Nam nhi hành xử lệch lạc do giáo dục giới tính bất bình đẳng?

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Tung hoành trên mặt trận tình ái, tung hô chuyện giường chiếu, hèn hạ trong ứng xử với người khác phái... Cách hành xử méo mó của nhiều nam nhi xuất phát từ chính giáo dục giới tính "lệch lạc".

Trong cuộc sống, chúng ta không khó chứng kiến những cách hành xử khó chấp nhận của cánh nam, nhất là trong những mối quan hệ tình cảm thiêng liêng với người khác giới. Qua báo chí, qua mạng xã hội và có khi ngay bên cạnh chúng ta... 

Nam nhi hành xử lệch lạc do giáo dục giới tính bất bình đẳng? - 1

(Ảnh minh họa)

Đó có thể là một ông bố bạo hành vợ con; anh chàng dùng "sức mạnh" cơ bắp trong quan hệ tình cảm như ép tình, quan hệ; bị từ chối thì dọa giết, dọa chết; dùng clip "nóng" để khống chế, dọa dẫm bạn gái; yêu đương không giữ gìn, ngông nghênh trở thành những ông bố vô trách nhiệm... 

Những cách ứng xử không đáng mặt nam nhi này không phải là cá biệt. Điều này, buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Vì đâu những người được mệnh danh là "phái mạnh", là làm trai" lại có thể hành xử như vậy? Và vì đâu những người đàn ông cư xử như vậy vẫn có chốn "dung thân"?

Quên dạy con trai chịu trách nhiệm hành vi 

ThS, Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (Cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ) cho hay, phần đông gia đình Việt Nam dạy con theo kiểu bảo vệ một chiều, chưa bình đẳng trong giáo dục giới tính. 

Đa số cha mẹ kỹ lưỡng trong việc dạy con gái phải giữ gìn thân thể,

Mẹ chịu ấm ức nhưng vẫn không dạy con trai đàng hoàng
"Nhiều người mẹ, chịu ấm ức với thân phận “như ô-sin” khi về làm dâu nhưng chính họ lại chẳng dạy con trai mình nấu nướng, làm việc nhà, thậm chí khó chịu, dằn hắt khi thấy con dâu “sai” con trai mình", bác sĩ Nguyễn Lan Hải

danh dự, trinh tiết nhưng cũng trong cùng gia đình đó, ít cha mẹ chịu dạy con trai mình phải tôn trọng thân thể, danh dự, sức khỏe người bạn gái. 

Nhiều gia đình chú ý dạy con gái các kỹ năng gia đình để sau này chu toàn bổn phận “làm vợ” nhưng lại bỏ qua việc dạy con trai học “làm chồng”.

Con gái trong nhà vụng về nữ công gia chánh thì sợ “sau này nhà chồng chê cười”. Con trai mù tịt về nấu nướng thì “rồi sau này vợ nó khắc lo”.

Nhiều gia đình chịu ảnh hưởng lối mòn trong hành xử về giới, nơi mọi phụ nữ sẽ bị nguyền rủa hoặc coi thường nếu thân thể của họ bị ai đó xâm hại, sử dụng, bêu riếu.

Trong khi người đàn ông gây ra hành vi đó không bị phán xét, thậm chí còn được coi là “chiến tích”, có thể thoải mái bầy hầy đối xử thô bỉ với người nữ trong quan hệ yêu đương. 

Nam nhi hành xử lệch lạc do giáo dục giới tính bất bình đẳng? - 2

(Ảnh minh họa)

Sự bất bình đẳng trong hướng dẫn về hành xử giới tính này khiến các cậu trai mặc sức tung hoành trên mặt trận ái tình, sẵn sàng trốn chạy khi làm cho bạn gái có thai. Và cũng bỉ ổi không kém khi luôn thủ sẵn clip sex để tấn công nếu cô gái bỏ rơi họ. 

Sau khi bị tung clip sex, định kiến tấn công nữ giới đến nỗi có thể gây mất việc, bị đuổi học, bị hàng xóm xa lánh, xì xào. Có cô gái sợ hãi, nhục nhã, bế tắc đến mức tự tử, còn bạn trai thì "ngoài vùng phủ sóng". 

Theo bác sĩ Hải, nam nhi hay thiếu nữ đều cần được giáo dục chịu tránh nhiệm về hành vi ứng xử, thái độ của mình. Cần cư xử bình đẳng giới một cách văn minh và giàu lòng nhân ái là sự tôn trọng, thấu cảm, chia sẻ những khó khăn của nhau.

Chính tư tưởng trọng nam khinh nữ, thiếu bình đẳng trong giáo dục giới tính trở thành rào cản để có những nam nhi, những người đàn ông, những người chồng, người cha... ga lăng, lịch thiệp, tôn trọng phụ nữ, biết sử dụng sức mạnh của mình vào những việc làm cho mối quan hệ trong đời sống xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Người đàn ông có vai trò rất lớn trong gia đình, xã hội nhưng họ chưa được giáo dục đúng cách để thể hiện được khả năng, lợi thế của mình vào những việc tốt đẹp.

Ngược lại, "sức mạnh" ấy lại đang bị nhiều người thể hiện ở những hành vi méo mó, lệch lạc, thiếu đạo đức... 

Bài học mà các bậc cha mẹ và người lớn cần dạy con em:

-Xóa bỏ việc phán xét, kỳ thị, lên án, loại trừ người khác chỉ vì họ không giống mình.

-Trai hay Gái đều phải biết chịu trách nhiệm về thái độ và hành xử của mình.

-Phải có “bộ lọc” trong tiếp nhận và xử lý mọi thông tin, trào lưu diễn ra ồ ạt.

-Bồi đắp lòng trắc ẩn và sự tha thứ - điều làm cho bình đẳng giới trở nên “bộ luật của yêu thương”.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải