Vì sao nhiều bạn trẻ Gen Z nói không với việc ăn thịt chó?
(Dân trí) - Trong những năm gần đây, đã diễn ra nhiều cuộc tranh cãi về vấn đề có nên ăn thịt chó hay không. Nhiều Gen Z khẳng định sẽ không ăn thịt loài động vật này.
Không thể tưởng tượng việc ăn thịt bạn mình
Thu Nga hiện là chủ của một chú chó giống Samoyed, mang tên là Shu, khoảng gần 3 tuổi. Nga nhận nuôi chú chó này từ một người lạ trên Facebook.
Chia sẻ về lí do nhận nuôi, Nga kể: "Chủ cũ của chú chó nhà mình là một người Hải Dương lên Hà Nội làm việc. Do anh cảm thấy ở quê không có được điều kiện sống tốt nhất, do nhà nhỏ, đặc thù công việc của bố mẹ anh không thể đưa chú chó đi chơi nhiều (giống Samoyed cần được hoạt động rất nhiều) nên đã đăng lên tìm chủ mới". Ngay ngày hôm sau, Nga và người yêu đã đến Hải Dương để đón Shu về.
Lúc khoảng 7-8 tuổi, Nga từng ăn thịt chó. Cô cho biết khi đó nhận thức chưa rõ ràng, được bố dắt đi ăn ở nhà người quen: "Mình cũng biết đó là thịt chó nhưng không cảm thấy có vấn đề gì quá to tát, do nhà mình không nuôi chó nên không thực sự thấy gắn bó với loài động vật này".
Tuy nhiên, hiện tại, khi đã nuôi chó, Thu Nga phản đối việc ăn thịt chó. Đối với Nga, chó giống như một người bạn thân thiết.
"Loài chó trung thành tuyệt đối với chủ của mình, trông nhà, giữ cửa, đùa vui với mình và mình nghĩ điều ấy cũng thể hiện được phần nào giá trị của con chó với con người rồi", Nga chia sẻ.
Cùng ý kiến với Thu Nga là Phạm Bích Vân (20 tuổi), sinh viên năm 3 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bạn trẻ cũng không đồng ý với việc ăn thịt chó. Lí do được Vân đưa ra là do thịt chó thực chất không phải là loại thịt bổ dưỡng: "Với những kiến thức mình đã tìm hiểu, thịt chó có rất nhiều chất đạm nên có thể gây ra nhiều bệnh cho người ăn".
Tại sao bây giờ việc ăn thịt chó mới bị lên án?
Chỉ trong vài năm gần đây, vấn đề ăn thịt chó mới được đưa ra bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn, hội nhóm. Khoảng 10 năm trước, việc ăn thịt chó vẫn được coi là bình thường. Các hàng quán thịt chó xuất hiện ở nhiều nơi, tấp nập khách hàng cả ngày. Vậy điều gì đã dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức?
N.M (20 tuổi) cho rằng nguyên nhân thứ nhất là do vấn nạn trộm chó ngày càng nổi cộm trong xã hội. Bên cạnh đó, theo N.M, "các bạn trẻ cũng có xu hướng coi vật nuôi, như chó, mèo, là bạn, là một thành viên gắn bó trong gia đình". Bởi cả hai lý do này, việc ăn thịt chó ngày càng bị lên án.
Thu Nga nghĩ rằng đó là do sự phát triển của xã hội hiện đại cùng các tư tưởng tiến bộ trên thế giới du nhập vào Việt Nam. Giống như N.M, Nga cũng nhận thấy xu hướng nuôi thú cưng của giới trẻ tăng lên, khiến họ có nhận thức bảo vệ động vật, đặc biệt là chó.
Vào năm 2016, Việt Nam vẫn là nước thứ đứng thứ 2 trên thế giới với số lượng ước tính 5 triệu con/năm, theo số liệu của Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA). Tuy nhiên, một khảo sát đầu năm nay của FOUR PAWS cho biết 88% người khảo sát ở TPHCM và 44% người khảo sát ở Hà Nội đã có thái độ từ chối việc ăn thịt chó.
Sự thay đổi trong nhận thức này cũng dẫn tới một số hành động thiết thực của cả chính quyền. Vào ngày 10/12, thành phố Hội An đã trở thành đại phương đầu tiên ký kết hợp tác với tổ chức FOUR PAWS về việc " nói không với thịt chó, mèo". Thỏa thuận nhằm mục đích loại bỏ thịt chó và mèo ra khỏi địa phương, hướng tới xây dựng Hội An là thành phố du lịch thân thiện.
Mặt khác, một số ý kiến cho rằng việc phản đối ăn thịt chó là không công bằng với các động vật khác. Tại Hà Nội, có tới 92% số người được hỏi trong khảo sát của FOUR PAWS ăn thịt lợn. Ý kiến phản đối cho rằng ăn thịt lợn, thịt gà là bình thường nhưng thịt chó lại bị lên án là không hợp lý.
N.M chia sẻ quan điểm: "Mình nghĩ rằng khi mọi người lên án những người ăn thịt chó, bản thân họ cũng đang có sự phân biệt với những động vật họ gắn bó, có tình cảm như chó mèo và các loài mà họ không cảm xúc như gà, lợn, bò. Như vậy, quan điểm đó cũng là sai về mặt đạo đức, vì không có loài động vật nào là đặc biệt hay cao cấp hơn cả".
Phản bác ý kiến này, Bích Vân lập luận: "Mình thấy đa phần thịt chó là do bị bắt, chứ không phải nuôi lớn rồi được kiểm định để bán ra ngoài thị trường. Do đó, người tiêu dùng không được đảm bảo về sức khỏe như các loại thịt gà hay thịt lợn - các sản phẩm được tạo ra để được tiêu thụ".
Ăn thịt chó không đồng nghĩa với vô văn hóa
N.M cho rằng câu chuyện ăn thịt chó thuộc phạm trù văn hóa, nên không thể phân biệt đúng sai. Những người nuôi chó sẽ có cảm xúc với loài vật này, còn người không có thú nuôi sẽ chỉ coi chó, mèo giống như loài vật khác.
"Việc duy nhất họ phải tuân thủ cả về mặt đạo đức lẫn luật pháp chính là không ủng hộ, đẩy mạnh việc trộm chó hay có hành vi giết động vật vô nhân tính", N.M nhấn mạnh. Ngoài ra, bạn trẻ cũng cho biết nếu thịt chó đến từ các trại gia súc như các động vật khác, thì N.M sẽ không hoàn toàn có định kiến với việc ăn thịt chó.
Đối với Thu Nga - một người nuôi chó, tuy phản đối việc ăn thịt chó, bạn không thấy đây là một hành vi vi phạm pháp luật hay xúc phạm thuần phong mỹ tục. Nga bày tỏ: "Mình không thể gán cho ai đó cái mác "vô văn hóa" chỉ vì họ không cùng quan điểm với mình được".
Bạn trẻ chỉ mong sẽ dùng tiếng nói và hành động của mình để thay đổi mọi người, dần dần khiến họ hiểu và chấp nhận hơn quan điểm không ăn thịt chó của bản thân, chứ không thể miệt thị, mạt sát hay chửi mắng họ được. "Ăn hay không, chấp nhận hay không đều là câu chuyện riêng của mỗi người. Mình nghĩ không ai có quyền phán xét cả", Nga cho biết.
Theo Bích Vân, thịt chó vẫn là đặc sản của Việt Nam và là một phần của văn hóa ẩm thực của nhiều nước châu Á. Vì vậy, nếu nói người châu Á ăn thịt chó là vô văn hóa thì cũng không hoàn toàn đúng. Giống với N.M, Vân cũng thấy vấn đề ăn thịt chó còn liên quan tới chuẩn mực đạo đức.
Có thể thấy, vấn đề ăn thịt chó có cả những người ủng hộ và không ủng hộ. Tuy nhiên, tiêu thụ thịt chó cũng không phải là một hành động vô văn hóa vì đây từ lâu đã là một phần của nền ẩm thực nhiều nước. Ranh giới giữa văn hóa và vô văn hóa hiện nay nằm ở nguồn gốc của thịt chó, chứ không phải quyết định ăn thịt chó.