"Tính nữ độc hại" là gì, vì sao cần xóa bỏ?

T.N

(Dân trí) - "Nhiều người đã hiểu rõ về nam tính độc hại, vậy còn tính nữ độc hại là gì?" - câu hỏi này đã thu hút sự chú ý của nhiều người và làm dấy lên tranh luận trên một diễn đàn.

Theo Psychology Today, "Tính nữ độc hại" là những chuẩn mực được áp đặt theo khuôn mẫu, như phụ nữ phải dịu dàng, biết chấp nhận, cam chịu… Điều này dẫn đến việc phái đẹp bỏ qua các nhu cầu về tình cảm hoặc thể chất để giữ được kết nối với những người xung quanh. Nữ tính độc hại là khi một người làm việc vì lợi ích của người khác nhưng có hại cho chính họ.

"Người mẹ đối xử không tốt với người xung quanh và sau đó biện minh mình làm điều đó vì muốn tốt cho con mình"; "Người phụ nữ đánh giá ngoại hình của người cùng giới như chê bai nếp nhăn, tóc bạc"; hay "Những phụ nữ công kích người cùng giới"... là một số câu trả lời được đưa ra trong cuộc thảo luận, theo VICE.

Thuật ngữ "Tính nữ độc hại" đã xuất hiện và được sử dụng trong gần một thập kỷ, nhưng được biết đến nhiều hơn sau phong trào Metoo.

Tính nữ độc hại là gì, vì sao cần xóa bỏ? - 1

Tính nữ độc hại… (Ảnh minh họa: Peter Dazeley/ VICE).

Trong bài viết với tiêu đề Toxic Femininity Holds All of Us Back trên Medium, Tiến sĩ kiêm nhà tâm lý xã hội học Devon Price nhấn mạnh rằng sự nữ tính độc hại cũng cần được ngăn chặn như nam tính độc hại. Theo đó, "sự nữ tính độc hại là một căn bệnh văn hóa. Sự dập khuôn cho tính nam trong xã hội như nam giới phải mạnh mẽ thì tính nữ cũng có những ràng buộc tương đương. Điều này thể hiện sự thiếu linh hoạt trong vai trò giới và nó đã trở thành vấn đề mà mọi người xung quanh tôi phải chịu đựng".

Hannah McCann, giảng viên ngành Nghiên cứu văn hóa, Đại học Melbourne (Australia), lần đầu tiên nghe thấy thuật ngữ này trong một bài báo trên tờ Sydney Morning Herald vào năm 2018. Đến năm 2020 cô đã xuất bản một bài báo về chủ đề này trên tạp chí học thuật Psychology & Sexuality.

Cô lưu ý rằng, các cuộc thảo luận trên mạng về thuật ngữ này thường mang tính chống đối và được sử dụng để lập luận rằng "phụ nữ là những người độc hại".

"Việc sử dụng cụm từ "nữ tính độc hại" là một phản ứng dữ dội chống lại các cuộc thảo luận nữ quyền về 'nam tính độc hại. Những định nghĩa chống nữ quyền này thúc đẩy những định kiến có hại về nữ quyền . Có ý kiến cho rằng phụ nữ bẩm sinh là những kẻ ngổ ngáo và đàn ông là nạn nhân", cô nói.

Tính nữ độc hại là gì, vì sao cần xóa bỏ? - 2

Tính nữ độc hại có thể xuất phát từ định kiến xã hội và sự tự phân biệt giới của phụ nữ. (Ảnh minh họa: High Net Worth)

Nữ giảng viên cũng cho biết thêm: "Sẽ hiệu quả và công bằng hơn nếu xem xét một số phương pháp tiếp cận giới tính độc hại, thay vì chỉ nhìn vào một số biểu hiện hoặc đặc điểm riêng lẻ. Điều này cho phép chúng ta nhìn thấy một bức tranh lớn hơn".

Là một người chuyển giới, cô cũng từng trải qua những kiểm soát, soi mói về việc "phụ nữ phải như thế nào". Price bộc bạch: "Ngay cả khi có một gương mặt cá tính, không dịu dàng, nữ tính thì rất dễ bị gắn mác "tức giận", "khó gần gũi", bởi vì cô ấy không có vẻ nữ tính, nhẹ nhàng như số đông mong đợi".

Hãy tự vấn xem rằng, liệu chúng ta có đang đặt nặng về câu chuyện giới tính quá hay không?