Chấn chỉnh tình trạng làm việc cầm chừng trước thềm sáp nhập
(Dân trí) - Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 155 về những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính đến hết tháng 6.
Tránh làm việc cầm chừng, ảnh hưởng đến hoạt động chung
Kết luận nêu rõ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phải khẩn trương, chủ động thực hiện các công việc theo đúng kế hoạch, không để chậm trễ, trì trệ, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Trong đó, Kết luận nêu những nhiệm vụ cụ thể:
Một là, cần tập trung chỉ đạo toàn diện việc chuẩn bị đại hội đảng các cấp tại nơi có sáp nhập. Các địa phương phải xây dựng đầy đủ đề án tổ chức lại đảng, chính quyền, đoàn thể và phương án nhân sự phù hợp ở cả cấp tỉnh và cấp xã. Việc sắp xếp cán bộ phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn và thời gian quy định.
Đồng thời, cần cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu về phân cấp, phân quyền và phù hợp với mô hình chính quyền địa phương mới.
Hai là, các ý kiến, góp ý từ cán bộ, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sắp xếp phải được lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc. Cần rà soát kỹ các tác động và kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, người lao động bị ảnh hưởng, đặc biệt với người dân tộc thiểu số và người theo các tôn giáo.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, đồng thời thúc đẩy thông tin đối ngoại để giữ vững niềm tin với các đối tác.
Bốn là, tăng cường quản lý, đôn đốc cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật lao động. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, sai phạm, đồng thời chấn chỉnh tình trạng làm việc cầm chừng, thiếu quyết tâm trong thời điểm sắp xếp bộ máy, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động chung.
Năm là, thực hiện nghiêm các quy định về bảo mật, phát ngôn và sử dụng mạng xã hội. Cần chủ động ngăn ngừa việc lộ lọt thông tin, đặc biệt là tài liệu liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức.
Sáu là, chỉ đạo chặt chẽ việc lưu trữ hồ sơ, số hóa tài liệu và tất toán tài sản, tài khoản trước khi tổ chức bàn giao. Các địa phương cần rà soát kỹ hồ sơ, đặc biệt là tài liệu liên quan đến đất đai, dự án, tránh thất lạc hoặc bị tiêu hủy sai quy định.
Thống nhất nguyên tắc phân cấp, phân quyền
Việc triển khai phân cấp, phân quyền được nhấn mạnh phải tuân theo các nguyên tắc chính:
Thứ nhất, Trung ương giữ vai trò kiến tạo và kiểm soát, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, quy hoạch đồng bộ; đồng thời chuyển giao những nhiệm vụ phù hợp về cho địa phương trên nguyên tắc "địa phương quyết định - địa phương làm - địa phương chịu trách nhiệm".
Thứ hai, rạch ròi giữa thẩm quyền chung của UBND và thẩm quyền cá nhân của Chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp tỉnh và cấp xã. Việc này nhằm phát huy vai trò người đứng đầu, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hay chờ xin ý kiến gây chậm trễ.
Thứ ba, phân định rõ nhiệm vụ giữa các ngành, lĩnh vực, bảo đảm không chồng chéo, không bỏ sót, tạo sự liên thông, đồng bộ trong toàn bộ hệ thống hành chính.
Trên cơ sở các nguyên tắc trên, Đảng ủy Chính phủ cùng các đảng ủy bộ, cơ quan ngang bộ và người đứng đầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trong việc phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương.
Các văn bản hướng dẫn thi hành phải được dự thảo xong trước ngày 1/6 và ban hành chính thức trước ngày 25/6. Trong đó, cần chú trọng bảo đảm có nguồn lực thực hiện, cơ chế chuyển tiếp rõ ràng, tránh để xảy ra khoảng trống hoặc gián đoạn công việc trong quá trình chuyển đổi.