Nghịch lý: Nơi thừa hơn 36.000 giáo viên, nơi lại thiếu gần 67.000 biên chế

Hoa Lê

(Dân trí) - Bộ Nội vụ cho biết vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương. Năm học 2024-2025, trong khi thừa 36.653 biên chế ở 25 địa phương thì có 38 tỉnh lại thiếu 66.690 giáo viên.

Bổ sung 65.980 biên chế giáo viên

Theo báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội thuộc lĩnh vực nội vụ, Bộ Nội vụ cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng là đến năm 2026 giảm ít nhất 5% biên chế công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Trong đó, về việc giao bổ sung biên chế giáo viên (năm học 2022-2023, 2023- 2024, 2024-2025) theo yêu cầu của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát thực trạng trường, lớp, học sinh, tình hình quản lý, sử dụng biên chế giáo viên của các địa phương để đề xuất bổ sung biên chế đối với từng địa phương.

Đồng thời, Bộ cũng gửi Ban Tổ chức Trung ương để giao cụ thể cho từng địa phương theo quy định.

Theo đó, giai đoạn 2022-2026, Ban Tổ chức Trung ương đã giao bổ sung đủ 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương theo quy định tại Quyết định số 71-QĐ/TW và Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Các địa phương chủ động quyết định số biên chế giáo viên trong tổng số biên chế được giao, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Đảng, của pháp luật, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đi kèm với thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ

Qua thực tiễn, báo cáo nêu rõ các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí biên chế đủ giáo viên theo định mức mới tại các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong khi đó, đa số các địa phương đều không bố trí đủ định mức học sinh/lớp, có địa phương bố trí học sinh/lớp thấp hơn nhiều so với quy định.

Nhiều địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao (năm học 2023-2024, số biên chế giáo viên chưa tuyển dụng còn 60.598 biên chế) do thiếu nguồn tuyển; chưa kịp tuyển dụng để thay thế số giáo viên nghỉ hưu, thực hiện chính sách tinh giản biên chế...

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương.

Theo báo cáo của các địa phương, nếu tính theo định mức số học sinh tối đa/lớp để xác định số lớp cần có theo các cấp học và hướng dẫn xác định định mức biên chế giáo viên theo quy định thì năm học 2024-2025 thừa 36.653 biên chế ở 25 địa phương và thiếu 66.690 biên chế ở 38 địa phương. Mặt khác, theo đề xuất của địa phương thì thiếu 93.681 biên chế giáo viên.

Trước thực tế trên, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng hết số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp lại cơ cấu trường, lớp, bảo đảm sĩ số học sinh/lớp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với thực tế của từng vùng, địa bàn.

Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại, sắp xếp hợp lý đội ngũ để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên trong một địa phương, gắn với việc hoàn thiện các chính sách để khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ gắn với việc cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách và tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp phù hợp với mức độ tự chủ về tài chính theo yêu cầu.

Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị điều chỉnh và cân đối kịp thời các chỉ tiêu biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao từ các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực kinh tế, có khả năng tự chủ sao cho các cơ sở giáo dục sự nghiệp giáo dục, bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo yêu cầu.

Trường hợp số biên chế giáo viên được giao chưa đủ theo định mức quy định, UBND tỉnh xác định số lao động hợp đồng đối với vị trí việc làm là giáo viên trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định, bảo đảm không vượt quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được giao với số lượng theo định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giai đoạn 2022-2026, số biên chế công chức giao giảm 5.381, tương ứng giảm 5,03% so với năm 2021, bằng số Bộ Chính trị đã phê duyệt.

Với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, giai đoạn 2022-2026 giảm 18.119 biên chế, tương ứng giảm 15,17% so với số biên chế giao năm 2021, cao hơn mục tiêu giảm 10% mà Bộ Chính trị yêu cầu.

Số công chức, viên chức được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ ở các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2015-2024 là 95.954 người.