ông Dương nói.
Quả thực, từ tháng 11 vừa qua, nhiều hãng ôtô tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng giá bán năm 2018 cho hàng loạt mẫu xe lắp ráp trong nước như Toyota, Ford, Thaco, Hyundai Thành Công… Dù người dân kỳ vọng nhiều về giá xe sẽ giảm mạnh ngay đầu năm 2018, nhưng với bảng giá xe mới này, giá mới chỉ giảm nhẹ vài chục triệu đồng với các dòng xe "hot".
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, với chính sách bảo vệ thị trường trong nước, phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt, các doanh nghiệp "ngược dòng" như Thaco, Hyundai Thành Công hay mới đây nhất là Vinfast đã và đang đầu tư lớn cho ngành này sẽ có cơ hội giảm giá xe lớn hơn, nhờ những ưu đãi của Chính phủ.
"Theo đúng nguyên tắc thì tự sản xuất, nội địa hoá càng cao thì giá thành càng rẻ. Đặc biệt, Bộ Tài chính mới đây đã thống nhất phương án miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần nội địa hoá tức các phụ tùng, linh kiện được sản xuất trong nước. Thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện cũng được giảm về 0% theo Nghị định 125 của Chính phủ".
"Giá xe đến tay người tiêu dùng được cấu thành từ hai yếu tố, giá thành sản xuất và các loại thuế phí. Với việc ưu đãi về thuế, các loại xe của sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có ưu thế về giá so với xe nhập khẩu", ông Quang nói.
Phân tích thêm, ông Quang nhìn nhận, các chính sách cho ngành ôtô hiện nay đã "sáng suốt" hơn, khi phân định ranh giới rõ ràng giữa những doanh nghiệp thực sự tâm huyết, đầu tư lớn để ưu đãi, chứ không ưu đãi chung cho tất cả, để dẫn đến cuối cùng là thất bại chung như trước đây.
Theo An Nhiên
Vneconomy