Chỉ uống một cốc bia, lái xe có bị xử phạt về nồng độ cồn?
(Dân trí) - Không ít người vẫn quan niệm rằng nếu chỉ uống ít bia/rượu thì vẫn đủ tỉnh táo để lái xe an toàn và không vi phạm pháp luật. Điều này liệu có đúng?
Uống bao nhiêu bia sẽ bị phạt về nồng độ cồn?
Việt Nam có quy định cụ thể về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo đó, đối với phương tiện ô tô, lái xe tuyệt đối không được phép sử dụng rượu bia; còn đối với xe máy và motor, con số cho phép là không vượt quá 50mg/100ml máu hoặc dưới 0,25mg/1L khí thở.
Như vậy, về cơ bản thì đã uống bia, rượu là không được phép lái ô tô. Sẽ không có chuyện uống ít hoặc uống nhưng "cảm thấy đủ tỉnh táo" nên vẫn điều khiển xe hơi.
Tuy nhiên, ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển xe máy và motor như trong quy định khá khó hình dung, vì với bia rượu mọi người vẫn quen với đơn vị cốc, lon, hoặc chai... Không phải ai cũng biết uống bao nhiêu thì sẽ vượt mức pháp luật cho phép.
Nhiều người vẫn cho rằng phải uống 5-6 lon bia thì mới có thể bị phạt về nồng độ cồn, còn uống khoảng 2 lon hoặc 2 cốc sẽ không sao. Vậy mức quy đổi là như thế nào?
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml); 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml); 1 vại bia hơi (330ml); hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml).
Như vậy, để không bị thổi phạt về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy và motor không nên uống quá 2 đơn vị uống chuẩn, tương đương với 1,5 lon bia hoặc 2 ly rượu.
Ngoài ra, nồng độ cồn trong máu/khí thở còn phụ thuộc vào cả các yếu tố như: cân nặng của người uống, tốc độ uống, thời gian uống và loại đồ uống.
Về mặt khoa học, nồng độ cồn, dù ở mức nào cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thần kinh, gây thiếu tỉnh táo, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn.
Mức xử phạt về nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Theo luật pháp Việt Nam, hành vi lái ôtô sau khi đã uống bia/rượu bị cấm hoàn toàn; mức phạt có thể lên tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX), và thậm chí là phạt tù 15 năm nếu gây tai nạn nghiêm trọng. Mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy thấp hơn.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
Bao lâu sau khi uống rượu, bia thì được lái xe?
Ngay cả các chuyên gia, bác sĩ cũng không thể nói chính xác bao lâu sau khi uống rượu bia thì trong máu và hơi thở không còn nồng độ cồn. Lý do là thời gian này phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: liều lượng, loại bia rượu, nồng độ bia rượu, thời gian uống kéo dài bao lâu, uống lúc đói hay lúc no... Chỉ có một điều chắc chắn là càng uống nhiều bia rượu thì nồng độ cồn trong cơ thể càng cao.
Ngoài ra, nồng độ cồn còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý của từng người. Có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không.
Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất thêm 1-2 giờ nữa.
Những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Theo tính toán, sau 6-12 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong máu, sau 12-24 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong khí thở, sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu, và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.
Hiện nay, cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo bằng ống thở. Như vậy, ít nhất 24h sau khi uống rượu, bia bạn hãy lái xe. Điều này đồng nghĩa với việc nếu tối hôm trước bạn uống bia rượu thì ngày hôm sau đừng lái xe.