Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường?

Võ Bình Minh

(Dân trí) - Nhiều hãng thời trang đang tạo ra những chất liệu thay thế bền vững từ các nguyên liệu như nấm và ngô.

Việc không dùng các chất liệu khai thác từ động vật không phải lúc nào cũng đảm bảo rằng sản phẩm đó hoàn toàn thân thiện với môi trường. Các chất liệu thay thế đó, từ da "thuần chay," lông thú giả đến lụa nhân tạo, đều có những tác động nhất định lên tự nhiên. Tuy nhiên, len là một trường hợp đặc biệt.

Bạn có thực sự vegan (thuần chay) nếu vẫn mặc váy lụa hay dùng túi da? Stella McCartney, nhà thiết kế nổi tiếng người Anh, sẽ trả lời là Không, nhưng đối với nhiều người, việc không mặc quần áo sử dụng chất liệu khai thác từ động vật khó hơn chuyển sang ăn thuần chay nhiều. Ngày càng có nhiều hãng thời trang "thuần chay" ra đời nhưng liệu các sản phẩm của họ có thực sự thân thiện với môi trường và hoàn toàn không sử dụng chất liệu khai thác từ động vật?

Không có quy định rõ ràng về quần áo "thuần chay" giống như chế độ ăn thuần chay và là chủ đề được bàn tán sôi nổi. Ví dụ như việc một số tín đồ thời trang "thuần chay" cho rằng tiêu thụ da vintage trong thời trang "thuần chay" có thể chấp nhận được nhưng lông thú vintage thì không được. Dẫu vậy, McCartney không dùng da hay lông thú trong những thiết kế của mình, bất kể là vintage hay không, nhưng sẽ dùng len có quy trình thu hoạch và sản xuất nhân đạo vì bà nghĩ rằng chất lượng của chúng tốt hơn các chất liệu thay thế.

Cũng quan trọng không kém, để thực sự được coi là "thuần chay," các doanh nghiệp phải đảm bảo những vật liệu được dùng trong quá trình sản xuất quần áo như hồ, thuốc nhuộm hay sáp cũng không có chất liệu khai thác từ động vật. Những quy trình kiểm duyệt cho các vật liệu sản xuất này khá phức tạp nên nhiều người trong ngành thời trang muốn có một cơ quan được tạo ra để thiết lập các quy chuẩn chung cho quần áo "thuần chay."

Sự rõ ràng cần được thiết lập sớm vì thời trang "thuần chay" ngày càng trở nên phổ biến hơn. Nền tảng tìm kiếm thời trang Lyst trong bản báo cáo đánh giá tác động của những sự thay đổi trong ngành lên hành vi khách hàng năm 2020 nhấn mạnh rằng lượt tìm kiếm với từ khóa "da "thuần chay" tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mạng xã hội nghiên cứu bán lẻ Edited đưa ra một giả thuyết là đại dịch Covid-19 có thể là lý do đằng sau việc các sản phẩm thuần chay nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường? - 1

Một chiếc áo da "thuần chay" từ hãng Rejina Pyo (Ảnh: South China Morning Post).

"Thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây hại nhất trên thế giới," McCartney nói với South China Morning Post. "Nó không được kiểm soát và chúng tôi không có cách nào để đo được độ ảnh hưởng của mình - chúng tôi đang ở trong một tình trạng khá tai hại, nhưng thật tốt là việc bàn luận về thời trang "thuần chay" đến đúng lúc, và như các ngành khác, ngành thời trang nhận ra rằng để theo kịp với thời thế và có khách hàng, bạn cần phải hưởng ứng với các chủ đề mà các thế hệ X, Y, và Z quan tâm."

Nhưng vẫn có các khía cạnh của thế giới thời trang "thuần chay" mới này khiến nhiều người bối rối. Đây là những câu hỏi phổ biến cùng câu trả lời.

Mọi sản phẩm là "thuần chay" đều thân thiện với môi trường?

Không, điều đó chỉ cho biết rằng sản phẩm đó không có chất liệu khai thác từ động vật. Những sản phẩm gắn mác "thuần chay" có thể là một sự thay thế cho các sản phẩm thường có chất liệu khai thác từ động vật - nhưng không phải lúc nào cũng có nghĩa là chúng thân thiện với môi trường.

Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường? - 2

Veja biến ngô thành một nguyên liệu có chất lượng tốt để thay thế cho da trong nhiều sản phẩm giày thể thao của hãng (Ảnh: South China Morning Post).

Thời trang "thuần chay" có để lại hậu quả gì lên khí hậu không?

Những tín đồ thời trang nhân đạo có thể đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Việc không dùng da, lụa hay len vẫn có thể gây ảnh hưởng xấu lên môi trường vì nhiều hãng thời trang "thuần chay" thay thế các chất liệu khai thác từ động vật bằng các chất liệu có chứa nhựa. Lời khuyên dành cho những bạn nào đang cố gắng mua sắm một cách nhân đạo nhất, hãy chú ý đến hệ thống sản xuất và nguyên liệu tạo ra sản phẩm trước khi mua.

Những nguyên liệu mới nào được dùng để thay thế da?

Da tổng hợp là một phương án. Chất liệu này thường được làm từ một trong hai loại polime nhựa, polyurethane (PU) hoặc polyvinyl chloride (PVC), cả hai đều không tốt cho môi trường. Dẫu vậy, ngày càng có nhiều các chất liệu thay thế da.

Một chất liệu thay thế da khác vào tháng 3/2021 đã được McCartney giới thiệu trong bộ sưu tập đầu tiên sử dụng nó của mình, Mylo - một loại da "thuần chay" làm từ nấm, được phát triển từ sợi tự nhiên mycelium (cấu trúc rễ của nấm), tạo ra bởi MycoWorks, một công ty công nghệ sinh học ở California, Mỹ.

Chất liệu thay thế này nhìn như da, sờ như da, và thậm chí còn có mùi như da. Khá thú vị là ngoài nấm, vỏ dứa, ruột và vỏ táo cũng có thể được phát triển thành các chất liệu để thay thế da.

Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường? - 3

Người mẫu Paris Jackson và một sản phẩm làm từ Mylo trong bộ sưu tập của Stella McCartney (Ảnh: South China Morning Post).

Da "thuần chay" đang dần trở thành một xu hướng, đặc biệt là khi nó ở trong tay những hàng thời trang như Nanushka. Các nhà thiết kế như Rejina Pyo giờ dùng da "thuần chay" cho váy zip, quần và áo khoác. Tuy nhiên, họ lại chọn da thật cho phụ kiện vì chúng sẽ đẹp hơn và khách hàng thường trân trọng và giữ chúng lâu hơn.

Trong những hãng giày dép tiên phong trong việc sử dụng các chất liệu thay thế thân thiện với môi trường có Veja được công nương Anh Meghan Markle yêu thích. Veja biến ngô thành một nguyên liệu có chất lượng tốt để thay thế cho da trong nhiều sản phẩm giày thể thao của hãng; với giày cao gót "thuần chay" thì có hãng Piferi, thành lập bởi nhà thiết kế Alfredo Piferi (từng làm cho hãng Jimmy Choo) và hãng Taylor + Thomas ở Los Angeles, Mỹ; với bốt "thuần chay" thì có hãng Mireia Playà từ Tây Ban Nha (dùng vải polyester tái chế) và hãng Dear Frances ở London, Anh.

Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường? - 4

Giày "thuần chay" của Piferi (Ảnh: South China Morning Post).

Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường? - 5

Bốt "thuần chay" của Mireia Playà (Ảnh: South China Morning Post).

Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường? - 6

Bốt "thuần chay" của Dear Frances (Ảnh: South China Morning Post).

Lụa

Dù là chất liệu luôn được gắn liền với sắc đẹp và sự quyến rũ, dây chuyền sản xuất lụa lại hoàn toàn trái ngược. Những con tằm bị luộc sống trong kén và các vùng sản xuất lụa ở Ấn Độ được cho là dùng nhân công trẻ em để thu hoạch các chỉ tơ.

Điều đáng mừng là đang có nhiều chất liệu làm từ thực vật có thể bắt chước các đặc điểm của lụa. Một trong số đó là Bolt Threads. Qua việc nghiên cứu tơ nhện, hãng Bolt Threads đến từ California, Mỹ đã có thể hiểu được mối liên hệ giữa ADN của nhện và các đặc điểm tơ của chúng. Công ty này tái tạo lại quy trình đó trên quy mô lớn để tạo ra một loại lụa "thuần chay" giống và, quan trọng nhất, là khi sờ có cảm giác như lụa thường và làm việc cùng nhiều hãng thiết kế lớn. Giá của lụa "thuần chay" làm ra bởi công ty Bolt Threads vẫn bằng với giá lụa thường.

Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường? - 7

Hãng Nanushka nổi tiếng với quần áo da "thuần chay" (Ảnh: South China Morning Post).

Len

Len thì phức tạp hơn. McCartney chọn dùng len vì nhà thiết kế này tin rằng nó tốt cho môi trường hơn các chất liệu thay thế có chứa nhựa.

Dana Thomas, tác giả của Fashionopolis: The Price of Fast Fashion and the Future of Clothes (Fashionopolis: Cái Giá của Thời Trang Giá Rẻ Chạy Theo Xu Hướng và Tương Lai của Quần Áo) cũng đồng quan điểm. "Len là một trong những thứ tốt nhất cho môi trường để mặc vì khi áo len sờn vải hoặc trở nên cũ kỹ, bạn có thể chế chúng thành phân bón một cách an toàn - và trong sách của tôi có nói, điều đó rất quan trọng," Dana Thomas nói.

Cộng đồng "thuần chay" thì kiên quyết với quan điểm rằng chất liệu nào khai thác từ động vật đều là vấn đề - nhưng chỉ đến khi thế giới tạo ra một chất liệu giống len và không có chứa nhiều nhựa, khó có khả năng chúng ta dừng dùng len.

Thời trang thuần chay có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường? - 8

Giày của hãng Pangaia làm từ chất thải quả nho (Ảnh: South China Morning Post).

Lông nhân tạo

Lông thú thật đã lâu không được chấp nhận, trong khi đó nhiều người không tán thành việc dùng lông thú giả vì nó thường được làm từ sợi tổng hợp chứa nhiên liệu hóa thạch. Dù vậy, rất nhiều hãng thời trang mới, trong đó có Maison Atia và House of Fluff, và cả Stella McCartney (hãng tạo ra lông thú giả Koba Fur-Free Fur) đang làm ra các loại lông giả dưới dạng hỗn hợp của vải polyester tái chế và các sản phẩm từ thực vật.

Liệu đây là tương lai?

Gần như chắc chắn là vậy. "Tôi biết một điều rằng là Gen Z giờ không những quyết tâm ăn theo chế độ thuần chay mà còn quyết tâm mặc quần áo "thuần chay" nữa," MarieLeigh Bliss từ công ty marketing YPulse nói.

Theo www.scmp.com