Một năm khóa mạng xã hội giúp cô gái Việt giành học bổng thạc sĩ của EU
(Dân trí) - Hoàng Phương Hải Châu tự nhận mình không phải là người học quá giỏi. Nhưng một năm khóa mạng xã hội cùng những lựa chọn phát huy tối đa khả năng đã giúp Châu giành học bổng Erasmus Mundus.
"Để giành học bổng, bạn có thể không phải là người giỏi nhất"
Hoàng Phương Hải Châu (sinh năm 1998, Hà Nội) chuẩn bị hoàn thành chương trình học tại Đại học Tsukuba sau 4 năm. Tháng 9 này, cô gái Hà Nội sẽ bay sang châu Âu để học Thạc sĩ ngành Kinh tế học phát triển theo chương trình học bổng Erasmus Mundus.
Hải Châu là một trong số ít những người Việt Nam nhận học bổng Erasmus Mundus năm nay. Châu sẽ học tại ba nước châu Âu là Pháp, Séc và Ý trong 2 năm và cơ hội thực tập ở một nước thứ tư.
Điều đặc biệt, Hải Châu cho rằng hồ sơ của mình không quá xuất sắc, nhưng Châu được chọn vì là người phù hợp với yêu cầu của chương trình, có mục tiêu thuyết phục khi lựa chọn chương trình đúng với sở trường của mình.
"Từ khi đi học, mình không phải lúc nào cũng là người xuất sắc nhất mà chỉ vừa đủ. Vừa đủ điểm đỗ vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, vừa đủ để có học bổng của Trường Đại học Tsukuba.
Nhưng sau đó mình nhận ra, thế giới này luôn có chỗ dành cho những người không quá tài năng, như mình", Hải Châu nói.
Hải Châu nhận định, người giành học bổng là người hiểu chính xác chương trình yêu cầu gì và trình bày một bộ hồ sơ nhất quán dựa trên thành tích cá nhân và những yêu cầu đó.
"Có thể những thí sinh khác có điểm số cao hơn mình, hồ sơ công việc tốt hơn, nhưng không được lựa chọn vì học bổng không tìm kiếm đối tượng như họ"
Hải Châu đã dành hơn hai năm nghiên cứu tiêu chí học bổng, chuẩn bị năng lực để có được một bộ hồ sơ phù hợp với chương trình ứng tuyển.
Châu đáp ứng được 3 điểm mà chương trình đang tìm kiếm, là kinh nghiệm làm việc liên quan đến phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, khả năng nghiên cứu độc lập cùng nền tảng kiến thức khoa học xã hội, tiềm năng đóng góp xã hội thông qua các hoạt động cộng đồng.
"Mình được thế giới này trao cơ hội học tập thì hãy trả lại cho thế giới bằng những đóng góp của mình, để sự đầu tư từ học bổng mình nhận được là xứng đáng", Châu nói.
Những hoạt động ngoại khóa của Hải Châu từ khi học cấp 3 đến giờ đều đáp ứng những yêu cầu đó.
Năm 15 tuổi, Hải Châu bắt đầu tham gia Hội thảo mô phỏng Liên Hợp Quốc ở Việt Nam. Trong suốt thời gian học đại học, Châu đã có cơ hội sang Mỹ và Thụy Sĩ để tham dự các hội thảo.
Châu nhớ lần làm chủ tọa Hội đồng Kinh tế và Xã hội tại hội thảo WIMUN Geneva - Thụy Sĩ, có những ngày lịch họp kín mít, Châu làm việc 18 tiếng một ngày và ăn bánh mì qua bữa.
Do lịch hội thảo ở Thụy Sĩ và ở Mỹ gần nhau, có ngày Châu bay từ Geneva về Tokyo, nghỉ khoảng 10 tiếng, rồi lại bay đến Washington để tiếp tục tham dự hội thảo.
Lần tham dự Harvard World MUN Tokyo trực tuyến. Do lệch múi giờ giữa Mỹ và Nhật nên các cuộc họp luôn vào giữa đêm, Châu chỉ ngủ 2 tiếng rồi dậy tham gia các phiên họp tiếp theo.
"Nhờ tham gia các hội thảo học thuật, mình có góc nhìn toàn cảnh về những chủ đề nóng hổi của thế giới. Được làm việc với những chuyên gia của Liên Hợp Quốc, tham gia nghiên cứu cùng họ và được họ trực tiếp chỉnh sửa phần nghiên cứu của mình", Hải Châu nói.
Trong khoảng thời gian về Việt Nam nghỉ hè, Hải Châu đã tham gia giúp đỡ trẻ em ở Đồng Tháp thực hiện các dự án xã hội, làm thực tập sinh tại Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia với sự hỗ trợ của EU.
Khóa mạng xã hội một năm để hiểu mình
Hải Châu đặt bút viết bài luận trong 2 tuần thì hoàn thành. Nhưng trước đó, Châu dành cả năm 2020 chỉ để suy nghĩ về nó.
"Khi dịch Covid-19 bùng phát, mình quyết định biến khó khăn thành cơ hội. Mình khóa hết mạng xã hội, không đi làm, hạn chế gặp bạn bè trong suốt một năm.
Không chỉ vì dịch bệnh, mà còn để hiểu bản thân mình muốn gì và dồn sức chinh phục học bổng", Châu nói.
Trong khoảng thời gian đó, Châu học các khóa học hỗ trợ việc "săn" học bổng, đọc thêm nhiều tài liệu về kinh tế, xâu chuỗi lại toàn bộ kiến thức trong 4 năm đại học.
Châu đọc nhiều sách và tài liệu chuyên ngành. Châu đến khu vực tự học nhiều đến nỗi "cả năm trời, ngày nào người ta cũng thấy mặt mình".
"Một năm chỉ có mình với bàn học từ sáng đến tối, như kiểu đi tu. Đổi lại mình có thời gian để nấu nướng, tập thể dục và ra bờ sông ngồi để suy nghĩ về bản thân.
Kiến thức phát triển trong tĩnh lặng, những ai thực sự muốn suy nghĩ, học hỏi thì có thể thử cách làm việc tách biệt với thế giới một khoảng thời gian như mình đã áp dụng", Hải Châu bật mí.
Hải Châu cho biết, ngược lại, trước đây Châu là người hướng ngoại điển hình. Châu hay chia sẻ cảm xúc và có hẳn một blog để viết về góc nhìn của bản thân, có một fanpage hơn 18 nghìn lượt theo dõi.
Năm 2019 là bước ngoặt, khi Hải Châu may mắn được gặp rất nhiều nhân vật "con nhà người ta".
Lần về Việt Nam tham gia trường hè khoa học, lớp có 14 người thì 8 người xuất sắc đã lên các mặt báo, chuẩn bị làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
"Mình choáng ngợp khi chưa có thành tích gì và cũng không có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học", Châu nói.
Sau khi hoàn thành khóa học đó, Hải Châu lại bay sang Washington (Mỹ) tham gia hội thảo của Liên Hợp Quốc. Châu lại gặp những người biết cách hùng biện, thuyết trình về bản thân và thấy ở họ có sức hút kì lạ.
Hải Châu đã luôn tìm cách học hỏi từ những người xuất sắc hơn, tham gia các chương trình lớn, ứng tuyển vào các tổ chức lớn. Châu luôn ám ảnh về việc làm sao để có thành tích như họ.
"Sau năm 2019 mình nhận ra, nếu mình cứ chạy theo những người xuất sắc, thì mình mãi chỉ là người đi sau.
Đã đến lúc tìm xem có con đường nhánh nào để được làm chính mình, phát huy tối đa bản sắc, không tự gây áp lực không cần thiết", Hải Châu nói.
Năm 2020, Hải Châu không có nhiều va vấp xã hội như trước, nhưng lại trưởng thành hơn rất nhiều. Châu đã biết cách làm việc "sâu" hơn trong một xã hội ngày càng "nhiễu".
"Để làm việc "sâu" thì phải giới hạn các tương tác xã hội không cần thiết, sau khi đã đủ va chạm xã hội trước đó. Quá nhiều sự cọ xát khi bản thân còn chưa đủ vững vàng giống như căn nhà không móng trước gió", Hải Châu chia sẻ.
Điểm quan trọng trong bài luận của Hải Châu là quá trình hình thành suy nghĩ sâu hơn về bản thân qua những cống hiến cho xã hội.
Hải Châu không kể lể thành tích, mà trình bày việc tham gia các hoạt động xã hội, các thành tích của cô mang lại lợi ích gì cho người khác.
"Nếu mình cứ là một con người ích kỉ như trước, lúc nào cũng muốn ánh đèn spotlight hướng về mình thì sẽ không thể chinh phục được học bổng. Mình phải coi mình là một vật thể bé nhỏ thôi và tập trung cho xã hội hơn.
Mình mong mọi người tôn trọng sự không xuất chúng cả bản thân, trong thời đại ai cũng tôn vinh những điều xuất chúng.
Nỗ lực là cần thiết, nhưng như một chú cá chạy đua trong việc leo cây là vô ích. Quan trọng nhất, hãy va vấp hết mình cho trải nghiệm tuổi trẻ nhưng cũng tĩnh lặng chiêm nghiệm để trưởng thành", Hải Châu khẳng định.