Vì sao nhiều sinh viên miệt mài làm thêm với mức lương chỉ 15.000 đồng/giờ?
(Dân trí) - Nhiều sinh viên năm thứ nhất, thứ hai đi làm thêm với mức lương rơi vào 15.000 - 18.000 đồng/giờ, thấp hơn đáng kể mức lương tối thiểu giờ mà nhà nước quy định.
Lịch trình kín mít của một sinh viên đi làm thêm ở quán cà phê
Nguyễn Thế Bảo, 19 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ hai của một trường Đại học tại Hà Nội cho hay, bạn đã làm công việc ở tiệm cà phê dành cho người nước ngoài ngay từ năm nhất đại học.
Thời gian biểu của chàng trai năm hai đại học khá dày đặc, sáng Bảo sẽ đi học từ 7h30 đến 11h10, chiều là từ 12h20 đến 16h10 sau đó đến chỗ làm vào lúc 16h30 để chấm công và 23h đêm, cậu mới chính thức kết thúc một ngày học và làm việc.
Bảo bộc bạch :"Em thấy công việc này khá là phù hợp với mảng kiến thức với chuyên ngành của em. Mặc dù lương không cao nhưng em vẫn khá hài lòng với môi trường làm việc của mình.
Bên cạnh đó công việc này mang đến cho em rất nhiều cơ hội được tiếp xúc với người nước ngoài, nói chuyện trực tiếp nhằm nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh, giúp cho việc học và đi làm của em sau này".
Mặc dù thời gian học tập và làm việc đã chiếm gần hết khoảng thời gian trong ngày nhưng Bảo vẫn dành ra một chút thời gian cho bản thân vào ban đêm.
Chàng trai tâm sự, khi còn trẻ, bạn muốn thử vấp ngã và nỗ lực để có nhiều kinh nghiệm ra trường xin việc làm, bên cạnh đó có một khoản thu nhập cho cá nhân nên việc cân bằng giữa học, làm và chơi rất quan trọng.
Theo như nam sinh 19 tuổi chia sẻ, cậu đi làm thêm vì không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế gia đình, muốn đỡ gánh nặng cho người nhà.
Hiện nay, mọi thứ từ sinh hoạt phí, nhu cầu cuộc sống cậu đều có thể tự lập. Bảo chia sẻ :"Công việc này mỗi tháng giúp em thu về 4 triệu đồng/tháng, tính ra là 18.000 đồng/giờ, thấp hơn so với nhiều công việc bán thời gian hiện nay nhưng em vẫn cảm thấy rất hài lòng và muốn tiếp tục gắn bó với công việc".
Ảnh hưởng tới học tập vì miệt mài làm thêm
Trần Anh Quân, 19 tuổi, là sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải. Chàng trai quê tại Hải Phòng mới ra Hà Nội học tập và làm việc được một năm nhưng đã trải qua khá nhiều sự khó khăn, thiếu thốn và cả "chèn ép" khi bị trả lương thấp.
Theo như cậu chia sẻ, vì gia đình khó khăn, nhà còn em gái sắp thi đại học nên cậu không dám xin bố mẹ nhiều tiền mà cố gắng đi làm, tự chi trả sinh hoạt phí cho bản thân qua những đồng lương ít ỏi từ việc đi làm thêm.
Hiện tại, Quân làm ở một canteen trường học thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Công việc của cậu cũng khá đơn giản, phục vụ học sinh vào ăn và dọn dẹp quán, đi ship đồ và chuẩn bị đồ ăn.
Mặc dù công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng, yêu cầu quá cao về kinh nghiệm, chỉ cần có sức khỏe nhưng theo Quân chia sẻ, công việc ngốn rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó việc phục vụ tại căng tin cho học sinh này không giúp được cậu nhiều trong công việc học tập hay xin việc sau này, chỉ đem lại cho cậu khoảng chưa đến 2 triệu đồng hàng tháng.
Theo tính toán, một ngày cậu chỉ kiếm được khoảng 90.000 đồng (15.000 đồng/giờ) từ công việc bán thời gian nhưng có hôm, do có việc đột xuất nên cậu đến muộn 30 phút và bị trừ 50.000 đồng, cuối ngày cậu chỉ có vỏn vẹn 40.000 mang về.
Được biết, công việc bán thời gian ảnh hưởng đôi chút đến việc học tập trên trường của cậu sinh viên mới lên năm hai. Quân chia sẻ, sáng sớm cậu đã phải có mặt trên trường đi học rồi nhanh chóng tới canteen làm thêm. Hết giờ làm, cậu trở về nhà ôn bài đến tối khuya nên cậu luôn trong tình trạng mệt mỏi khi lên lớp vào sáng hôm sau.
Trong thời gian sắp tới, Quân có dự định sẽ tìm việc làm bán thời gian khác có mức thu nhập cao hơn để xứng đáng với công sức cậu bỏ ra, bên cạnh đó nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho công việc trong tương lai.
Điều cần biết về mức lương tính theo giờ
Hiện nay, rất nhiều chủ doanh nghiệp khi tuyển người lao động đã trên 18 tuổi nhưng không có hợp đồng lao động và không trả lương theo luật lao động nhà nước Việt Nam đã ban hành.
Nghị định số 38 nêu rõ, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ luật lao động, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chính phủ ban hành quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ.
Mức lương tối thiểu giờ lần lượt là 22.500 đồng với vùng I; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.
Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ.
Nhiều lý do khiến sinh viên nhận số lương được trả theo giờ thực tế thấp hơn so với quy định. Trong đó có thể kể đến việc không có nhiều kinh nghiệm để thương lượng, đòi quyền lợi.
Ngoài ra, mong muốn có việc làm thêm chỉ để có tích lũy kinh nghiệm, va chạm cuộc sống hoặc có tiền thật nhanh nhằm trang trải sinh hoạt, học phí trước mắt, nên rất nhiều các bạn sinh viên gần như chấp nhận ngay lập tức mức lương mà chủ lao động đưa ra.
Một điểm bất lợi nữa là các sinh viên gần như chỉ thống nhất bằng miệng với chủ lao động về lương, quyền lợi mà không có hợp đồng, thỏa thuận bằng văn bản nào được ký kết.
Việc này dẫn tới chuyện sinh viên gần như thua thiệt nếu như các quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng, bởi khi đó, chủ lao động là người "nắm đằng chuôi" trong mọi vấn đề phát sinh.
Theo chị Lý Kiều Thu, hiện đang làm tại một công ty đa quốc gia chuyên về tìm kiếm và đào tạo nhân sự chia sẻ: "Lý do có hiện tượng lương thấp như vậy ngay giữa thủ đô Hà Nội do sự đồng ý từ hai phía doanh nghiệp và người lao động, không phải lỗi tất cả từ một phía nào.
Nếu người đi làm chấp nhận với số lương được chi trả họ sẽ đi làm, nếu không họ có thể tìm công việc khác và không hề có sự bắt ép".
Mặc dù vậy, chị Thu lưu ý người trưởng thành khi ra ngoài tìm việc và bước vào thị trường lao động cần tìm hiểu rõ công việc, mức lương tối thiểu và các quyền lợi công việc đi kèm để không bị "hớ" khi đi làm.