Tăng sức "đề kháng" cho thanh niên trước thông tin xấu độc trên mạng

Mai Châm

(Dân trí) - "Cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức giáo dục để tăng sức đề kháng cho thanh niên làm chủ bản thân trước các thông tin xấu độc trên mạng xã hội".

Loạt biện pháp cần áp dụng để phát triển năng lực của đội ngũ trí thức trẻ

Chiều 29/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến góp ý của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII với sự chủ trì của Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm.

Tại hội nghị đã có 21 ý kiến với 75 đề xuất, kiến nghị góp ý cho Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Ngoài ra, Ban tổ chức nhận được 130 tham luận, ý kiến của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên.

Tăng sức đề kháng cho thanh niên trước thông tin xấu độc trên mạng - 1

Hội nghị lấy ý kiến góp ý của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

TS Lê Văn Lịch (sinh năm 1988, PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2022, giảng viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) đề xuất, cần phải xây dựng các nguồn quỹ và kết nối các nguồn lực để đồng hành và hỗ trợ việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của thanh niên, đặc biệt là các ý tưởng và sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp thiết trong nước.

"Hiện nay, nhà nước, các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp đang triển khai nhiều quỹ nghiên cứu. Tuy nhiên, rất ít quỹ nghiên cứu dành riêng cho tri thức trẻ. Sự ra đời các quỹ phát triển khoa học công nghệ cho đoàn viên, tri thức trẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo tiền đề để các nhà khoa học trẻ trưởng thành, nhanh chóng trở thành các cán bộ nòng cốt đóng góp vào thành tựu chung của nền khoa học nước nhà và góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ trong nước", TS. Lịch nói.

Tiếp tục đóng góp ý kiến, TS. Trương Thanh Tùng, giảng viên trường Đại học Phenikaa, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021 đề xuất, cần có những phong trào liên kết, góp chung ý tưởng, mang tính "liên cấp", để có những sáng tạo vượt trội vươn tầm thế giới.

"Chúng ta cũng cần lựa chọn những ý tưởng sáng tạo nổi bật của thanh thiếu nhi và kết hợp với các trí thức trẻ, giảng viên, nghiên cứu viên để hiện thực hóa ý tưởng. Đưa ý tưởng vào thực tế sẽ mang lại hiệu quả ứng dụng lớn hơn", TS. Tùng nói.

TS. Trần Lê Hưng, giảng viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam (TTTVN) toàn cầu, bày tỏ tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì và phát triển Diễn đàn trí thức trẻ và có những chương trình đưa các hoạt động của mạng lưới TTTVN toàn cầu vào thực tế, lấy ví dụ như tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu do Trung ương Đoàn trực tiếp đặt hàng, đề xuất.

Điểm thứ hai TS. Hưng đề xuất là bên cạnh các đề án trọng điểm trong nhiệm kỳ tới, cần có đề án về việc nâng cao nhận thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và bảo vệ trẻ vị thành niên trong thời đại số.

Tăng sức "đề kháng" cho thanh niên trước thông tin xấu độc trên mạng

Phát biểu tại hội nghị, TS. Trần Thị Thanh Mai, Tổng cục Hải quan nêu vấn đề: "Trong nhiệm vụ đồng hành với thanh niên cần bổ sung đối tượng phạm nhân trong độ tuổi thanh niên. Với nhóm thanh niên này, không chỉ cần đồng hành nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần mà còn cần giúp đỡ thanh niên tái hòa nhập cộng đồng, cải tạo tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội, góp phần giảm tỷ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh niên.

Với công tác cán bộ Đoàn, TS. Thanh Mai đề nghị nghiên cứu phương án luân chuyển cán bộ Đoàn, trước hết trong phạm vi địa phương, đồng thời tổ chức đánh giá năng lực cán bộ Đoàn định kỳ, triển khai cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời cán bộ Đoàn không đáp ứng được yêu cầu nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ đoàn, hội, đội các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và gương mẫu.

Tăng sức đề kháng cho thanh niên trước thông tin xấu độc trên mạng - 2

"Đoàn Thanh niên cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức giáo dục để tăng sức đề kháng cho thanh niên làm chủ bản thân trước các thông tin xấu độc trên mạng xã hội".

Bạn Châu Phú Vinh, sinh viên Học viện An ninh nhân dân cho rằng, đời sống văn hóa, thông tin ngày càng phong phú, đặc biệt là trên mạng xã hội, đặt ra thách thức cho công tác giáo dục của Đoàn.

"Đoàn Thanh niên cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức giáo dục để tăng sức đề kháng cho thanh niên làm chủ bản thân trước các thông tin xấu độc trên mạng xã hội", bạn Vinh nói.

Theo bạn Vinh, ở đâu có đoàn viên, thanh niên, Đoàn cần mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp ở đó một cách linh hoạt. "Đoàn cần linh hoạt thành lập tổ chức của Đoàn, chi hội trên không gian mạng mà không phụ thuộc vào không gian, thời gian nhưng vẫn đảm bảo tôn chỉ, mục đích và hiệu quả hoạt động", bạn Vinh đề xuất.

Cùng quan điểm, bạn Nguyễn Thị Mai Hiền, Bí thư chi đoàn 12C1, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng đề xuất thành lập tổ chức của Đoàn, Hội trên không gian mạng, tạo không gian mở giao lưu, kết nối không biên giới cho bạn trẻ hiện nay.

Trao đổi từ điểm cầu TPHCM, anh Hà Thành Đạt, giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đề xuất trang bị kiến thức, kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên sử dụng tốt và hiệu quả công cụ chuyển đổi số.

Theo anh Đạt, việc trang bị kiến thức cho bạn trẻ không chỉ dừng lại ở sử dụng hiệu quả công cụ chuyển đổi số để phục vụ bản thân trong học tập, rèn luyện. Đoàn viên, thanh niên phải là lực lượng đi đầu sử dụng các sản phẩm, thiết chế chuyển đổi số do các tổ chức, chính quyền triển khai; đồng thời, lan tỏa rộng rãi cho cộng đồng, xã hội.