Tranh luận về quan điểm "sinh viên đừng dại đi làm sớm, phải học bài bản"
(Dân trí) - Quan điểm nói trên của một vị giám đốc công ty công nghệ nhận về nhiều ý kiến tranh luận, đặc biệt là từ các bạn sinh viên, lao động trẻ tuổi.
Quan điểm của một nữ giám đốc công ty công nghệ có tiếng đã trở thành chủ đề tranh luận của giới sinh viên. Vị giám đốc này nói: "Đừng dại đi làm sớm, nhiệm vụ của sinh viên là phải học hành cho bài bản".
Đông đảo sinh viên hiện đang đi làm thêm để trang trải học phí hoặc bắt đầu khởi nghiệp từ sớm đã nêu ý kiến ngược lại.
Cân bằng giữa việc học và làm
Ngọc Trâm (18 tuổi, sinh viên năm nhất, trường Đại học Hà Nội) cho biết: "Bản thân mình cũng đang vừa đi học vừa đi làm, nhưng chưa bao giờ mình cảm thấy việc học của mình bị xao nhãng. Mình luôn biết cách cân bằng giữa việc đi làm và đi học trên trường.
Mình xác định việc học mới là việc quan trọng và cần được ưu tiên. Đi làm chỉ để mình tích lũy thêm kinh nghiệm, có cơ hội va chạm với cuộc sống, khám phá bản thân. Tất nhiên, mình cũng muốn đi làm để có tiền đóng học phí hỗ trợ cho bố mẹ. Nhưng không biết cách quản lý thời gian để xao nhãng việc học thì mình nghĩ các bạn sinh viên vẫn nên tập trung nhiều hơn cho việc học".
Đồng quan điểm với Ngọc Trâm, Thanh Thảo (sinh viên năm hai, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, sinh viên nhất định phải biết cách cân bằng giữa việc học và việc đi làm. "Nhiều bạn bè của mình vẫn đi làm 2-3 công việc cùng một lúc nhưng vẫn cân bằng được việc đi học, đi làm, cân bằng được thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Vậy nên, đối với mình, nếu như nói rằng việc đi làm dẫn tới sự xao nhãng, thì đó là do kỹ năng quản lý thời gian chưa tốt".
Ngọc Trâm cũng nói thêm: "Tiền lương đi làm thêm cũng quan trọng, nhưng không đáng đến mức để việc học bị sa sút".
Bạn nam Phúc Minh (sinh viên năm hai, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ) đưa ra quan điểm khác. "Không thể đổ lỗi cho việc làm thêm ảnh hưởng đến chuyện học. Nếu là người thực sự quan tâm đến chuyện học, thì bạn sẽ luôn ưu tiên "học" lên hàng đầu. Nếu thấy công việc quá nặng, bạn có thể giảm bớt, có thể từ chối làm việc, hoặc nhận việc tương tự nhưng thời gian dư dả hơn. Nếu bạn từ bỏ làm thêm vì nghĩ nó gây xao nhãng, thì cũng không chắc những thứ vui bên ngoài khác lại không làm ảnh hưởng chuyện học", Phúc Minh thẳng thắn.
Đáng hay không - cần xem xét ở nhiều khía cạnh
Một bạn sinh viên đặt vấn đề, giả sử nếu tập trung 100% cho việc học, không đi làm thêm để trải nghiệm và lấy kinh nghiệm, vậy thì sau này khi đi xin việc, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có ít nhất 1-2 năm kinh nghiệm, sinh viên "đào" kinh nghiệm từ đâu trong khi các bạn đã tập trung học 4 năm?
Ngược lại, nếu như tập trung hoàn toàn vào việc đi làm, bỏ bê việc học dẫn tới GPA thấp, sau ra trường lại thành khó xin việc làm. Nếu có xin được thì mức lương cũng không như mong muốn.
Hồng Anh (sinh viên năm nhất, trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay: "Đối với nhà tuyển dụng, một bản CV với kinh nghiệm làm việc tại những nơi cụ thể thì sẽ dễ được đánh giá tốt hơn một bản CV dù điểm cao nhưng lại chưa bao giờ đi làm cả. Còn với bản thân sinh viên, bên cạnh áp lực học tập thì các bạn cũng sẽ phải đối mặt với áp lực khi đi làm thêm.
Song, đi làm sẽ dạy cho bản thân mỗi người sự nhẫn nại, tỉ mỉ giúp hoàn thiện mỗi ngày, quan trọng nhất là chịu được áp lực cao, va vấp trong cuộc sống, nhận được những bài học trải nghiệm thực tế mà trường học ít khi dạy".
Đồng quan điểm với Hồng Anh, Mai Giang (24 tuổi, nhân viên kế toán) bày tỏ: "Có rất nhiều sinh viên ra trường làm trái ngành, và họ vẫn sống ổn với công việc đó. Thử nhiều việc sẽ cho phép bản thân được học cái mới, biết được cái gì mới thật sự phù hợp với mình. Làm thêm sẽ gia tăng kinh nghiệm, làm đẹp CV hơn bất kỳ môn học nào bạn nhận trên giảng đường.
Đối với nhà tuyển dụng, kinh nghiệm thực tập Kế toán sẽ ổn hơn rất nhiều so với điểm A môn Toán cao cấp. Học thì bạn chỉ biết kiến thức theo chu trình từ A đến Z, còn làm thêm sẽ hiểu bản thân tại sao nó lại đi theo A đến Z như vậy".