Cặp xe cổ từ thời Vua Bảo Đại

Hai chiếc xe vẫn giữ được kết cấu nguyên thủy và có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Mất công về tận Sóc Trăng, hai chàng trai trẻ ở TPHCM đã hết sức bất ngờ và sung sướng khi mua được chiếc Macon 65 tuổi đặc biệt quý hiếm còn nguyên bản cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Dương Trọng Tín vốn là thuyền trưởng xà lan chuyên vận tải hàng các tỉnh miền Tây. Anh thường đem theo chiếc Mobylette để chạy việc. Chính điều này đã khiến một người bán tạp hoá trên sông chú ý. Sau khi trò chuyện, biết anh đam mê xe cổ, người phụ nữ này đã giới thiệu anh với một ông lão cần bán xe ở Sóc Trăng.

Cặp xe cổ từ thời Vua Bảo Đại - 1

Cặp xe cổ từ thời Vua Bảo Đại - 2
Chiếc Macon Koehler-Escoffier, loại S.6.V lắp động cơ 125 phân khối sản xuất năm 1944


Một ngày đầu tháng 3, Tín và Nguyễn Thành Lân, một người bạn cùng đam mê sở thích, quyết định lên đường tìm xe. Phải mất ba ngày từ TPHCM, hết đi đường bộ lại đến đường thuỷ, lội theo các con nước lớn nhỏ, hai người mới đến được khu làng hẻo lánh, nơi có chiếc xe cổ 65 tuổi đời, mang trong mình biết bao câu chuyện lịch sử.

 

Sau những câu chuyện xã giao, ông chủ nhà dẫn Tín và Lân ra chuồng heo sau nhà. Chiếc Macon Koehler-Escoffier, loại S.6.V lắp động cơ 125 phân khối sản xuất năm 1944, nằm ngủ dưới tấm bạt nhựa màu xanh nằm trong góc cùng với đống đồ lỉnh kỉnh của nhà nông. Qua bao nhiêu tay người cầm lái và lưu giữ, chiếc xe từ một chàng hoàng tử bảnh bao ngày nào giờ đã rạn nứt hoen gỉ bạc màu như một cụ già khắc khổ. Nhìn chiếc xe, Tín xúc động vô cùng vì cảm nhận thời gian dường như hoá thành thảm bụi trùm kín chiếc mô-tô cổ. Xót xa cho món đồ quý hiếm, Tín và Lân nhanh chóng đưa chiếc xe ra sân, ngồi ngắm nghía vuốt ve.

 

Là thợ sửa xe máy nhiều kinh nghiệm, Lân lập tức kiểm tra tổng quát chiếc xe ở các khớp nối, đinh ốc… và tất bật tháo bánh trước đi xa tận 2 km để bơm căng vì loại săm này không thể dùng bơm tay. Nhìn hai thanh niên chăm chút cho chiếc xe, ông lão chủ nhà nở nụ cười mãn nguyện vì chắc rằng chiếc xe đã được giao lại cho người biết quý trọng giá trị của nó. Trong nắng chiều dần tắt, Lân và Tín tiếp tục đánh vật với chiếc xe để đưa nó vượt qua con đường bùn đất xen lẫn rơm cỏ. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trong lòng họ rộn lên niềm vui khôn tả khi ngắm chiếc xe vẫn còn rất liền lạc. Niềm hạnh phúc nhân lên gấp bội khi ông lão bán xe giới thiệu cho họ người thân tại TPHCM để mua tiếp một chiếc mô-tô cổ Macon Monet & Goyon (loại S.3.G.D) 100 phân khối sản xuất năm 1936, đồng thời gửi cho họ ống pô và quan trọng nhất là toàn bộ giấy tờ gốc của chiếc Koehler-Escoffier.


Cặp xe cổ từ thời Vua Bảo Đại - 3


Cặp xe cổ từ thời Vua Bảo Đại - 4

Chiếc Macon Monet & Goyon (loại S.3.G.D) 100 phân khối sản xuất năm 1936

 

Quá trình mua chiếc xe thứ hai cũng lắm gian truân. Lân và Tín phải đón rước ông cụ từ Sóc Trăng lên TPHCM thuyết phục người thân đồng ý bán xe, đồng thời truy tìm giấy tờ xe bị cháy do người này đốt. May mắn là vết cháy không lớn nên nhiều nội dung quan trọng thể hiện trong tờ giấy vẫn còn (chữ ký, dấu mộc đỏ, biển số xe, số sườn…).

 

Cả hai chiếc mô-tô sử dụng xăng pha nhớt này đều có nhiều điểm đặc trưng của xe cổ như: dàn khung sườn dạng xe đạp; cùm ga kiểu vặn trượt trên ghi-đông (xe đời mới thiết kế vặn cuốn); không có cụm công-tơ-mét; không có ổ khoá khởi động mà sử dụng công tắc, công tắc này hiện đã hỏng nên việc nổ máy thực hiện bằng cách mở khoá bình xăng con và đạp cần khởi động, khi muốn dừng chạy thì kéo le để xe ngộp xăng sẽ “tự động” tắt máy. Tuy nhiên, điều khá hấp dẫn là yên ngồi, khoá xăng, biển số, săm lốp, mác thông số kỹ thuật nhà sản xuất đính trên thân xe… đều còn nguyên thuỷ.

 

Bộ truyền động nhông xích đĩa có các răng không mòn lắm, chứng tỏ xe không phải chạy nhiều hoặc tải nặng. Tuy vậy, hệ thống phanh đã hỏng khá nặng và không xe nào có đèn xi-nhan, gương chiếu hậu, hệ thống phuộc nhún hoàn chỉnh. Riêng chiếc Macon Monet & Goyon có bộ phận sang số thiết kế khá lạ mắt, là hộp số tay 3 nấc gắn bên phải bình xăng như xe hơi và liên kết với động cơ chỉ bằng một dây xích truyền động. Phần khớp nhựa xoay điều chỉnh các thanh giằng chắn bùn và khung của phần bánh trước còn tốt, nhưng tiếc là cặp ống pô và ống bơm cầm tay gin đã thất lạc vĩnh viễn. Trông “lành lặn” hơn nên chiếc Macon Koehler-Escoffier còn giữ được ống bơm cầm tay gin và cả Thẻ đăng bộ xe gắn máy với nội dung có dấu mộc đỏ ký ngày 28/10/1968.


Cặp xe cổ từ thời Vua Bảo Đại - 5

“Đối với chúng tôi, việc tìm mua được hai chiếc xe nêu trên thực sự là cơ duyên trời cho và có lẽ cả đời này không bao giờ lặp lại”, Tín và Lân cười nói. Họ thống nhất giữ xe ở tình trạng nguyên bản, không phục chế bất cứ chi tiết nào. Lân nhấn mạnh: “Trải qua ngần ấy thời gian chúng vẫn giữ được kết cấu nguyên thuỷ và giá trị lịch sử vô giá thì không lý gì mình lại tân trang”.

 

Lý lịch chiếc Macon Koehler-Escoffier (trích lược theo giấy tờ gốc):

 

- Cơ quan đại biểu Hoàng đế Bảo Đại đối với các nhân viên chủ chốt an ninh: Chứng thực (có đóng mộc) đã nhận một tờ khai vào ngày 12/1/1952, trong đó ông Thái Văn Mạnh, sinh ngày 3/8/1916 tại Sài Gòn, cư ngụ Đà Lạt, khai là chủ sở hữu chiếc mô-tô biển số 394D3, hai chỗ ngồi, tên nhà sản xuất là Koehler & Escoffier (Macon), loại xe D9-S6V, số máy 3405, số sườn 7130, động cơ 1 xi-lanh dung tích 125 phân khối.

 

- Tờ khai đã được đăng ký tại Văn phòng các loại ô tô thuộc Sở Công chánh, mang số 117 (Đà Lạt ngày 13/1/1952).

 

Lý lịch chiếc Macon Monet & Goyon (trích lược theo giấy tờ gốc):

 

- Cơ quan đại biểu Hoàng đế Bảo Đại đối với các nhân viên chủ chốt an ninh: Chứng thực (có đóng mộc) đã nhận một tờ khai vào ngày 18/4/1952, trong đó ông Thái Văn Được, sinh ngày 9/7/1923 tại Sài Gòn, cư ngụ Đà Lạt, khai là chủ sở hữu chiếc mô tô biển số 686Q23, hai chỗ ngồi, tên nhà sản xuất là Monet & Goyon (Macon), loại xe S3GD, số máy 16400, số sườn 16271, động cơ 1 xi-lanh dung tích 100 phân khối.

 

- Tờ khai đã được đăng ký tại Văn phòng các loại ô tô thuộc Sở Công chánh, mang số 741 (Đà Lạt ngày 19/4/1952).

 

Theo Xe & Đời sống