10 quyền lực trong ngành ô tô thế giới năm 2007
(Dân trí) - Người tiêu dùng thường chỉ biết các mác xe cụ thể mà ít chú ý đến những nhân vật quyền lực thực sự đứng sau thành công và cả thất bại của một nhà sản xuất ô tô, đôi khi là một đế chế hùng mạnh, như GM hay Daimler.
Tạp chí chuyên ngành uy tín MotorTrend của Mỹ đã bình chọn 10 nhân vật đáng chú ý nhất trong ngành công nghiệp ô tô thế giới năm 2007. Một số trong đó góp mặt trong Top 10 nhân vật quyền lực nhất thế giới ô tô năm 2007, như Jim Press, Rick Wagoner hay Ferdinand Piech.
Trong khi đó, một số khác là những người đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực trong suốt một năm vừa qua, với những quyết định mang tính bước ngoặt đối với các nhà sản xuất ô tô lớn, hay thậm chí là đối với toàn ngành công nghiệp ô tô của một khu vực, khi đó là quyết định về giới hạn nồng độ khí thải của xe thương mại.
10. Jim Press - Phó Chủ tịch Tập đoàn Chrysler
Năm 2007, ông Jim Press đã đưa ra một quyết định lớn là rời bỏ vị trí Chủ tịch điều hành Toyota khu vực Bắc Mỹ để về đầu quân cho Chrysler. Quyết định này được đưa ra không lâu sau khi ông trở thành thành viên đầu tiên không mang quốc tịch Nhật Bản trong hội đồng quản trị của Toyota. Ông Press đã gắn bó với tập đoàn ô tô lớn nhất Nhật Bản, và trong tương lai là lớn nhất thế giới, trong suốt 37 năm qua và được coi là người có công lớn trong việc củng cố vị trí của hãng tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Giới phân tích cho rằng sự ra đi của Jim Press là một mất mát lớn đối với Toyota.
9. Nghị sỹ John Dingell - Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ
Xuất thân từ ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, hạ nghị sỹ John Dingell đã phản đối đề suất của các đồng nghiệp về việc áp dụng các mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình mới, chặt chẽ hơn nhiều so với hiện nay, đối với xe thương mại tại Mỹ từ năm 2020. Mặc dù không thành công nhưng tiếng nói mạnh mẽ của ông thực sự được các nhà sản xuất ô tô Mỹ chú ý. Mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình đối với xe thương mại tiêu thụ tại Mỹ từ năm 2020 khá ngặt nghèo - 6,72 lít/100km, với các mức cụ thể khác nhau áp dụng cho từng dòng xe.
8. Dave Richards - Người đứng đầu nhóm các nhà đầu tư mua lại Aston Martin
Ông là người đại diện cho nhóm các nhà đầu tư Trung Đông trực tiếp tham gia đàm phán với Ford để mua lại hãng sản xuất ô tô thể thao danh tiếng gốc Anh quốc Aston Martin. Dave Richards là tay đua ô tô cự phách một thời và hiện là ông chủ của đội đua nổi tiếng Prodrive.
7. Ed Welburn - Phó Chủ tịch General Motors, phụ trách thiết kế toàn cầu
General Motors (GM) đang đứng trước một năm mới, 2008, đầy rẫy khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, không thể phủ nhận công lớn của người phụ trách hoạt động thiết kế toàn cầu của GM, người đã chỉ đạo việc thiết kế lại các mẫu Cadillac CTS, Chevy Malibu và Camaro bước đầu nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường, giúp GM ít nhất là trụ vững trong năm 2007.
6. Alan Mulally - Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Ford
2007 không phải là một năm làm ăn thuận lợi của các nhà sản xuất ô tô nói chung và Ford nói riêng, nhưng với ông Mulally thì có thể coi đây là một năm thành công. Đầu tiên là ông đã thuyết phục được Jim Farley từ “đế chế” Toyota. Chưa kịp ổn định lại đội ngũ nhân sự cấp cao sau khi bị Chrysler “dụ” mất Jim Press và Deborah Wahl Meyer, Toyota lại phải chứng kiến sự ra đi của Farley - Phó Chủ tịch Lexus. Chủ tịch Mulally của Ford coi Jim Farley như “của hiếm”.
Tiếp đến là việc ông khiến Phố Wall phải ngỡ ngàng khi “bảo vệ” được Ford với mức lỗ thấp hơn so với dự tính.
5. Bob Nardelli - Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Chrysler
Cựu CEO Bob Nardelli của Tập đoàn Home Depot quyết định đặt mình vào thách thức mới khi nhận lời về làm CEO của Chrysler sau khi tập đoàn này bị tách khỏi DaimlerChrysler để về tay công ty quản lý vốn tư nhân Cerberus. Ông đã cho Giám đốc PR Jason Vines về hưu non sau khi ông này để lộ với báo chí tin tức nội bộ về mức lỗ dự kiến khoảng 1,6 tỷ USD của Chrysler trong năm 2007. Ngay từ khi còn ở General Electric (GE) và Home Depot, ông Nardelli đã nổi tiếng là một vị lãnh đạo lạnh lùng và cứng rắn, đặt hiệu quả công việc lên trên hết.
4. Ferdinand Piech - Chủ tịch Ủy ban kiểm soát của Tập đoàn Volkswagen
Trong khi ông chủ Wendelin Wiedeking của Porsche vẫn ấp ủ tham vọng thâu tóm Volkswagen thì Chủ tịch Ủy ban kiểm soát của tập đoàn xe hơi Đức này, ông Piech, lại là người “giật dây” Wiedeking. Ông Piech hy vọng thống lĩnh thị trường ô tô châu Âu với bộ ba quyền lực Porsche-VW-Audi, cùng với một số phân nhánh của VW và Audi.
3. Ron Gettelfinger - Chủ tịch Nghiệp đoàn ô tô Mỹ (UAW)
Các bản hợp đồng về điều kiện lao động mà Ron Gettelfinger đàm phán ký kết với 3 “ông lớn GM, Ford và Chrysler của ngành công nghiệp ô tô Mỹ sẽ giúp “bộ tam” tăng thêm khả năng cạnh tranh, đồng thời chứng tỏ quyền lực không thể chối cãi của UAW.
2. Rick Wagoner - Chủ tịch kiêm CEO của GM
GM đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn. Việc tập đoàn trụ vững được như hiện nay có công lớn của “thuyền trưởng” Wagoner, người đã đốc thúc việc thiết kế mẫu Corvette ZR1, một “mãnh hổ” mới trong thế giới siêu xe.
1. Dieter Zetsche - Chủ tịch Tập đoàn Daimler
Quý ông Zetsche bắt đầu năm 2007 bằng việc phủ nhận tin bán Chrysler, để rồi sau đó 1 tháng đã chính thức xác nhận việc này với giới truyền thông. Đến giữa năm, ông là người trực tiếp đặt bút ký vào hợp đồng chuyển nhượng Chrysler cho công ty quản lý vốn tư nhân Cerberus. Như vậy là ông Zetsche đã chứng kiến đầy đủ sự hình thành và tan rã của liên minh DaimlerChrysler.
Nhật Minh
Theo MotorTrend