Lý giải nguyên nhân 24 xã, phường sau sáp nhập thiếu kinh phí hoạt động
(Dân trí) - Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã có những lý giải về việc 24 xã, phường sau sáp nhập thiếu kinh phí để chi các hoạt động thường xuyên, đồng thời đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề này.
Ngày 24/7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2025, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận sau khi các cấp xã và tỉnh sáp nhập, có 24 xã, phường ở tỉnh Ninh Thuận (cũ) thiếu kinh phí để chi các hoạt động thường xuyên.
Phó Giám đốc Sở Tài chính lý giải nguyên nhân xảy ra việc trên là do Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận (cũ) chưa thông qua cấp kinh phí 6 tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, nói về nguyên nhân 24 xã, phường ở tỉnh thiếu kinh phí hoạt động (Ảnh: Trung Thi).
“Ngay sau khi phát hiện vướng mắc, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Tài chính có tờ trình để tạm cấp kinh phí cho 24 xã, phường này. Đến nay, về mặt kinh phí để chi hoạt động thường xuyên trong tháng 8 cho các xã, phường đã được đảm bảo”, ông Minh cho hay.
Cũng theo ông Minh, về lâu dài, trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa tới đây sẽ thông qua việc cấp kinh phí 6 tháng cuối năm cho 24 xã, phường ở tỉnh Ninh Thuận (cũ), đảm bảo cấp chính quyền này hoạt động thông suốt trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau khi nhận thông tin các xã, phường thiếu kinh phí hoạt động, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính tạm cấp kinh phí ban đầu nhằm ổn định bộ máy tổ chức, đặc biệt là phục vụ việc mua sắm các thiết bị cấp bách, cần thiết.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Trung Thi).
Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho hay trong việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh đã chỉ đạo xã, phường quan tâm đến hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công.
Theo ông Biên, qua kiểm tra, báo cáo, mặc dù giai đoạn đầu vận hành còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đều ưu tiên cán bộ, máy móc tại trung tâm phục vụ hành chính công.
“Tỉnh đặt quyết tâm không để tắc nghẽn tại trung tâm phục vụ hành chính công để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân”, ông Biên chia sẻ.
Từ ngày 1/7, tỉnh Khánh Hòa mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận (cũ).
Sau khi sắp xếp, tỉnh Khánh Hòa có diện tích hơn 8.500km2, dân số hơn 2,24 triệu người. Toàn tỉnh có 65 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 48 xã, 16 phường và đặc khu Trường Sa.