Bộ Tài chính giải đáp về phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện

Sau khi Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được ban hành, dư luận có nhiều băn khoăn xung quanh cơ sở xác định mức phí, cách sử dụng, việc triển khai thu, tiêu chuẩn hộ nghèo...

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã chính thức đưa ra giải đáp.

 

Bộ Tài chính giải đáp về phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện
Phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện dùng để bảo trì đường bộ, không sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng mới...

 

Đảm bảo công bằng

 

Theo Bộ Tài chính, việc xác định mức thu phí đối với các loại phương tiện dựa trên căn cứ mức thu phí qua trạm và tương quan mức thu giữa các loại xe quy định tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ của Bộ Tài chính.

 

Đơn cử như xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi, phí 1 lượt xe qua trạm là 10.000 đồng, với khoảng cách trạm là 70km thì số phí tính theo km tương ứng gần 150 đồng/km. Mức thu tại Thông tư 197 được xác định ở mức 100 đồng/km và mức độ sử dụng xe bình quân tháng là 1.300km thì mức thu đối với xe này là 130.000 đồng/tháng. Các loại xe còn lại, căn cứ trọng tải của xe và phân nhóm, mức thu như thu phí xe qua trạm để quy định mức thu.

 

Đánh giá sự công bằng trong việc áp dụng thu phí theo đầu phương tiện, Bộ Tài chính cho rằng, các phương án thu phí sử dụng đường bộ đều có ưu, nhược điểm nhất định và khó có phương án nào đảm bảo công bằng tuyệt đối.

 

Trước đây, lệ phí giao thông đã từng được thu qua xăng dầu (Nghị định số 186/NĐ-CP ngày 7/12/1994 của Chính phủ về thu phí giao thông qua giá xăng dầu) nhưng do có nhiều bất cập như phải loại trừ xăng dầu dùng cho sản xuất, vận tải đường không, vận tải đường thủy...

 

Năm 2001, việc thu phí chuyển sang phương thức qua trạm, tuy nhiên, theo phương thức này, chỉ có xe đi qua trạm mới phải nộp phí (số lượng trạm có hạn) nên cũng chưa đảm bảo công bằng.

 

Qua phân tích ưu, nhược điểm của các phương án nêu trên, Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định thu phí theo đầu phương tiện, vì vậy, những quy định về phương thức thu phí của Thông tư số 197/2012/TT-BTC là hướng dẫn thực hiện Nghị định 18.

 

Đối với một số trường hợp xe không sử dụng được, Thông tư cũng đã có quy định xe không chịu phí như: xe bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; bị tịch thu hoặc bị tai nạn phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên, đồng thời, có quy định miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo, xe cứu thương, cứu hoả...

 

Kiểm soát việc tự khai

 

Đối với ô tô, có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính quy định xe không hoạt động vì bất kỳ lý do nào cũng không phải nộp phí, doanh nghiệp hoặc chủ phương tiện tự khai. Trường hợp xe không đi đăng kiểm phải được hiểu là tạm dừng hoạt động mà không phải đóng phí vì nếu không kiểm định mà lưu hành thì đã bị xử phạt hành chính về lỗi không kiểm định và lỗi không nộp phí.

 

Giải đáp vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, nếu cho phép DN tự khai xe không hoạt động thì không thể kiểm soát được, cơ quan thu phí không thể kiểm tra việc khai đúng, khai sai, dễ phát sinh tiêu cực trong thực hiện.

 

Hơn nữa, quy định hiện hành không bắt buộc chủ xe phải đăng kiểm đúng thời hạn, xe cũng không bị phạt khi đăng kiểm chậm, xe không đăng kiểm vẫn lưu hành chỉ khi bị công an phát hiện thì mới bị xử phạt.

 

Lực lượng công an chỉ tuần tra kiểm soát giao thông trên một số tuyến đường chính, không thể giám sát toàn bộ các tuyến đường cũng như kiểm soát tất cả các loại phương tiện đã thực hiện đăng kiểm hay không.

 

Do đó, Thông tư 197 quy định xe ô tô không chịu phí trong các trường hợp sau: bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; bị tịch thu; bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.

Hiện nay, để thực hiện chính sách an sinh xã hội liên quan đến hộ nghèo (trợ cấp kinh phí, cho vay ưu đãi, miễn giảm thuế, phí...), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đã ban hành hướng dẫn xác định đối tượng hộ nghèo làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Từ đó, các địa phương đã lập danh sách hộ nghèo trên địa bàn, vì vậy, việc xác định hộ nghèo để miễn phí sử dụng đường bộ đối với xe máy là thuận lợi, vẫn theo danh sách đã được xác lập.

 

Đối với xe máy, Bộ Tài chính chia sẻ, việc triển khai thu phí đối với xe máy năm đầu tuy có khó khăn nhất định do xã, phương chưa có số liệu thống về số lượng xe máy có trên địa bàn, tuy nhiên, phường, xã có thể tổ chức cho tổ dân phố, thôn, xóm triển khai hướng dẫn các hộ trên địa bàn thực hiện việc kê khai tương tự như kinh nghiệm đã có trong thực hiện một số khoản thu đã giao tổ dân phố, thôn xóm tổ chức hướng dẫn kê khai, thu nộp (như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).

 

Trên cơ sở số liệu kê khai, xã, phường có thể thống kê lượng phương tiện hiện có để làm căn cứ thu phí và làm cơ sở cho việc thực hiện các năm sau mà không cần phải yêu cầu các hộ phải kê khai lại mà chỉ phải khai biến động tăng, giảm phương tiện.

 

Nguồn thu phí đóng vai trò quan trọng cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ
 

Bộ Tài chính nhận định, hệ thống giao thông đường bộ nước ta hiện nay còn hạn chế. Nhu cầu nguồn kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng là rất lớn, trong khi nguồn kinh phí chưa được đáp ứng, một số đoạn đường xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời. Vì vậy, nguồn thu phí đóng vai trò quan trọng cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ, kịp thời sửa chữa những đoạn đường bị xuống cấp, đảm bảo an toàn giao thông.

 

Trên cơ sở số thu phí, Quỹ bảo trì đường bộ sẽ sử dụng để đầu tư bảo dưỡng, bảo trì đường bộ (tránh xuống cấp) và người nộp phí sẽ được sử dụng đường bộ ổn định, an toàn.

 

Bên cạnh đó, theo Đề án của Bộ Giao thông vận tải khi xây dựng Nghị định 18, khi thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, các trạm thu phí nộp NSNN sẽ bị bãi bỏ. Đối với các trạm đã chuyển quyền thu phí, trạm thu phí BOT thì đến khí hoàn vốn đầu tư sẽ xóa bỏ. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang trình Thủ tướng Chính phí phương án xóa bỏ các trạm thu phí ngay khi bắt đầu thu theo đầu phương tiện.

 

Nhấn mạnh mục đích sử dụng, Bộ Tài chính cho biết, phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện dùng để bảo trì đường bộ, không sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng mới, chỉ bảo trì đường NSNN, không bảo trì đường BOT. Đối với các dự án BOT, doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư xây dựng các đoạn đường mới tốt hơn, chủ phương tiện được sử dụng đường tốt hơn nên việc giữ trạm BOT để thu phí hoàn vốn đầu tư xây dựng là cần thiết và không trùng lắp.

 

Theo Hồng Vân

Báo Hải quan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm