1. Dòng sự kiện:
  2. Đại hội Đảng bộ Bộ Nội vụ

Xem xét bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư xã

Thanh Tùng

(Dân trí) - Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành quy định về việc bố trí nhân sự cấp ủy tại các xã, phường mới theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời đưa ra một số tiêu chí cụ thể trong công tác nhân sự.

Việc bố trí nhân sự tại các Đảng bộ xã, phường mới có thể xem xét Tỉnh ủy viên đảm nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy cấp xã. 

Trong trường hợp đặc biệt, nếu Đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế lớn, hạ tầng giao thông - đô thị phát triển, nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc địa bàn đặc biệt khó khăn thì có thể bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư Đảng ủy cấp xã. 

Xem xét bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư xã - 1

Một góc trung tâm thành phố Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Trong quá trình sắp xếp các chức danh chủ chốt, có thể xem xét bố trí Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy hoặc Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố giữ các chức vụ chủ chốt tại xã, phường mới, với điều kiện không thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nơi cán bộ này đang công tác.

Phấn đấu bố trí Bí thư cấp ủy xã và Chủ tịch UBND xã không là người địa phương, nhằm bảo đảm tính khách quan, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành.

Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu việc sắp xếp, bố trí cán bộ tại các xã, phường phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá tổng thể thực trạng đội ngũ cán bộ của tỉnh, bám sát quy hoạch cán bộ, lấy cán bộ lãnh đạo - quản lý hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay làm nòng cốt cho các đơn vị cơ sở mới.

Cần kết hợp nguồn cán bộ tại chỗ với việc luân chuyển, điều động cán bộ từ các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh về cơ sở và ngược lại.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh đã được quy hoạch vào chức danh cao hơn nhưng chưa từng kinh qua công tác cơ sở cần được bố trí về cơ sở để rèn luyện, nâng cao năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xem xét bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư xã - 2

Trụ sở UBND - Thành ủy thành phố Thanh Hóa (Ảnh: UBND thành phố Thanh Hóa).

Trong quá trình bố trí, có thể điều động cán bộ giữa các xã, phường trong cùng huyện, thị, thành phố, hoặc giữa các địa phương cấp huyện để bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đặc biệt quan tâm việc xem xét, lựa chọn, phân công và bố trí công tác đối với các cán bộ là Ủy viên Ban Chấp hành cấp huyện, cấp xã, nhất là các Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy xã hiện nay có trình độ đào tạo cơ bản, năng lực nổi trội, để đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo tại các xã, phường mới.

Ngoài ra, có thể thực hiện điều động, biệt phái cán bộ, công chức từ các huyện, xã, phường vùng đồng bằng, đặc biệt là cán bộ có trình độ chuyên môn về khoa học - kỹ thuật, công nghệ, để bổ sung cho các xã miền núi trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Có thể bố trí cán bộ, công chức từ cơ quan cấp tỉnh về cấp xã. Đối với các xã miền núi cao, xã biên giới, có thể nghiên cứu tăng cường cán bộ quân đội làm Bí thư, Phó Bí thư hoặc Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy.

Trong thời gian chờ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, về cơ bản không điều động, luân chuyển cán bộ cấp huyện, cấp xã về tỉnh; giữ nguyên hiện trạng đội ngũ cán bộ để bố trí cho các xã, phường mới.

Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng lưu ý cần vận động những cán bộ không đủ tuổi tái cử, thời gian công tác còn dưới 5 năm, hoặc có trình độ chuyên môn hạn chế nghỉ công tác theo quy định chung.