Bài học từ Nissan Việt Nam

Làm khó mình, làm khó người - có thể nói như vậy với trường hợp của Công ty Nissan Việt Nam trong vụ việc bị truy thu thuế linh kiện xe ô tô NK.

Cửa gió hàng ghế thứ hai với thiết kế nhỏ gọn


Là liên doanh được phép NK và lắp ráp các sản phẩm của Nissan tại Việt Nam từ rất sớm (năm 2009), song mô hình hoạt động của Công ty TNHH Nissan Việt Nam (NVL) lại khá đặc biệt. Thay vì đầu tư nhà máy lắp ráp sản phẩm Nissan tại Việt Nam, NVL đã chọn phương án NK bộ linh kiện rồi “thuê” Công ty TNHH Liên doanh Ô tô Hòa Bình (VMC) thực hiện lắp ráp. Tiếng là “thuê” lắp ráp, nhưng trên giấy tờ, mô hình này lại được thực hiện theo phương thức: NVL nhập khẩu linh kiện rồi bán cho VMC để lắp ráp thành xe nguyên chiếc và sau đó lại mua lại xe nguyên chiếc đã được VMC lắp ráp.

Và để sản phẩm lắp ráp đúng tiêu chuẩn Nissan toàn cầu, NVL cũng đã phải bỏ ra khoảng 2,5 triệu USD để nâng cấp các trang thiết bị phục vụ cho lắp ráp xe Nissan tại VMC, cũng như cử các chuyên gia Nhật Bản đến giám sát chất lượng sản phẩm tại VMC.

Tại thời điểm đó, không rõ lãnh đạo NVL có biết mô hình hoạt động đặc biệt này của mình sau này đã đem lại không ít rắc rối liên quan đến việc áp mức thuế NK bộ linh kiện.

Theo quy định, bộ linh kiện ô tô muốn được phân loại và được áp dụng mức thuế suất thuế NK ưu đãi quy định cho từng linh kiện, DN phải thỏa mãn đủ 2 điều kiện. Trong đó có điều kiện “DN đảm bảo tiêu chuẩn DN SXLR ô tô theo quy định của Bộ Công Thương”. Và quy định của Bộ Công Thương là: DN phải đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô theo đúng các tiêu chuẩn đề ra.

Năm 2012, cơ quan Hải quan đã kiểm tra sau thông quan với NVL, đối chiếu theo quy định nhận thấy vì không đầu tư nhà máy lắp ráp sản phẩm, do đó NVL không đủ điều kiện để được hưởng mức thuế NK ưu đãi cho từng linh kiện. Theo đó bộ linh kiện DN NK phải áp mức thuế xe nguyên chiếc. Số thuế phải truy thu ước tính lên tới 500 trăm tỷ đồng. Một con số mà không chỉ DN thấy choáng váng, mà cơ quan quản lý cũng thấy bất ngờ.

Chiếu theo quy định đã ban hành, việc cơ quan Hải quan ra các quyết định ấn định thuế là điều không có gì phải bàn.

Song xét cụ thể về nhiều tiêu chí như thời gian, bối cảnh, quá trình thực hiện... cho thấy trường hợp của NVL khá đặc biệt, khiến các cơ quan quản lý đã phải mất rất nhiều thời gian để xem xét, cân nhắc.

Tuy không đầu tư nhà máy, nhưng trên thực tế NVL cũng đã phải đầu tư tiền của và nhân lực cho VMC để lắp ráp sản phẩm.

VMC lắp ráp linh kiện do NVL nhập khẩu và sản phẩm lại được chính NVL mua lại toàn bộ. Nhà máy lắp ráp của VMC đủ tiêu chuẩn được phép lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương. Việc hợp tác giữa hai DN này nếu thay vì “thuê” lắp ráp (hay bán linh kiện rồi mua sản phẩm) mà là “liên doanh” hợp tác lắp ráp sản xuất sản phẩm thì có lẽ việc NVL “không đáp ứng các quy định” (ở đây là không có nhà máy đạt tiêu chuẩn của Bộ Công Thương) sẽ không xảy ra. Thực tế chúng ta đều hiểu, về bản chất việc này không có gì khác nhau.

Một điểm nữa được ghi nhận là năm 2012, NVL đã nhanh chóng đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp tại Đà Nẵng.

Chính vì vậy các cơ quan quản lý đã mất không ít thời gian để trao đổi, bàn bạc về trường hợp này. Quan điểm của Bộ Tài chính thì chính sách thuế cần thống nhất đối với mọi hình thức NK (NK trực tiếp, NK ủy thác hoặc NK kinh doanh để bán cho cơ sở sản xuất lắp ráp đều được hưởng cách tính thuế như nhau). Quan điểm này đã được Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải thống nhất. Nhưng quan điểm này cần được thể hiện trong các văn bản qui định. Và tại thời điểm NVL nhập khẩu linh kiện rồi đi “thuê” lắp ráp thì quy định nêu rõ các điều kiện để DN được hưởng thuế NK ưu đãi theo linh kiện.

Đối với trường hợp cụ thể của NVL, nếu chiếu đúng quy định tại thời điểm DN nhập khẩu hàng hóa thì việc truy thu thuế là hợp lý. Nhưng như đã nói, để việc truy thu thuế được chính xác, đảm bảo quyền lợi cũng như hỗ trợ DN phát triển, Bộ Tài chính hiện đang yêu cầu cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, xác định rõ hàng loạt các vấn đề cụ thể như: VMC có đảm bảo tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô; độ rời rạc của bộ linh kiện mà NVL nhập khẩu có đáp ứng theo quy định; hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán, phiếu nhập kho, giao dịch kinh doanh, thực tế việc chuyển giao linh kiện và lắp ráp ô tô mang thương hiệu Nissan... tại VMC với NVL.

Kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan sẽ là cơ sở để xác định mức thuế NK mà DN phải nộp.

Từ vụ việc của NVL cho thấy, tìm hiểu, nắm vững và chấp hành các quy định của nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh là trách nhiệm của DN. Lựa chọn cho mình một mô hình hoạt động “riêng” mà không tìm hiểu kỹ các quy định dẫn tới tự làm khó mình, đồng thời làm khó cơ quan quản lý như trường hợp NVL là bài học không chỉ cho riêng DN này. 

Theo H.P (Báo Hải quan)

Tâm lí đợi chờ