Tuổi teen đánh nhau: Mâu thuẫn nhỏ, ra tay bạo

(Dân trí) - Chỉ lời nói xấu hay cái nhìn cho là “liếc”… cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp cho hành vi bạo lực học đường. Đánh bạn không phải là cách thể hiện sức mạnh của mình mà là biểu hiện cho thấy các em mất tự tin ở bản thân.

Toàn chuyện không đâu

Mới đây, hai học sinh lớp 6 Trường THCS Sông Đốc 1 (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) bị kỷ luật khiển trách vì hành vi đánh nhau. Hai em có mâu thuẫn với nhau từ trước nhưng chỉ bùng phát trong giờ thể dục… khi nhìn liếc nhau và sau đó hẹn giờ tan học đánh nhau.

Nhiều học trò tổ chức đánh bạn vì những lý do, va chạm nhỏ nhặt 
Nhiều học trò tổ chức đánh bạn vì những lý do, va chạm nhỏ nhặt 

Hay vụ nữ sinh Ph. ở Trà Vinh bị đánh hội đồng gây phẫn nộ thời gian qua cũng xuất phát bởi lý do khó chấp nhận. Chỉ vì yêu cầu Ph. đi mua đồ cho mình nhưng bị từ chối và lần khác nhờ P. đánh một bạn khác trong lớp nhưng Ph. không chịu, nữ lớp trưởng tổ chức đánh bạn một cách quy mô.

Nhìn vào những vụ học trò ẩu đả, đánh nhau, gây ra những vụ bạo lực học đường tai tiếng, gây phẫn nộ, bàng hoàng dư luận… chủ yếu xuất phát từ những chuyện hết sức nhỏ nhặt. Không nghe lời – rủ bạn đánh hội đồng; nhờ việc bạn không giúp – đánh; liếc – đánh; nói xấu – đánh; mỉa mai trên Facebook – đánh; giành giật bạn bè – đánh…

Tại chương trình chuyên đề về bạo lực học đường diễn ra tại một số trường THCS, THPT ở TPHCM, nhiều học sinh chia sẻ, các em đánh nhau bắt nguồn từ những lý do rất vụn vặt như bạn nói không đúng về mình, nghe mỉa mai trên mạng, chơi bè chơi nhóm, vì… nhìn thấy ghét hay vì bạn học giỏi hơn, xinh hơn.

Chuyện chẳng đáng gì nhưng vì thiếu trầm trọng những giá trị sống về tình bạn, tôn trọng bản thân và người khác cũng như các kỹ năng để giải quyết các vấn đề nhỏ nhất… nên nhiều học trò “cậy” hết vào bạo lực. Cho rằng, cứ “ra đòn” là mọi việc được xử lý.

Xuất phát từ những lý do đơn giản nhưng mức độ ra tay trong các vụ gây hấn học đường của học sinh ngày càng có xu hướng bạo lực và vô cảm. Các em đánh bạn, dồn bạn vào thế tận cùng với những hành động tàn nhẫn như lột quần áo, giật tóc, ném ghế…

Đánh bạn vì mất tự tin ở bản thân

Theo các chuyên gia tâm lý, lý do đánh bạn có khi chỉ là “chất xúc tác”, là cái cớ để các em trút giận những ức chế của bản thân. Đằng sau đó, có thể các em đang uất ức, bất mãn với những áp lực trong cuộc sống như học tập, gia đình hay với chính bản thân.

Hành vi ra tay bàn bạo với bạn cho thấy các em thiếu những giá trị sống căn bản và kỹ năng xử lý vấn đề. Và đó là biểu hiện rõ nhất của việc các em đang thiếu tự tin ở bản thân.

Học sinh Trường THPT Gò Vấp, TPHCM được tư vấn để biết cách tránh xa bạo lực học đường
Học sinh Trường THPT Gò Vấp, TPHCM được tư vấn để biết cách tránh xa bạo lực học đường

Tại chuyên đề “Nói không với bạo lực học đường” vừa diễn ra tại Trường THPT Gò Vấp, TPHCM, ThS Xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng, mỗi HS dù là ai, gia cảnh thế nào, học lực chưa tốt đều có một khả năng thông minh, tài năng riêng. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng nhận ra điều này nên nhiều em mất tự tin ở bản thân trầm trọng.

Khi biết khả năng của mình, tự tin ở bản thân các em sẽ tự trả lời được câu hỏi mình là ai. Khi đó, các em sẽ không dễ bị dao động, không tức giận trước những lời nói xấu, trước những đố kỵ hay hiểu nhầm của người khác. Có sự tự tin, các em sẽ không ra tay đánh bạn vì một lời bóng gió, lời nói không đúng về mình, sẽ không giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống bằng bạo lực.

“Ai nói gì cũng tự ái, cũng tức giận rồi kéo bè kéo cánh đến đánh bạn, nghĩa là người đó đang rất tự ti ở chính mình. Đó là những người rất đáng thương”, chuyên gia tâm lý này nhấn mạnh.

Theo bà Thúy, mỗi bạn trẻ phải quản lý cảm xúc của chính mình, phải có lập trường không để người khác tác động dẫn đến những hành vi tiêu cực. Điều này đòi hỏi các em cần biết phản biện vấn đề đúng cách, đúng phương pháp. Biết từ chối, nói không trước những hành vi và lời rủ lê xấu.

Môi trường gia đình, trường học cần tạo điều kiện cho các em bày tỏ ý kiến, tiếng nói của mình để trau dồi năng phản biện, tăng sự tự tin chứ không phải đúng sai gì cũng yêu cầu người lớn nói thì con trẻ phải nghe lời.

Méo mó về nhân cách

Ông Đào Văn Trà (Phòng GD – ĐT quận Phú Nhuận, TPHCM) bày tỏ, nhiều bạn trẻ đánh bạn tỏ ra tự mãn, tự hào khi nhầm tưởng rằng bạn bè nể phục, sợ hãi mình. Các em sẽ tiếp tục có xu hướng đánh bạn mà không biết rằng cuối cùng chính các em là người chịu tổn thương nhiều nhất.

Đó không chỉ là việc các em có thể bị kỷ luật, xử phạt, tác khỏi môi trường học đường mà nguy hại hơn là các sẽ dần bị méo mó về nhận thức, nhân cách.

Lê Đăng Đạt