Bệnh vặt của ô tô cũ: Cửa kính bị kẹt đúng ngày nồm ẩm, phải làm sao?

Mùa nồm ẩm ướt, việc cửa kính ô tô cũ bỗng dưng "đình công" khiến không ít người dùng "khóc dở, mếu dở" khi bật nút nâng hạ không có tác dụng.

Kể lại tình huống "dở khóc, dở cười" của mình, anh Nguyễn Văn Ngọc (phố Thành Công, Hà Nội) cho biết, tuần trước đúng hôm trời mưa, anh lái chiếc KIA Morning đời 2008 ra sân bay đón người nhà, khi qua chốt soát vé, bỗng dưng cửa kính bên lái bị "đơ", không tài nào hạ kính xuống được để trả tiền vé. Cuối cùng, anh phải mở cửa bên lái, đội mưa xuống đưa tiền trực tiếp cho nhân viên soát vé.

"Trước đó mấy ngày, tôi bấm nút hạ kính đã thấy hơi rơ, cửa kính lên từ từ, thậm chí muốn lên khít phải dùng tay đẩy thêm. Định bụng khi nào nghỉ phép ở nhà sẽ đem xe đi kiểm tra. Không ngờ đúng hôm mưa gió nó lại lăn đùng ra hỏng", anh Ngọc nói.

Bệnh vặt của ô tô cũ: Cửa kính bị kẹt đúng ngày nồm ẩm, phải làm sao? - 1

Cửa kính bị kẹt khiến người dùng ô tô cảm thấy phiền phức, nhất là những ngày mưa gió.

Trao đổi với VietNamNet về trường hợp xe của anh Ngọc, kỹ sư ô tô Huỳnh Trọng Nhân - Chủ gara ô tô Trọng Nhân (Vĩnh Tuy, Hà Nội) nhận định, thời gian này ở miền Bắc thường có mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí rất cao, không gian kín như ô tô cũng xuất hiện hiện tượng nồm. Nếu xe bị hỏng chức năng lên xuống của kính cửa sổ sẽ rất phiền phức.

"Cấu tạo cửa kính điện ô tô gồm mô-tơ điều khiển và bộ phận nâng/hạ với đòn nâng kết hợp cơ cấu đòn chữ X. Hiện tượng kính lên/xuống chậm khi bấm công tắc, hoặc chập chờn rồi ngừng là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc phải kiểm tra bên trong cơ cấu kính cửa xe", anh Nhân nói.

Bệnh vặt của ô tô cũ: Cửa kính bị kẹt đúng ngày nồm ẩm, phải làm sao? - 2

Cấu tạo cụm lên xuống kính gồm mô-tơ điện và bộ khung chữ X.

Bên cạnh hiện tượng nhìn thấy bằng mắt, người dùng cũng có thể phán đoán hư hại thông qua âm thanh rè rè phát ra mỗi khi bấm nút điều khiển kính. Khi cửa kính phát ra âm thanh này, có thể mô-tơ sắp hỏng hoặc kính kẹt do bánh răng mòn, nứt hoặc gãy theo thời gian.

Ngoài ra, do cơ cấu lên xuống kính dạng khung đỡ, lực kéo từ mô-tơ sẽ phải qua dây cáp nên nếu dây này bị đứt hoặc kẹt bởi dầu và bụi bẩn thì có thể làm cửa kính xe ô tô bị kẹt theo. Cùng với đó, khi xe ít sử dụng, đỗ ngoài trời nhiều, kính xe dễ bị kẹt do đệm cửa "lão hóa", nhiều cặn bẩn hoặc bị lệch.

Bệnh vặt của ô tô cũ: Cửa kính bị kẹt đúng ngày nồm ẩm, phải làm sao? - 3

Muốn kiểm tra hoặc thay thế cơ cấu lên xuống kính cần phải tháo toàn bộ ta-pi cửa và kiểm tra bên trong nên sẽ khó khăn với người dùng bình thường.

Theo anh Nhân, việc sửa và khắc phục cơ cấu lên xuống kính cửa ô tô rất nhanh và đơn giản, nhưng vẫn cần mang đến gara bởi còn liên quan đến cách lắp đặt để cửa kính vận hành trơn tru. 

Đầu tiên, sau khi tiếp nhận xe, người thợ sẽ làm động tác "test - thử nhanh" bằng cách tháo cụm điều khiển cũ và lắp tạm một bộ tương tự đang hoạt động tốt, sau đó bấm lên/xuống.

Nếu cửa kính không có phản hồi, người thợ sẽ kiểm tra cầu chì để chẩn đoán về nguồn điện cung cấp cho cụm mô-tơ lên/xuống kính. Sau khi loại trừ về nguồn điện, người thợ mới tiến hành bước tiếp theo là tháo ta-pi cửa để lộ toàn bộ cơ cấu khung cửa.

Bệnh vặt của ô tô cũ: Cửa kính bị kẹt đúng ngày nồm ẩm, phải làm sao? - 4

Cửa kính hoạt động tốt là phải đáp ứng gần như ngay lập tức thao tác điều khiển của người dùng.

Tiếp đến, bằng mắt quan sát, người thợ sẽ đánh giá xem hệ thống dây có bị kẹt không? Ngoài ra kiểm tra xem hệ thống dây còn hoạt động tốt không, có bị nứt, hay đứt không? Đệm lót cửa có bị lệch, hay hư hỏng cần thay thế hay không?

Cuối cùng, kiểm tra mô-tơ cửa, nếu không hoạt động hay hoạt động yếu thì nên thay mô-tơ mới. Chi tiết này ở các dòng xe như KIA Morning không quá đắt, chỉ khoảng 900 ngàn đến 1 triệu đồng. Với các dòng xe cao cấp hơn, giá có thể lên trên 2 triệu đồng. 

Có thể thấy, việc hỏng cơ cấu lên/xuống kính thường xảy ra với xe đời cũ hoặc xe có thời gian sử dụng lâu dài nhưng ít vệ sinh, bảo dưỡng kính. Khi chức năng lên xuống kính bị hỏng, nhất là trong thời tiết nồm ẩm dễ gây hiện tượng mờ kính, sẽ khó lấy không khí bên ngoài nên người dùng có thể tạm khắc phục bằng cách sử dụng điều hòa hoặc chức năng sấy kính (nếu có).

Theo vietnamnet.vn