Áp lực đồng trang lứa từ chuyện "con nhà người ta" trên mạng xã hội

Văn Hiền - CTV

(Dân trí) - Những dòng trạng thái chia sẻ thành công của các bạn cùng tuổi trên mạng xã hội, những bài báo đăng tải thành tích của các bạn đồng trang lứa có thể trở thành áp lực tâm lý đối với các bạn trẻ.

Áp lực đồng trang lứa từ chuyện con nhà người ta trên mạng xã hội - 1

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của Internet trong việc giúp các bạn trẻ học tập, giải trí. Nhưng đi kèm với đó các bạn sẽ tiếp xúc với sự thành công của nhiều người trên mạng xã hội và phần nào ảnh hưởng bởi những điều đó và vô hình chung trở thành tác nhân khiến cho áp lực đồng trang lứa trở nên trầm trọng.

Covid-19, mạng xã hội và áp lực đồng trang lứa

Là sinh viên năm 4 Trường Đại học Middlesex, Nguyễn Thùy Linh thường xuyên thấy áp lực, nhất là khi sử dụng mạng xã hội trong thời gian dài ở nhà.

Việc các bạn cùng tuổi hay ít tuổi hơn khoe trên Instagram, Facebook việc giành được suất học bổng, hay mua iPhone, laptop bằng lương khiến Linh cảm thấy chạnh lòng và áp lực.

Không chỉ Thùy Linh, Lưu Thúy Quỳnh (Đại học Công Nghiệp Hà Nội) cũng nhận thấy Internet đã khiến áp lực đồng trang lứa trở nên hiện hữu.

Mỗi khi mở Facebook lên, Quỳnh thường bắt gặp bài viết của các bạn cấp 3 "khoe" bản thân được làm việc trong công ty lớn. Lướt thêm chút nữa lại thấy bài báo về bạn này giành được học bổng đi du học nước ngoài hay giành giải trong một cuộc thi kia. Đóng Facebook, Quỳnh chuyển qua Instagram, nhưng những story dù chỉ dài 15 giây cũng khiến cô cảm thấy áp lực.

Giải thích về lý do mạng xã hội lại ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ như vậy, chuyên gia tâm lý TS Phạm Mạnh Hà cho biết khảo sát cho thấy các bạn trẻ lên mạng xã hội quá nhiều, trung bình 4-5 tiếng/ngày, dẫn đến những ảnh hưởng của mạng xã hội tới nhiều mặt của cuộc sống.

"Nếu sử dụng quá lâu, quá nhiều và dường như lệ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào liên quan đến mạng xã hội thì rất dễ bị nó chi phối. Và các bạn trẻ luôn có một tâm lý luôn muốn làm mình khác biệt so với những người khác, để tạo ra sự thu hút cũng như sự quan tâm.

Ăn mặc phải đẹp hoặc theo trend, hoặc là chúng ta phải khác biệt. Các bạn đi đâu, làm gì, mua sắm gì cũng phải khoe trên mạng xã hội. Và điều đó giống như cuộc chạy đua, mỗi người phải cố gắng, không để thua kém người khác. Vì vậy vô hình chung những áp lực đồng trang lứa xuất hiện", TS Phạm Mạnh Hà lý giải thêm.

Khi dịch Covid-19 xuất hiện, các bạn trẻ có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho các nền tảng xã hội. Vì vậy, những mối lo âu thường ngày càng trở nên khó lường: Cuộc sống bị đình trệ, mọi kế hoạch, dự định đều bị hoãn lại,… cả ngày ở nhà đối diện với bốn bức tường khiến chúng ta cảm thấy hoang mang, căng thẳng và ghen tị trước thành công mà người khác khoe trên mạng xã hội. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần, hình thành tâm lý tự ti, nghi ngờ chính bản thân, làm giảm động lực tiến lên phía trước của các bạn trẻ.

"Biến áp lực thành động lực để tiến lên phía trước…"

Áp lực đồng trang lứa cũng giống như con dao hai lưỡi. Nó giúp các bạn trẻ đi đúng hướng nhưng một khi áp lực trở thành gánh nặng, nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của các bạn trẻ rất nhiều.

Nguyễn Thùy Linh (Đại học Middlesex), sau một thời gian dài đối diện với áp lực đồng trang lứa, giờ đây đã có thể chung sống hòa hợp, biết cách biến áp lực đồng trang lứa đã trở thành động lực để nỗ lực hơn mỗi ngày.

Trong khi đó, Lưu Thúy Quỳnh (Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng để vượt qua áp lực đồng trang lứa, các bạn trẻ nên giảm bớt thời gian lên mạng, từ TikTok đến Instagram, Twitter, hay Facebook, thay thế bằng những hoạt động tích cực.

Tham gia các khóa học, hoạt động ngoại khóa để có thêm trải nghiệm mới và tích lũy kỹ năng mềm. Khi đó tố chất của các bạn sẽ dần bộc lộ mà nếu ở nhà lên trên mạng sẽ không bao giờ có được.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà, các bạn trẻ hãy sử dụng internet một cách thông minh, dùng internet tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức để phục vụ cho cuộc sống, học tập, làm việc, sẽ không có thời gian để so sánh nhiều.

"Các bạn hãy tìm cho mình một điểm mạnh thực sự. Điểm mạnh đó là tính cách, năng lực hoặc một phẩm chất nào đó. Khi có điểm mạnh thì bản thân các bạn sẽ bớt tự ti và không đi so sánh bản thân với người khác", TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ thêm.

Hãy nhớ rằng, mỗi chúng ta là một cá thể độc lập. Các bạn trẻ hãy tự tin và không nên so sánh bản thân với người khác. Nếu có, hãy nhìn theo hướng tích cực hơn, biến áp lực thành động lực để tiến lên phía trước.