Tik Tok là nơi tiềm ẩn rủi ro về các chứng rối loạn tâm thần

Hiền Khanh

(Dân trí) - Từng là "thiên đường" của những điệu nhảy "gây bão" và những video chó mèo dễ thương, nhưng Tik Tok giờ đây trở thành nơi ủ mầm nhiều loại bệnh tâm thần. Đã đến lúc Gen Z cùng bố mẹ cần lưu ý.

Tik Tok là nơi tiềm ẩn rủi ro về các chứng rối loạn tâm thần - 1

Trên Tik Tok hiện nay tràn ngập những video có nội dung khuyến khích các cô gái tuổi vị thành niên tự chẩn đoán bệnh tâm thần cho bản thân (Ảnh: praetorianphoto).

Một nhóm các ngôi sao mạng xã hội mới đang nổi lên trên Tik Tok như là những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Hầu hết là các cô gái tuổi teen và phụ nữ trẻ đăng video cho thấy bản thân có các triệu chứng như nháy mắt (tic) hay chuyển từ cá tính này sang cá tính khác cực nhanh do rối loạn nhân cách. Một số khác, thường không có chuyên môn y khoa, nhưng đăng các video giúp người xem tự chẩn đoán tình trạng sức khỏe tâm thần của bản thân.

Những video này nhanh chóng thu hút hàng tỷ lượt xem. Chỉ riêng trên Tik Tok, hashtag #BPD đã có 3,7 tỷ lượt, #bipolar (bipolar disorder - rối loạn lưỡng cực) có 2 tỷ lượt, và #DID (dissociative identity disorder - rối loạn nhân dạng phân ly, tên gọi khác của rối loạn đa nhân cách) có 1,5 tỷ lượt xem.

Gần đây, các nhà tâm lý học đã nhận thấy một làn sóng các cô gái vị thành niên khẳng định bản thân mắc các chứng rối loạn trên, và thậm chí là cả những căn bệnh hiếm gặp ở độ tuổi của họ, như tâm thần phân liệt (schizophrenia). Điểm chung giữa các cô gái này là: Xem nhiều nội dung về sức khỏe tâm thần trên Tik Tok.

Sau gần hai năm phong tỏa vì dịch bệnh và phải ở nhà do trường học đóng cửa, các thanh thiếu niên cô đơn dành nhiều thời gian hơn trên mạng và bắt gặp những video về sức khỏe tâm thần trên Tik Tok. Một khi họ đã bấm vào xem và thể hiện sự quan tâm đến những nội dung này, thuật toán của Tik Tok sẽ gợi ý cho các cô gái trẻ dễ bị ảnh hưởng thêm nhiều video khác với chủ đề tương tự.

Mặc dù nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần là một việc tốt, và những người đăng các video kia cũng không có mục đích xấu, nhưng họ lại đang vô tình ảnh hưởng đến những người xem trẻ tuổi nhẹ dạ, nhạy cảm.

Nhiều người trong số đó bắt đầu tự chuẩn đoán tình trạng của mình, mà thường là không chính xác, hay thậm chí sau khi biết đến những triệu chứng trên, họ vô thức biểu hiện chúng để rồi nhầm lẫn bản thân thành bệnh nhân của những căn bệnh này.

Tik Tok là nơi tiềm ẩn rủi ro về các chứng rối loạn tâm thần - 2

Chỉ tính riêng TikTok, hashtag #BPD (rối loạn nhân cách ranh giới) đã có 3,7 tỷ lượt xem (Ảnh chụp màn hình Tik Tok).

Theo Tiến sĩ Jean Twenge, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang San Diego (Mỹ), sự bùng nổ các nội dung liên quan đến sức khỏe tâm thần trên Tik Tok là một dạng lây lan tự phát của hành vi hoặc cảm xúc trong xã hội (social contagion), thông qua hội nhóm hoặc các mạng lưới.

Hiện tượng này đã được nghiên cứu từ thế kỷ 19 và vốn luôn phổ biến ở các cô gái tuổi teen hơn là các nhóm đối tượng khác, chẳng hạn như chứng rối loạn ăn uống đã được chứng minh là dễ lây lan trong các nhóm bạn bè.

Chia sẻ về vấn đề này trên tờ New York Post, nhà báo Rikki Schlott bày tỏ: "Cũng là Gen Z, tôi đã tận mắt chứng kiến những tác hại mà mạng xã hội đã mang đến cho thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay, thậm chí là để lại những vết cắt trên cổ tay của nhiều bạn bè tôi".

"Tôi biết có một số lượng nhiều đến đáng kinh ngạc những người cô gái đồng trang lứa đã nghĩ quẩn và tự làm hại bản thân, trong đó có nhiều người bị nghiện mạng xã hội nặng."

Từ năm 2009 đến 2019, tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em gái vị thành niên đã tăng lên gấp đôi. Và theo dữ liệu mới nhất, trong những năm các phương tiện truyền thông xã hội bắt đầu phát triển (từ 2010 đến 2014), tỷ lệ nhập viện do tự làm tổn thương bản thân ở các em gái từ 10 đến 14 tuổi đã tăng 100%.

Thực trạng sức khỏe tinh thần ở người trẻ ngày càng đi xuống, cùng với việc sử dụng điện thoại di động rộng rãi, đã dẫn đến một trào lưu mới mà nhà báo Schlott gọi là một "đại dịch đáng sợ" về sức khỏe tâm thần.

Đã qua rồi cái thời mà người ta muốn thể hiện những khoảnh khắc nổi bật nhất của cuộc sống trên Instagram. Giờ đây, đăng lên những khoảnh khắc tồi tệ nhất mới là hợp xu hướng.

Nước mắt mới là thứ thu hút sự chú ý của mạng xã hội ngày nay, và những người sáng tạo nội dung chớp lấy thời cơ đó bằng cách tỏ ra yếu đuối, dễ thương cảm để lôi kéo lượt xem.

Cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp thực sự nào cho vấn đề này. Câu trả lời không nằm ở các nền tảng mạng xã hội, bởi họ vẫn luôn ưu tiên đặt lợi nhuận lên trên lợi ích người dùng. Cũng không phải ngăn cản mọi người tìm hiểu về sức khỏe tâm thần thì sẽ giải quyết được.

Thay vào đó, phụ huynh, đặc biệt là những người có con em đang ở độ tuổi vị thành niên, cần trở thành tuyến đầu phòng thủ để chống lại những tác hại của mạng xã hội.

Nhà báo Schlott cho rằng khác với việc nhắn tin với bạn bè hay chơi điện tử, mạng xã hội hoàn toàn không phù hợp với trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên. Cô cũng cho rằng nên giữ cho con em tránh xa khỏi mạng xã hội cho đến độ tuổi phù hợp là cách tốt nhất để ngăn chặn những hệ lụy không mong muốn do nhận thức chưa đúng về sức khỏe tâm thần.

Đồng tình với quan điểm này có Tiến sĩ Twenge, người kêu gọi các bậc cha mẹ không để con gái mình tiếp cận với mạng xã hội trước khi các em đủ 16 tuổi, nếu có thể.

Cô cũng khuyên cha mẹ hãy để điện thoại ngoài phòng ngủ trước giờ đi ngủ để làm gương cho con cái, tốt hơn nữa thì một tiếng trước khi ngủ hãy ngừng sử dụng các thiết bị điện tử, và đảm bảo rằng các con cũng làm như vậy.

Theo nypost.com