Mỹ: Gen Z rủ nhau từ bỏ mạng xã hội
(Dân trí) - Gen Z là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên cùng với các thiết bị số và mạng xã hội. Họ cũng là những người đầu tiên cảm thấy chán ngán việc liên tục tiếp xúc với màn hình.
Emma Lembke, 19 tuổi, hiện là sinh viên năm nhất Đại học Washington tại St. Louis (Mỹ). Nhớ lại những trải nghiệm đầu tiên trên mạng xã hội khi còn là một học sinh cấp 3, cô sinh viên bày tỏ: "Đó là khoảng thời gian tuyệt vời và em cảm thấy như thể mình có cả thế giới trong tầm tay".
Nhưng dần dần, Emma nhận ra mình đã lún sâu vào những nền tảng này và dường như bản thân đang mất kiểm soát. Cuối cùng, cô ngừng sử dụng mạng xã hội, nhưng vẫn cảm thấy những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, chán nản thậm chí mất ngủ.
Đại dịch bùng nổ trên phạm vi toàn cầu được ví như sợi dây buộc thanh thiếu niên vào các thiết bị điện tử. Không chỉ phục vụ mục đích giải trí cá nhân, học sinh còn cần đến các thiết bị thông minh để học online khi các trường học bị phong tỏa. Việc phải dành cả núi thời gian online như vậy mỗi ngày đã thúc đẩy Emma phải hành động.
Khoảng giữa năm 2020, từ phòng ngủ của mình ở Alabama (Mỹ), cô bạn Gen Z đã phát động phong trào có tên LOG OFF (tắt các màn hình điện tử).
"LOG OFF được khởi xướng là một phong trào dành cho thanh thiếu niên". Mục đích của LOG OFF là tạo ra một không gian đối thoại, trò chuyện về tính chất đa diện của truyền thông xã hội và thúc đẩy việc sử dụng nó theo những cách thức lành mạnh hơn, Emma giải thích.
Ban đầu, cô bạn trẻ chỉ hoạt động dưới dạng một blog, tập trung thảo luận về những tác động tiêu cực mà mạng xã hội gây ra đối với cuộc sống của chính bản thân. Nhưng không lâu sau đó, Emma nhận ra không ít bạn trẻ khác cũng có mối quan tâm tương tự với mình. Phong trào đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn thanh thiếu niên từ hơn một chục quốc gia, ghi lại những lo lắng và ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý và tinh thần khi bị kiểm soát bởi mạng xã hội.
Ở Los Angeles, Emi Kim, 18 tuổi, cũng nằm trong số những người trẻ đang vật lộn để tìm sự cân bằng giữa các thuật toán gây nghiện trên các ứng dụng mạng xã hội và nhu cầu của bản thân để duy trì kết nối với bạn bè trong thời gian bị "nhốt" vì Covid-19.
"Em đã xóa mọi thứ mình đăng tải trên mạng xã hội. Em cũng gỡ cài đặt tất cả các ứng dụng này", Kim nói.
Cô nữ sinh cho biết là có nhiều bạn trẻ vẫn đang mong ước trở thành những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Khi quay trở lại cuộc sống bên ngoài đời thực, ở trường học cùng các hoạt động ngoại khóa, nhiều người vẫn khao khát danh hiệu người nổi tiếng, ngôi sao trên TikTok hay YouTube.
Theo số liệu của một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí chuyên ngành JAMA Pediatrics, trước đại dịch Covid-19, trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 sử dụng trung bình 3,8 tiếng/ngày để tham gia các hoạt động trực tuyến, không tính khoảng thời gian phục vụ việc học. Thế nhưng, vào tháng 5/2020, con số này đã tăng lên 7,7 tiếng/ngày.
Emma tin rằng, phần lớn thời gian gia tăng đó là do các chiến lược có chủ ý của các công ty công nghệ chứ không phải do Gen Z thiếu ý chí để đặt điện thoại xuống.
"Một số bạn bè nói với em rằng, họ bị mắc kẹt trong một vòng tròn khép kín". Vừa xem xong một video thì hàng loạt video khác tiếp tục hiện ra, thôi thúc các bạn phải xem tiếp mà không thể ngừng lại được. Rõ ràng thuật toán do các mạng xã hội xây dựng có khả năng khiến nội dung được gợi ý liên tục, từ đó thôi thúc người dùng tiếp tục lướt màn hình điện thoại để xem một cách vô thức. Emma còn lưu ý thêm rằng, không ít video chứa nội dung độc hại, không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Emma đã hợp tác với sinh viên năm nhất trường Aliza Kopans thuộc Đại học Brown để tận dụng thành công của LOG OFF và thành lập một tổ chức khác có tên là Tech(nically) Politics.
Nhóm đang ủng hộ Đạo luật An toàn và Thiết kế Internet cho Trẻ em (KIDS Atc). Dự luật được giới thiệu lại vào tháng 9/2021 và được thiết kế để "ngăn chặn các hoạt động trực tuyến như tiếp thị lôi kéo, phóng đại nội dung có hại và các tính năng thiết kế có tính tàn phá, đe dọa những người trẻ tuổi dùng mạng xã hội.
Các cơ quan quản lý của Mỹ cũng xác nhận mặt trái của các nền tảng mạng xã hội. Cụ thể, một báo cáo gần đây của Quốc hội Mỹ cho biết, Facebook là nền tảng mạng xã hội phát tán nhiều tin giả và nội dung gây thù ghét gây tác động tiêu cực lên nhận thức và hành vi của giới trẻ Mỹ.
Ngoài ra, tạp chí Wall Street Journal cũng từng công bố tài liệu cho thấy, 1/3 nữ sinh Mỹ được khảo sát thú nhận rằng các nội dung trên Instagram khiến các em cảm thấy thất vọng về ngoại hình của bản thân. Điều này trái ngược với tuyên bố của Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, rằng: "Nền tảng Instagram giúp nhiều thanh niên có thể vượt qua được những vấn đề nghiêm trọng mà bản thân đang đối mặt".
Theo nghiên cứu của Pew Research, có tới 45% thanh thiếu niên được khảo sát cảm thấy "bị ngợp bởi mạng xã hội", mặc dù thời gian dành cho việc lướt mạng vẫn tiếp tục tăng lên mỗi năm.
"Có quá nhiều áp lực về việc phải trở nên hoàn hảo ở mọi mặt, đến nỗi bạn không thể thừa nhận rằng mọi người đều có khuyết điểm. Và có cảm giác như bạn là người duy nhất còn thiếu sót", Kim bày tỏ.
Năm 2021, Kim tham gia vào Phong trào LOG OFF và phụ trách mảng LGBTQ+, nơi cô giúp thanh thiếu niên trong cộng đồng đó tìm và điều hướng không gian an toàn trực tuyến.
Những bạn trẻ dẫn đầu LOG OFF thực sự hy vọng những nỗ lực của nhóm sẽ giúp cho các thanh thiếu niên cảm thấy hạnh phúc và an toàn trong các môi trường trực tuyến đầy rẫy cạm bẫy như hiện nay.
Tuy nhiên, đó là một thách thức không có điểm cuối rõ ràng, và là thách thức mà chưa thế hệ nào gặp phải. Theo Emma, công nghệ là một phần của Gen Z, nên việc này càng khó khăn.